Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Hành trình về thiên giới qua điệu Then

Hữu Vi - Ảnh: St
11/10/2021 - 19:37
Hồn dân tộc qua ca dao, dân ca: Hành trình về thiên giới qua điệu Then

Một cuộc Then ở Lạng Sơn

Có một loại hình diễn xướng dân gian mà ở đó người trong cuộc thực sự du hành vào thế giới tâm linh. Người Tày, Thái và Nùng ở Việt Nam gọi đó là cõi “Then”.

Tôi đã có kỷ niệm khá ấn tượng về loại hình Then ngay ở Hà Nội, một nơi mà những nét văn hóa của các cộng đồng 53 dân tộc thiểu số chỉ xuất hiện trong những không giản nhỏ và có phần trầm lắng. Lần ấy cũng vậy, hát Then được trình bày trong sự kiện về văn hóa nghệ thuật của các cộng đồng thiểu số ở phố Kim Mã.

Một vài tiết mục Then đã được sân khấu hóa kéo tôi trở về một không gian khác. Đó là miền núi Cao Bằng, khi tôi đang là một cậu sinh viên và lần đầu khám phá vùng "địa đầu tổ quốc", cũng là vùng văn hóa mà những điệu Then vẫn còn xuất hiện trong đời sống cộng đồng. Nhà thơ Hoàng Triều Ân - cây bút lão thành của vùng miền núi Đông Bắc thời ấy vẫn khỏe mạnh. Ông kể về Then một cách ngắn gọn nhưng đủ gieo vào tâm trí những suy nghĩ sâu sắc hơn về loại hình nghệ thuật dân gian này.


Vũ đạo, phần quan trọng không thể thiếu trong diễn xướng Then

Vũ đạo, phần quan trọng không thể thiếu trong diễn xướng Then

Hát Then phổ biến ở các cộng đồng thiểu số từ người Choang ở Quảng Đông (Trung Quốc) cho đến vùng miền núi phía Bắc nước ta. Đó là sự tổng hòa của hát, múa đàn tính. Một cuộc diễn Then là một câu chuyện kể được các nghệ nhân thuật lại hành trình từ cõi nhân gian vào cõi Then (nghĩa là trời). Trong thế giới tâm linh của nhiều cộng đồng thiểu số thì Then là cõi tâm linh phổ biến. Ở đó có người đứng đầu là Ngọc Hoàng và các vị Then cai quản linh hồn, cuộc sống vật chất, tinh thần nơi dương gian cũng như mọi thứ núi rừng, sông suối, cỏ cây, muông thú…

Mỗi cuộc diễn xướng Then đều có một lý do nào đó để con người phải lên thiên giới. Dĩ nhiên đó là cuộc du hành của mường tượng. Người ta chỉ có thể "nhìn và cảm nhận" về chuyến đi qua tiếng đàn hát và những điệu múa.

Theo tài liệu nghiên cứu của Hoàng Triều Ân, trước đây một cuộc diễn Then đến 16 tiết mục. Các tiết mục là lời kể về quá trình lên thiên giới rồi trở về. Riêng khâu chuẩn bị binh lính, khao quân, xin phép thổ công, táo quân đã chiếm 5, 6 tiết mục. Sau đó là những chuyến đi lên chơi chợ cõi trời, lên xin với Ngọc Hoàng đón hồn vía của người về, lên rừng săn hươu nai, xuống sông đánh cá để dâng lên các Then và khao quân trở về. Mỗi tiết mục này trên thực tế có thể kéo dài cả giờ đồng hồ. Chính vì thế, trong truyền thống, có nhiều cuộc hát Then kéo dài đến 2 ngày. Đương nhiên là kể cả những quãng nghỉ lấy sức, cũng như tiệc tùng.

Nghệ nhân hát Then Nguyễn Văn Thọ ở Tràng Định, Lạng Sơn

Nghệ nhân hát Then Nguyễn Văn Thọ ở Tràng Định, Lạng Sơn

Trong truyền thống, Then gắn liền với những sinh hoạt tâm linh cụ thể. Một cuộc Then tiễn đưa linh hồn về trời thường kéo dài nhất. Kế đến là các nghi lễ tâm linh như cầu mùa, lễ trưởng thành. Tuy nhiên, với cộng đồng người Thái, hát Then thường xuất hiện trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần như giao duyên, hát khi lao động sản xuất. Đó thường là những trích đoạn của Then khi nói về tình yêu lứa đôi, về cảnh sắc địa phương, về nỗi niềm nào đó vốn khá đa dạng trong những điệu Then. Đôi khi tuy vào cảnh huống mà có thể chỉ hát chay, không có đệm đàn, múa hát. Đó đơn giản chỉ là hát Then không đầy đủ như hình thức thực hành Then đã được vinh danh bởi UNESCO khi công nhận loại hình văn hóa dân gian này là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại. 

Ngày nay, theo những luồng di cư của người Tày, Nùng, Thái điệu Then đã đến với nhiều địa phương trong cả nước như Đồng Nai, TP HCM. Để bảo tồn, nhiều tổ chức văn hóa, chính quyền địa phương đã và đang có những nghiên cứu cũng như truyền dạy trong các cộng đồng, làng, bản…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm