Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Vẹn nguyên giá trị bài học làm người

04/10/2021 07:58
Bài học làm người được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng những câu ca dao, tục ngữ

Bài học làm người được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng những câu ca dao, tục ngữ

Những bài học làm người mà ông bà xưa gửi gắm cho con cháu qua ca dao, tục ngữ đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

Ca dao, tục ngữ là một kho tàng văn học vô cùng to lớn và quý giá của dân tộc Việt Nam. Những kinh nghiệm được ông bà xa xưa đúc kết từ cuộc sống, từ kinh nghiệm thực tế để lại cho chúng ta qua những câu ca dao, tục ngữ rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc. Trong số đó, có rất nhiều câu khuyên răn con cháu những bài học đạo đức, nhân cách cần thiết trong cuộc sống. Trải qua thời gian, những bài học ấy đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Có thể kể đến những câu ca dao, tục ngữ dưới đây:

Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Đây là bài học dạy người làm con phải biết lắng nghe sự dạy bảo, lời khuyên răn của cha mẹ. Cha mẹ là người đã sinh ra chúng ta, nuôi ta khôn lớn, trải qua cuộc sống và nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái. Những điều cha mẹ dạy bảo thường là điều hay lẽ phải, bởi có cha mẹ nào lại không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Thấy con làm điều trái với đạo lý, cha mẹ từ từ khuyên ngăn và dạy bảo giúp con tránh xa điều ác, làm người tốt… Bởi lẽ đó, người làm con hãy hiểu tấm lòng cha mẹ, phải biết lắng nghe, ghi nhớ, kính trọng và vâng lời cha mẹ. Nếu con cái để ngoài tai những lời của cha mẹ thì không thể trưởng thành, không tiến bộ và nên người được.

Ngày nay, con cái thường có tiếng nói riêng, giữa cha mẹ và con cái có sự trao đổi, nhưng tính đúng đắn của câu ca dao vẫn nguyên vẹn. Bởi lẽ, dù có quyền được bày tỏ chính kiến nhưng con cái phải luôn giữ phép tắc, lễ nghĩa, thái độ đúng mực chứ không phải là "con hư".

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

Câu tục ngữ này là lời khuyên nhủ mỗi người về cách cư xử đúng mực trong ăn uống, sinh hoạt. Khi ta ăn, cần phải biết giữ chừng mực, không nên ăn quá nhiều, ăn hết phần của người khác, đặc biệt là khi có những người lớn tuổi. 

Không chỉ vậy, câu tục ngữ còn khuyên nhủ chúng ta ở bất cứ đâu, ở mọi hoàn cảnh, khi đứng lên ngồi xuống đều phải giữ phép lịch sự, không nên ngồi chắn lối đi của người khác, đặt đâu ngồi đó, cần ngồi đúng lúc, đúng chỗ, nhường chỗ cho người lớn tuổi. Qua câu tục ngữ này, ông bà ta gửi gắm cho con cái những bài học tuy đơn giản mà sâu sắc về phong thái, cách cư xử phù hợp hoàn cảnh, thời điểm.

Người Việt rất coi trọng phép lịch sự trên bàn ăn

Người Việt rất coi trọng phép lịch sự trên bàn ăn

Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Trong câu ca dao này, ông bà ta dùng lối ví von so sánh để nói lên sự gắn bó của anh em một nhà. Tình anh em được so sánh với tay chân - những bộ phận không thể thiếu trên cơ thể con người bình thường. Anh em trong một gia đình cũng như vậy, tuy là những con người riêng biệt nhưng có sự gắn bó mật thiết, có những cái chung rất thiêng liêng như chung nhà, chung cha mẹ, chung huyết thống.

Bởi vậy, anh em là phải "Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần", phải yêu thương, đùm bọc, san sẻ với nhau dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đùm bọc, đỡ đần là trách nhiệm của người anh, người em trong gia đình, không tính toán thiệt hơn. Nếu như tình cảm anh em là thứ tình cảm tự nhiên thì sự đùm bọc lẫn nhau cũng là việc làm tự nhiên, tất yếu. 

Đùm bọc có nghĩa là giúp đỡ, che chở, chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui, mọi điều sướng khổ với tất cả tình cảm thương mến chân thành. Câu ca dao đưa ra một cách cư xử hợp tình hợp lý trong quan hệ anh em. Đây cũng là một chuẩn mực đạo đức để đánh giá phẩm chất con người.

Một kho vàng không bằng một nang chữ

Câu tục ngữ là lời khẳng định của ông bà với thế hệ sau về tầm quan trọng của tri thức. Vàng bạc, của cải rất quý giá, nhưng không thể nào so sánh được với chữ nghĩa. Vật chất cho dù nhiều đến đâu thì dùng cũng sẽ hết, còn chữ nghĩa, tri thức thì luôn luôn hiện hữu ở trong đầu của một con người, không bao giờ mất đi. 

Câu tục ngữ thể hiện rất rõ quan điểm trọng tài, trọng chữ nghĩa của người Việt. Nó góp phần thúc đẩy sự hiếu học, khao khát tri thức. Khi càng đầu tư cho tri thức, con người ta sẽ càng giàu lên, giàu không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần, từ đó mang lại những giá trị tích cực nhất cho xã hội.

Ăn phải nhai, nói phải nghĩ

Câu tục ngữ khuyên mỗi chúng ta trước khi nói điều gì cần phải suy nghĩ một cách chín chắn, kỹ lưỡng, tránh nói năng thiếu suy nghĩ và coi đó là việc làm cần thiết, giống như việc khi ta ăn uống phải từ tốn. Lời ăn tiếng nói là một trong những cách mỗi người thể hiện chính con người mình, từ trình độ đến đạo đức, nhân cách. 

Hơn nữa, lời nói đôi khi cũng quyết định đến cả cảm xúc của người đối diện và không khí của cuộc giao tiếp, do đó ta cần phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi bật ra lời nói. Nói đúng nơi, đúng hoàn cảnh thì người đối diện sẽ thấy được tôn trọng và có thiện cảm với ta hơn. Còn nếu nói năng thiếu suy nghĩ, làm tổn thương người khác thì sẽ khiến người ta mang ấn tượng xấu với mình. Vì thế, việc rèn luyện lời ăn tiếng nói là điều rất cần thiết với mỗi người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.