Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Độc đáo cách gọi phiếm chỉ của người Quan họ

11/10/2021 08:50
Thiếu nữ Quan họ. Ảnh: ST

Thiếu nữ Quan họ. Ảnh: ST

Gọi nhau bằng tên phiếm chỉ theo số lượng, mỗi “Bọn Quan họ” có đúng 5 liền anh hoặc 5 liền chị… là những nét độc đáo trong sinh hoạt của loại hình diễn xướng dân gian đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa năm 2009.

Không những trong giao tiếp, mà ngay cả ở lời ca, các liền anh, liền chị Quan họ bao giờ cũng gọi nhau bằng tên phiếm chỉ theo thứ tự số lượng, từ anh Hai tới anh Sáu, hoặc từ chị Hai tới chị Sáu. Chẳng hạn:

Anh Hai ơi, lênh đênh chỉ nổi kim chìm/ Anh Tư ơi, ân sâu chúng em mong trả/ Nghĩa chúng em xin đến mai sau.

Chị Hai, chị Ba ơi!/ Cái chén chè ngon thết đãi khách bạn hiền/ Chị Tư, chị Năm ơi!/ Đông người chẳng tiện nói năng.

Theo nhà nghiên cứu Quan họ Lê Danh Khiêm, trong tiến trình tồn tại và phát triển nhiều trăm năm, điểm đặc trưng tiêu biểu của Quan họ so với hầu hết các loại hình dân ca khác là đã tạo lập được một thiết chế văn hóa ổn định. Thiết chế ấy là sự hoàn chỉnh của cả 3 yếu tố tạo thành: Tổ chức, cơ sở vật chất và phương thức hoạt động. Tất cả các anh Hai, anh Ba, anh Sáu hoặc chị Hai, chị Ba, chị Sáu… đều được tập hợp trong các tổ chức gọi là "Bọn Quan họ".

Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Độc đáo cách gọi phiếm chỉ của người Quan họ - Ảnh 1.

Liền anh, liền chị chung câu Quan họ

Cho tới cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, từ "bọn" được dùng để chỉ một tập thể đồng chất chứ không mang tính miệt thị như ngày nay. "Bọn Quan họ" là danh ngữ chỉ một tổ chức cơ sở của Quan họ. Tổ chức này gắn với từng làng cụ thể. Đa số các địa phương, "Bọn Quan họ" được thành lập tới cấp xóm. Ví như làng Lim cổ xưa có 4 xóm, mỗi xóm đều có 1 bọn nam, 1 bọn nữ. Rồi làng Diềm có 10 bọn, Trà Xuyên có 6 bọn, Châm Khê có 4 bọn, Hòa Đình có 3 bọn Quan họ…

Các anh Hai, chị Hai… đã cao tuổi, có uy tín, là những người đứng ra tập hợp lực lượng để thành lập "Bọn Quan họ". Những người này gọi là ông Trùm (nếu là bọn nam), hoặc bà Trùm (nếu là bọn nữ). Đã là "Bọn Quan họ" thì phải đồng chất, vậy nên có hai loại: bọn Quan họ nam và bọn Quan họ nữ.

"Thực chất của sự giao lưu Quan họ giữa các cộng đồng làng xã, thực chất của tất cả các mối quan hệ trong Quan họ, chi phối toàn bộ các hoạt động Quan họ, chính là mối quan hệ toàn diện giữa những bọn Quan họ kết bạn với nhau. Xưa chỉ những bọn Quan họ kết bạn mới thường xuyên giao lưu và ca hát với nhau. Vì vậy, tất cả những ai muốn sinh hoạt Quan họ thì, trước là phải nằm trong tổ chức "Bọn Quan họ", sau là phải cùng bọn của mình kết bạn với ít nhất là một bọn Quan họ của làng khác theo nguyên tắc "âm dương, tương cầu", nghĩa là bọn nam kết hợp với bọn nữ", nhà nghiên cứu Lê Danh Khiêm cho biết.

Ngoài những người phục vụ, người sáng tác và các em nhỏ theo học, mỗi "Bọn Quan họ" bắt buộc phải có 5 liền anh hoặc 5 liền chị. Tùy theo khả năng và uy tín mà mỗi Bọn đều phân định thành tên phiếm chỉ theo thứ tự số lượng từ anh Hai tới anh Sáu hoặc từ chị Hai tới chị Sáu. Khi giao tiếp hoặc ca hát, người ta gọi nhau theo tên phiếm chỉ ấy.

Quan họ tuyệt đối không bao giờ được gọi tên thật (tên tục) của nhau. Hiện tượng này là nằm trong đặc điểm phổ biến của văn hóa hành vi Quan họ: Người Quan họ thường sử dụng nhiều nhã ngữ trong giao tiếp, ca hát, nghĩa là lối nói gián tiếp, tránh gọi tên trực tiếp của sự vật, hiện tượng…

Quan họ không có anh Cả, chị Cả, vì các nghệ nhân cho rằng ông Trùm, bà Trùm chính là anh Cả, chị Cả.

Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Độc đáo cách gọi phiếm chỉ của người Quan họ - Ảnh 1.

Mỗi "bọn Quan họ" chỉ được có 5 liền anh hoặc 5 liền chị

Vậy tại sao mỗi Bọn có và chỉ được có 5 liền anh hoặc 5 liền chị? Theo nhà nghiên cứu Lê Danh Khiêm, đó là người ta tuân thủ theo thuyết âm dương ngũ hành của phương Đông: Vũ trụ được tạo ra hoàn thiện không ngoài sự hợp thành của 5 khí chất là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Quan niệm về âm dương ngũ hành (của Kinh dịch) đã thấm nhuần trong nhiều loại hình văn hóa truyền thống có quan hệ trực tiếp tới Quan họ.

Trong những ngày lễ hội dân gian bao giờ cũng có lá cờ ngũ hành 5 màu mà dân gian quen gọi là "cờ ngũ sắc". Cờ ngũ hành 5 màu chính là biểu hiện quan niệm: Thế giới vạn vật đều được sinh ra do sự vận động của 5 khí chất với 5 hình thái. Lễ hội là điều kiện, là môi trường để sinh hoạt văn hóa Quan họ tồn tại và phát triển. Do vậy, tác động về hình thái ý thức này của lễ hội đối với Quan họ là điều tất yếu.

Mặt khác, ngay cả trong lĩnh vực nhạc cổ xưa phương Đông phổ biến là nhạc Ngũ âm (còn gọi là Ngũ cung). Nhạc Ngũ âm thực ra truy về nguyên thủy cũng là phỏng theo Ngũ hành. Trong thế tương đồng và tác động qua lại như vậy thì việc mỗi "Bọn Quan họ" đều phải có 5 người ắt hẳn phải là hệ quả kéo theo rất logic.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.