Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Khăng khít tình cảm anh chị em ruột thịt

14/10/2021 17:35
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Từ những câu ca dao và tục ngữ mà cha ông để lại với ý nghĩa răn dạy, các anh, chị em trong gia đình sẽ chín chắn, trưởng thành hơn để giữ gìn tình thân gắn bó, khăng khít.

Tục ngữ có câu: "Cắt dây bầu dây bí, ai cắt dây chị dây em". Hình ảnh bầu, bí từng xuất hiện trong câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" để nhắn nhủ về tinh thần đoàn kết, chia sẻ, yêu thương và đùm bọc nhau. Câu tục ngữ này mượn dây bầu, dây bí để ẩn dụ cho sự gắn bó, ràng buộc của tình anh chị em.

Nhưng dây bầu dây bí có thể cắt đi chứ dây tình anh chị em sâu đậm không ai có thể chia lìa được. Cha ông ta đã thầm kín nhắn nhủ rằng sống trên đời, cần trân quý những người anh, người chị, người em của mình, để tạo thành sợi dây liên kết, góp thêm sức mạnh để cuộc sống được trọn vẹn và không phụ công các đấng sinh thành.

Tục ngữ cũng có câu: "Chị ngã em nâng". Trong gia đình, chị, em ruột cùng được cha mẹ sinh ra, sống dưới một mái nhà nên luôn có quan hệ mật thiết. Vì thế, đã là chị em thì phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng hàm ý rất đầy đủ, nhấn mạnh sự cần thiết của chị, em bên nhau trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Phận làm em nhỏ tuổi nhưng phải biết cư xử sau trước, trên kính dưới nhường, và sẵn sàng giúp đỡ chị. Chính nhờ tình yêu thương đùm bọc, quan tâm và sẻ chia nỗi buồn, niềm vui giữa anh chị em một nhà mà mọi khó khăn không còn là rào cản đối với nhiều người nữa.

Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Khăng khít tình cảm anh chị em ruột thịt - Ảnh 1.

Chị em gái. Ảnh minh họa

Bài ca dao: Ai ơi giữ chí cho bền/ Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai/ Xin đừng làm, nói đơn sai/ Tin mình đừng sợ những lời gièm pha/ Anh em một họ một nhà/ Thương nhau chân thật đường xa cũng gần.

Đó là lời khuyên con người cần có niềm tin, có ý chí, đừng dễ lung lay trước những lời không chân thật, nhất là những điều "đơn sai" về anh chị em mình. Đã là anh em một họ, một nhà thì phải luôn tin tưởng nhau, luôn giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Chính tình yêu thương chân thật làm nên sức mạnh khiến đường xa hóa gần. 

Bài ca dao cũng là lời nhắc nhở đầy ý nhị cho những ai có thói quen lầm tưởng, đa nghi, hay suy diễn, dò xét đối với người thân. Xét đến cùng, niềm tin và tình cảm chân thật sẽ là sợi dây kết nối mọi mối quan hệ trở nên đậm sâu và bền chặt.

Ca dao cũng có câu: Anh em hiếu thảo thuận hiền/ Chớ vị đồng tiền mà mất lòng nhau.

Có thể hiểu đây là lời khuyên răn nhẹ nhàng, cũng là ước mong của cha mẹ đối với con cái. Câu ca dao nhấn mạnh hai đức tính rất quan trọng, cần thiết từ xưa đến nay đã trở thành truyền thống quý báu của con người Việt Nam – đó là lòng hiếu thảo và sự thuận hòa. Người xưa khẳng định: tình thân là thứ có giá trị hơn bất cứ loại vật chất nào trên đời, cho nên đừng vì đồng tiền mà bỏ anh chị em, bỏ đi người thân gia đình, đừng vì đồng tiền mà làm mất tình cảm gia đình, tình cảm anh chị em trong cuộc sống.

Đúc kết lại, anh em một nhà là máu mủ, là ruột thịt, là bạn bè, là những người cùng ta vượt qua tuổi thơ, tuổi trẻ và những năm tháng khó khăn trong cuộc đời. Dù bạn có muốn phủ nhận đến thế nào đi chăng nữa thì tình anh em vẫn mãi trường tồn mà không điều gì có thể chia cắt được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.