Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Điệu hát hóa giải mâu thuẫn của người Cơ Tu

07/10/2021 08:52
Hát lý được nhiều thế hệ người Cơ Tu gìn giữ

Hát lý được nhiều thế hệ người Cơ Tu gìn giữ

Nói lý, hát lý - hình thức ứng khẩu trong sinh hoạt văn hóa của người Cơ Tu, là một nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của đồn bào Cơ Tu.

Phóng viên A Lăng Lợi, người Cơ Tu, công tác tại Ban tiếng Cơ Tu của Đài Tiếng nói Việt Nam là người biết nhiều câu chuyện lý thú về hát lý – thể loại dân ca độc đáo của cộng đồng dân tộc mình.

A Lăng Lợi kể, trong một chuyến tác nghiệp về thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chị được các bô lão kể: Cách đây đã rất lâu, có người đàn ông bắt con dâu nhà nọ về làm vợ. Thời xưa, cô gái nào đẹp, siêng năng, đảm đang, hiền dịu là đều nằm trong diện bị bắt cóc của những chàng trai thuộc các gia đình giàu có, không cần biết cô gái đó đã có chồng hay chưa. Trong làng, gia đình người này được xếp là giàu nhất, nên ngang nhiên đi bắt cóc vợ người ta về làm vợ mình. Hai họ từ đó quyết không đội trời chung.

Nhưng rồi, mọi việc đều ổn thỏa khi hội đồng già làng đã họp bàn lại, dùng lý lẽ để thuyết phục. Cả làng phải ngồi nghe hát lý giải quyết mâu thuẫn này trong vòng 2 đêm và 1 ngày.

Hội hát lý của người Cơ Tu

Hội hát lý của người Cơ Tu

Trước đây quả thực đã có những mâu thuẫn giữa làng này với làng kia, giữa gia đình này với gia đình nọ đều được giải quyết ổn thỏa hợp lý thuận tình qua những câu nói lý, hát lý.

Việc giải quyết mâu thuẫn như trên khá kỳ lạ, nhưng từng được áp dụng phổ biến trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu. Những bất đồng hay mâu thuẫn có khi vẫn được người ta bỏ qua khi họ đã chịu ngồi cùng nhau trong một hội nói lý, hát lý có ché rượu cần và những người được cộng đồng nể trọng đứng ra hòa giải.

Hát lý của người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam không mô tả sự việc, hiện tượng một cách trực tiếp mà dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này hiểu nghĩa cái kia. Vì thế nói lý, hát lý luôn kích thích người nghe bằng vẻ tinh tế rất riêng. Loại hình dân ca này được sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Cơ Tu như khi trai gái hát giao duyên, tiếp khách và cả việc giải quyết những mâu thuẫn nội bộ.

Một hội nói lý và hát lý thường diễn ra trong không gian làng bản, dưới mái nhà dài của người Cơ Tu, thậm chí ở nơi núi rừng khi trai gái tìm hiểu nhau trong hội "ngủ đuông". Cũng tùy từng hoàn cảnh mà những bài hát lý nói về đề tài gì. Những hình ảnh trong các bài lý này thường gần gũi với cuộc sống của cộng đồng như muông thú, cây cối. 

"Ví như khi dùng hình ảnh cây "kiền kiền" - một loài thân gỗ có vóc dáng sang trọng trong rừng già là để nói về cuộc sống giàu có của ai đó. Hay khi nói về chuyện con gấu lấy mật, ý của người hát lý muốn nhắc đến người có sức mạnh và ý chí, quyền lực" – chị A Lăng Lợi chia sẻ.

Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Điệu hát hóa giải mâu thuẫn của người Cơ Tu - Ảnh 2.

A Lăng Lợi - nữ nhà báo người Cơ Tu

Hội thi ứng khẩu này thường bắt đầu bằng những câu nói lý. Sau đó, người ta bắt đầu bài hát bằng một lời dẫn nhập kèm với tiếng đệm sáo. Từ đó cuộc hát lý bắt đầu. Chính vì thế mà hát lý và nói lý thường đi kém với nhau. Cao trào của hội thi chính là khi mọi người hát lý.

Hiện nay, hát lý và nói lý vẫn được nhiều cộng đồng người Cơ Tu cư trú tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam) duy trì trong sinh hoạt hang ngày. "Dĩ nhiên, chẳng còn dùng nói lý và hát lý để giải quyết mâu thuẫn trong thời đại ngày nay", chị A Lăng Lợi nói thêm.

Từ năm 2015, nói lý và hát lý của người Cơ Tu ở Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh hạng mục Văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.