Hồn dân tộc qua câu ca, lời hát: Mượt mà hát ru của đồng bào Thái ở Nghệ An

29/09/2021 17:52
Từ lúc còn nằm trong nôi, em bé đã được nghe nhiều giai điệu hát ru mượt mà, sâu lắng của mẹ và bà. Ảnh minh họa: ST

Từ lúc còn nằm trong nôi, em bé đã được nghe nhiều giai điệu hát ru mượt mà, sâu lắng của mẹ và bà. Ảnh minh họa: ST

Cũng như những đứa trẻ miền xuôi, trẻ em miền núi lớn lên bên những câu hát ru. Ngày nay, một vài nơi người ta vẫn ru con bằng tiếng dân tộc mình, song cũng có nhiều nơi, các mẹ đã quên việc hát ru bằng ngôn ngữ bản địa.

Lời ru nơi bản vắng

Tôi thường tản bộ trong bản người Thái ấy. Đó là bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An - nơi cư ngụ của hơn nghìn nhân khẩu. Chỉ còn hơn nửa số hộ trong bản ở nhà sàn. Gỗ rừng đã trở nên khan hiếm nên phần nhiều bà con xây nhà để ở. Dẫu vậy, phía sau những căn nhà xây ấy là một nếp sống chậm, nơi những nét văn hóa cổ vẫn được lưu giữ. Hội cồng chiêng, rượu cần, nghề trồng dâu nuôi tằm, những làn điệu dân ca và đặc biệt là những bài hát ru cổ vẫn được các bà, các mẹ hát ru con mỗi ngày.

Trong những cuộc tản bộ của mình, mỗi lần đi qua căn nhà của bà Sầm Thị Thái, tôi thường phải dừng chân lắng nghe. Bà Thái 57 tuổi có đứa cháu trai sắp lên hai. Mỗi ngày, tầm non trưa hoặc cuối chiều là giờ cháu bé ngủ, từ căn nhà lại vọng ra tiếng ru là những lời đồng dao cổ:

Có cây cà/Người mường trên xuống chợ ăn mắm/ Đán vật thua chạy về Lào/ Về Lào được ăn hai mươi quả "tặm pồng"/ Ngó vào ao Săng Lẻ thấy luồng luông mặt đen, mắt đỏ/ Thuồng luồng mắt đen ở Mường Hinh…

Nếu ai hiểu được tiếng Thái sẽ thấy rằng đó là những lời ca vần vè, câu sau nối với câu trước có thể dài bất tận. Bà ca sẽ chỉ dừng lại khi cháu bé đã ngủ say.

Hồn dân tộc qua câu ca, lời hát: Mượt mà hát ru của đồng bào Thái ở Nghệ An - Ảnh 1.

Những người mẹ dân tộc Thái thường địu con địu con trên lưng để tiện làm việc nhà. Ảnh ST

Ở bản Hoa Tiến, ru con bằng những lời ca cổ không phải điều hiếm gặp. Bất kỳ người phụ nữ trung tuổi nào cũng thuộc một vài bài hát ru và khi cần sẽ dùng đến. Nơi đây, hát ru con cũng như việc thêu thùa vẫn hiện diện hàng ngày trong đời sống cộng đồng. Chị Sầm Thị Hồng, một bà mẹ trẻ mới ngoài 30 tuổi cho hay dù bản thân thích nghe nhạc hiện đại, thỉnh thoảng vẫn cùng chị em trong bản hát karaoke nhưng mỗi khi ru con thường chỉ dùng những lời ca cổ. Bà mẹ này cho biết bản thân không ý thức rằng hát ru con bằng những làn điệu cổ là giữ gìn bản sắc nhưng thấy những thế hệ trước vẫn làm thế như một thói quen nên cũng duy trì.

Nỗi nhớ những câu hát ru

Ông Lương Viết Thoại, một người viết văn và nghiên cứu văn hóa bản địa ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) gần đây công bố một bài viết nói lên nỗi nhớ về những lời hát ru. Trong bài viết khá dài tham gia một tuyển tập do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An tổ chức bản thảo, ông nói về những làn điệu ru con của người Thái quê mình. Theo ông Lương Viết Thoại, một bài hát ru của người Thái ở huyện Quỳ Hợp thường có 3 phần. Mở đầu là những câu "ưi ơ" (như lời à ơi của những bà mẹ người Kinh). Lời ca ngân cao dần với giọng điệu ngọt ngào có tác dụng để đứa trẻ chú ý lắng nghe.

Phần tiếp theo, nội dung cơ bản nhất của bài hát ru, nếu là mẹ ru con thì là những lời giải thích rằng: "Mẹ đang bận đi rẫy ở chân núi, ra ruộng cạnh bản…". Để đứa con yên lòng hơn, bà mẹ hứa sẽ "lấy trứng cút, trứng chim về cho con. Bao giờ nắng lên khắp chân trời mẹ sẽ về với bé". Trường hợp đứa trẻ vẫn quấy khóc, bà mẹ sẽ "dọa rằng: "Ngủ đi kẻo con gà mổ mắt. Ngủ đi kẻo con chó căn mông…".

Phần cuối của bài hát thường là khi đứa trẻ đã ngủ say. Bà mẹ sẽ không dừng đột ngột mà hát là những câu "ưi ơ" như ban đầu.

Trẻ em dân tộc Thái ở Nghệ An

Trẻ em dân tộc Thái ở Nghệ An

Dẫu vậy thì theo ông Lương Viết Thoại, những lời ru như thế hiện không còn nhiều trong cộng đồng. "Đáng tiếc là ngày nay, một bộ phận rất lớn bà mẹ đã không còn biết hát ru con bằng những lời ru mà mẹ đã ru mình lớn khôn. Người đồng bằng đã đành, mà ngay cả người miền núi, vùng sâu, vùng, cao, những vùng còn ít ánh sáng cộng nghiệp chiếu rọi tới cũng gần như vắng hẳn tiếng ru hời", ông Lương Viết Thoại cho biết.

Cũng theo ông Thoại, về cơ bản, những lời hát ru của người Thái có một mô típ chung, nhưng mỗi nơi, mỗi bà mẹ khi ru con sẽ có cách ứng khẩu riêng. Vì thế, hát ru Thái đa dạng về lời ca nhưng không có nhiều làn điệu. Ngày nay, quả thật không còn nhiều nơi các bà mẹ dân tộc Thái còn duy trì những điệu hát ru như ở bản Hoa Tiến…

Mỗi dân tộc có những cách hát ru riêng, lời hát cũng khác nhau nhưng tựu chung, hát ru là những bài hát nhẹ nhàng giúp trẻ em ngủ. Phần lớn các câu trong bài hát ru con lấy từ ca dao, đồng dao, hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian được truyền miệng từ đời này qua đời khác, người này sang người khác. Do đó, những bài hát này rất đa dạng, mang tính chất địa phương, gần như mỗi gia đình có một cách hát riêng biệt.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.