Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: "Dạ cổ hoài lang" không chỉ là nỗi niềm cô phụ

17/10/2021 18:03
Hình ảnh trong phim "Dạ cổ hoài lang" (năm 2017)

Hình ảnh trong phim "Dạ cổ hoài lang" (năm 2017)

“Dạ cổ hoài lang” là một trường hợp độc đáo của âm nhạc Việt: Là ca khúc của một tác giả cụ thể, nhưng được coi như một điệu dân ca Nam bộ với sức sống hơn trăm năm…

Những ngày qua, nhiều người phải rời đất phương Nam đầy nghĩa tình để về quê tránh dịch. Có lẽ ngoài những nhọc nhằn dặm dài thiên lý, người ta nhớ về điệu buồn phương Nam, nhớ không gian sông nước khi về miền miệt vườn vào dịp cuối tuần hay khi rảnh rỗi. Nhớ tiếng đờn ca tài tử trên sông hay khi nghe ai đó hát rằng Đường dầu sai ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…

Lời ca Dạ cổ hoài lang dài 22 câu kể về nỗi lòng của người phụ nữ khi chồng đang ra chiến trận. Trong đêm vắng nghe tiếng trống thu không, nàng ngóng trông tin chồng thao thức suốt năm canh. Dẫu xa cách, nhưng người vợ thủy chung vẫn luôn nguyện cho chồng được bình an và sớm trở về sum họp gia đình.

Ca khúc đã tồn tại qua bao thăng trầm của trăm năm lịch sử với cư dân miền Cửu Long sông nước hay vùng đất đỏ miền Đông. Rồi nay ở bất cứ nơi nào, trên không gian vô tuyến, ta vẫn nao lòng khi nghe "nguyện cho chàng đặng chữ bằng an". Đến nỗi người ta có thể chẳng biết đến nghệ sĩ Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), người cha đẻ của ca khúc mà vẫn thông lầu điệu hát Dạ cổ hoài lang.

Hình ảnh phục dựng của nghệ sĩ Sáu Lầu

Hình ảnh phục dựng của nghệ sĩ Sáu Lầu

Dạ cổ hoài lang là một hiện tượng đặc biệt của nền tân nhạc Việt Nam đầu thế kỷ 20. Người ta cho rằng nó xuất hiện vào khoảng từ năm 1917 đến 1920 cùng giai đoạn với bản nhạc Jazz đầu tiên trên thế giới được thu âm. Người ta thiên về năm 1919 và cũng là điểm mốc được ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu, nơi cụ Cao Văn Lầu viết Dạ cổ hoài lang để kỷ niệm về ca khúc. Trong nền tân nhạc nước nhà, thật hiếm thấy một bài hát được kỷ niệm lần sinh nhật thứ 100. Nó đủ để hiểu sức sống mạnh liệt của tác phẩm. Và mặc nhiên, người dân phương Nam coi nó như một làn dân ca vọng cổ thuộc về dân gian…

Người ta kể rằng ca khúc là nỗi lòng thương vợ của chính nghệ sĩ Sáu Lầu. Hồi ấy, ông mới ngoài hai mươi, cưới vợ được 3 năm mà không có con nên bị gia đình bắt "từ vợ". Ông không thuận nhưng cũng chẳng dám cãi ý nên đành xa bà trong một thời gian ngắn. Hình ảnh: Vào ra ngóng trông tin chàng, năm canh mơ màng đến nỗi "gan vàng quặng đau" thực ra là tâm trạng của chính nghệ sĩ. Thế rồi cũng như nhiều câu chuyện có hậu, sau 3 năm xa cách, ca khúc ra đời, bà Sáu có thai, ông bà lại được phép đoàn tụ. Về sau, ông bà Sáu Lầu có với nhau những 7 người con.

Không trắc trở như "cha đẻ" của mình, Dạ cổ hoài lang có một đời sống sẻ suôn và luôn được chào đón suốt hơn trăm năm qua. Đề tài về một người vợ ngóng chờ chồng nơi chiến trận không phải xa lạ gì trong văn chương kim cổ. Nhưng sức sống vượt thời gian của những giai điệu đằm sâu và luôn biến ảo theo thời gian bởi những người nghệ sĩ lớp sau khiến ca khúc luôn có cách sống còn và tỏa sáng.

Giai điệu của Dạ cổ hoài lang quen thuộc đến mức, người ta có thể tìm thấy nhạc điệu của nó trong những điệu lý Nam bộ và Nam Trung bộ hay hát bội. Người ta tin rằng đó là làn điệu vọng cổ đầu tiên được viết nên và ngày nay, thể loại dân ca này cùng với đờn ca tài tử đã trở thành đặc sản Nam bộ.

Nỗi niềm của người chinh phụ trong ca khúc cũng là tâm trạng chung của nhiều người vợ đang ngóng chồng trên dặm dài hồi hương từ miền Nam sông nước và nghĩa tình. Họ luôn mong người thân được bình an "trở lại gia đàng, cho én nhạn hiệp đôi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.