Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Giai điệu gắn kết các thế hệ của đồng bào Cao Lan

09/01/2022 21:38
Đồng bào Cao Lan hát Sình ca

Đồng bào Cao Lan hát Sình ca

Sình ca là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được lưu truyền trong cộng đồng người dân tộc Cao Lan và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.

Người Cao Lan hát Sình ca để bày tỏ thái độ của mình trước thiên nhiên, lịch sử, đời sống xã hội hay nói về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa.

Khúc hát Sình có nội dung phong phú và đa dạng với những đề tài về thiên nhiên, quê hương, đất nước, con người; triết lý của cha ông truyền lại để răn dạy con cháu. Bên cạnh đó, Sình ca còn kể về quá trình di cư của tộc người qua các vùng đất, các thời kỳ lịch sử khác nhau… Đặc biệt, trong lối hát giao duyên, Sình ca còn có những bài hát về tình yêu đôi lứa, đối đáp giữa nam và nữ chưa lập gia đình để làm quen, tìm hiểu.

Nghệ nhân Sầm Đạo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Xuất phát từ nội dung thể hiện, Sình ca như một cuốn sách quý mà tổ tiên người Cao Lan để lại cho con cháu. Sình ca thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, trở thành sợi dây tơ hồng se duyên cho biết bao đôi bạn nên duyên vợ chồng, đồng thời cũng là nơi chia sẻ nỗi lòng của con người khi tình yêu không thành. Hơn thế, Sình ca còn thể hiện cái nhìn khái quát của tộc người về con người và thế giới xung quanh, đúc kết thành những triết lý truyền lại cho con cháu hôm nay. Qua đó, ta có thể khẳng định Sình ca giống như một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của người dân tộc Cao Lan từ xưa đến nay".

Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Giai điệu gắn kết các thế hệ của đồng bào Cao Lan - Ảnh 1.

Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan xã Đại Phú

Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, Sình ca của người Cao Lan được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng là Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày có nhiều thể loại và nội dung khác nhau, thường được tổ chức trong các ngày hội, hát trong đám cưới, đám tang, dịp Tết, hát đền ơn cha mẹ; hát khi gặp nhau ở đường, bên bờ suối và trong lao động sản xuất… Sình ca ban đêm, chủ yếu dành cho nam nữ hát giao duyên, qua đó tìm bạn tình cho mình.

Làn điệu dân ca gắn liền với cuộc đời

Các làn điệu Sình ca của người Cao Lan đã được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ trong cộng đồng. Đối với người già, họ hát để biểu lộ tình cảm, tài năng và trí nhớ của mỗi người, răn dạy con cháu sống lễ phép, hiếu thảo, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Ngoài ra, nội dung được người lớn tuổi hát còn xoay quanh các chủ đề ca ngợi bản làng, chúc tụng, vật nuôi trong nhà... với ca từ mang đậm tính triết lý và giá trị nhân văn sâu sắc.


Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Giai điệu gắn kết các thế hệ của đồng bào Cao Lan - Ảnh 2.

Yêu câu hát, nhiều cụ già trong làng vẫn ngân nga những giai điệu Sình ca cho con cháu nghe

Anh Sầm Đạo cho biết: "Nếu trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu Ai ơi chớ vội cười nhau/ Cười người hôm trước, hôm sau người cười để dạy bảo về cách đối nhân xử thế, thì Sình ca Cao Lan có câu Số mệnh đã an bài sống chết/ Phú quý bần hàn trời đã ban/ Thấy người già chớ có cười vội/ Trẻ già quy luật của thế gian, ý muốn khuyên răn con người không nên cười đùa, coi khinh những người nghèo khó; nhắc nhở con cháu không nên nhìn thấy người già còng lưng, da nhăn nheo mà cười họ bởi đó là quy luật tất yếu của mỗi người. Những người lớn tuổi thường hát chậm, giai điệu nhấn nhá, có khi nghỉ giữa quãng lấy hơi nên thường hát ở tông vừa phải".

Anh là khách lạ đường xa/ Có lời xin hỏi em đã yêu ai/ Yêu ai thì anh xin mừng/ Nếu chưa em cũng xin đừng trách anh. Lối hát giao duyên của thanh niên là tâm sự của chàng trai trong buổi đầu đi tìm bạn đời, đúc kết thành lời hát trầm ấm, thể hiện âm vang núi rừng, mang hơi thở của mùa xuân làm động lòng thiếu nữ Cao Lan dịu dàng, e lệ trong bộ váy tràm mới may. Cô gái đáp lại rằng: Người yêu chưa có anh ơi/ Quẳng dao xuống nước cho đời chứng minh/ Dao nổi thì em bạc tình/ Dao chìm đáy nước thì tình trắng trong, cứ như vậy họ sẽ hát và tâm sự với nhau cho tới lúc kết thúc lễ hội.

Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Giai điệu gắn kết các thế hệ của đồng bào Cao Lan - Ảnh 3.

Hát Sình ca giao duyên giữa tốp nam và tốp nữ

"Người Cao Lan luôn muốn có một gia đình vui vẻ, hạnh phúc, đông con cháu cho vui cửa, vui nhà nên đầu tư rất nhiều vào lối hát lối hát giao duyên. Với bản tính chất phác, giản dị lại sống chủ yếu ở vùng núi, họ thấy rằng cây cối già rồi mà vẫn đơm hoa, kết trái nhưng con người già rồi thì không thể trở lại tuổi trẻ của mình được. Do đó, Sình ca dành cho các bạn trẻ còn là lời dạy con người sống ở đời không nên làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức, không làm ảnh hưởng đến người khác bởi thời gian không thể quay trở lại", anh Đạo chia sẻ thêm.

Ru con, con ngủ cho ngoan/ Con ngủ đợi mẹ trưa nay mẹ về/ Chị đợi ở nhà trông em/ Bố đi ra đồng bắt con cá lớn/ Mẹ đi lên nương lấy con muỗm về. Mỗi người con Cao lan khi sinh ra sẽ được nghe những lời hát ru của mẹ, của chị mà lớn lên. Nội dung của những câu hát ru thường kể về những vất vả của cha mẹ khi tham gia lao động sản xuất. Một số bài Sình ca được chị gái sử dụng để ru em có nội dung trái ngược với quy luật tự nhiên như đi rừng có cá, dưới ruộng có thỏ,vậy nên Sình ca hát ru còn có tên gọi là ú nung nần hay dối em.

Nỗ lực giữ gìn giai điệu Sình ca

Sình ca được truyền tụng bằng văn tự chữ Hán trong 12 tập hát, nhưng không phải người Cao Lan nào cũng có thể đọc và hiểu được nội dung trong những quyển sách này. Những năm gần đây, để giới trẻ có thể học hát, Sình ca đã được một số nghệ nhân, thầy cúng dịch ra tiếng Việt bằng văn xuôi hoặc thể thơ lục bát. Nghệ nhân nhân dân Sầm Dừn là người tiên phong trong lĩnh vực này, ông đã sưu tầm và dịch nội dung của 6 tập hát. Ngoài ra, ông cũng sáng tác nhiều bài Sình ca bằng tiếng Việt với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới.

Nghệ nhân Sầm Đạo tâm sự: "Là người con sinh ra và lớn lên giữa bản làng Cao Lan, trong tôi thắm đượm tình yêu bản làng qua những làn điệu dân ca của dân tộc. Tôi được cha mình là nghệ nhân nhân dân Sầm Dừn truyền lại rất nhiều kinh nghiệm về cách xây dựng chương trình biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc... Bản thân tôi cũng không ngừng học hỏi để nâng cao hiểu biết về phong tục tập quán, ma chay cưới hỏi, đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Tôi luôn mong muốn tìm ra một hướng đi đúng đắn cho làn điệu Sình ca nhằm thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Giai điệu gắn kết các thế hệ của đồng bào Cao Lan - Ảnh 4.

Để gìn giữ cái nôi văn hóa của dân tộc Cao Lan không thể thiếu sự góp sức của người trẻ

Ngày nay, lớp trẻ biết hát Sình ca ngày càng ít, việc truyền dạy làn điệu dân ca Cao Lan chủ yếu là do những người lớn tuổi trong làng, những nghệ nhân nặng lòng với câu hát Sình ca đảm nhiệm. Tuy người biết hát Sình ca không nhiều nhưng người yêu làn điệu này lại không ít, việc các bạn trẻ tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, hát Sình ca giao duyên với nhau qua điện thoại, sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đại học và sau đại học về lĩnh vực văn hóa dân tộc Cao Lan... đều là những tín hiệu đáng mừng cho việc gìn giữ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.