Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: Lời tâm tình của người con gái xứ Quảng

15/10/2021 18:45

Bài dân ca “Lý năm canh” không chỉ là tâm tình của một cô gái đang tuổi cập kê mà còn thể hiện lối sống bộc trực trong cố cách con người xứ Quảng.

Những khi lòng lắng lại, thay vì lướt mạng, ta bật radio và bắt gặp một giai điệu tưởng chừng đã quên lãng. Canh một tha thẩn vào ra/ Chờ trăng, trăng xế, chờ ba, ba tàn… mà chợt giật mình.

Điệu Lý năm canh đây chứ đâu. Khúc hát về nỗi cô quạnh của cô gái trẻ chờ ngóng người yêu trong suốt đêm dài năm canh vẫn được lưu truyền ở vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi bao đời nay… Cô gái chong đèn từ canh một đến khi "trắng địa tàn canh" mà người mình yêu chẳng đến. Bài hát bỏ lửng như thể một tiếng thở dài lọt thỏm giữa thinh không.

Bài dân ca có phần man mác buồn, giai điệu thì lại chắc nịch bộc trực như cốt cách của người đất Quảng vậy. Bên những đền đài rêu phong của xứ tháp Chàm, ta vẫn gặp sự bộc trực ấy trong cuộc sinh nhai thường nhật và trong điệu hát luyến láy nhấn nhá Canh một thơ thẩn ôi vào ra, vào ra ôi mà thơ thẩn/ chờ trăng (tình như) trăng xế, chờ ba, ba tàn...

Rõ ràng, nhân vật tự sự của bài ca không hề giấu giếm nỗi nhớ của mình. Cô chờ người tình cho đến khi trăng lu, sóng (ba) tàn. Với nỗi mong ngóng khôn nguôi, từ canh hai, cô vẫn chong đèn để "ngóng người quân tử" chỉ để "thở than đôi lời". Rồi khi sương xuống dày, nhác thấy bóng người qua ngõ lại "ngỡ bóng anh mơ màng". Cứ thế suốt đêm dài, người con gái đang yêu vò võ trông ngóng, nhưng không lặng lẽ cam chịu.

Quả là hiếm thấy những bài dân ca cổ mà nhân vật trữ tình là nữ thể hiện tình cảm một cách bộc trực nhưng cũng đầy tinh tế như vậy. Trong đêm vắng, khung cảnh và tâm hồn người đều thơ mộng và tao nhã. Cô gái đang yêu vừa thả bổng nỗi nhớ của mình trong khung cảnh quê hương lãng mạn, vừa gặm nhấm nỗi cô quạnh của mình. Nó khiến người ta nghĩ đến những khuê nữ nơi kinh kỳ cành vàng lá ngọc đang ngóng tao nhân mặc khác nào đó.

Hồn dân tộc qua dân ca: Lời tâm tình bộc trực của người con gái xứ Quảng - Ảnh 1.

NSƯT Vân Khánh, người thể hiện thành công điệu "Lý năm canh"

Điệu Lý năm canh với nhịp điệu dàn trải, những nét nhạc ngân nga, những tiếng láy, tiếng lặp đi lặp lại "A ôi a chờ hoa", "thơ thẩn ơi ra vào ra", "tình như"… thể hiện sự chờ mong khắc khoải của người con gái ở chốn lầu son dù đó là những đợi chờ vô vọng, là sự ảo mộng giữa đêm trường nhưng khát vọng này thắp sáng suốt năm canh trong lòng người thiếu nữ.

Thế nhưng không chỉ bài hát này, khi thưởng ngoạn qua những bài hò và lý của người dân Nam Trung bộ thì ngoài những cách nói dân dã, những hình ảnh tưởng như khá xa lạ với đời sống bình dân như núi Thiên Thai, những "bóng người quân tử" cũng xuất hiện khá nhiều: Trông lên trên núi Thiên Thai/ Thấy đôi chiền chiện ăn xoài chín cây (Lý Thiên Thai). Hay như: Thương nhau trường đoạn đoạn trường/ Lụy lưu, lưu lụy dạ dường kìm chân (Lý thương nhau)…

Đất Quảng là quê hương của những điệu hò kéo lưới, hò mài dừa gắn liền với tâm tình của người lao động. Nhưng cũng có những bài ca hoàn mỹ như Lý Năm canh. Có lẽ đó là công sức của những học sĩ xứ Quảng vốn từ lâu đã nức tiếng gần xa. Điều đó khiến những bài ca dân gian thêm phần thâm sâu và trang nhã.

Bài Lý năm canh được nhiều giọng ca tên tuổi thể hiện như NSƯT Vân Khánh, Vũ Khánh Vân… Nhiều nhạc sĩ Việt Nam hiện đại đã sử dụng làn điệu Lý năm canh trong các sáng tác của mình như: Huế tình yêu của tôi (nhạc sĩ Trương Thị Tuyết Mai), Nhớ về Quảng Trị (nhạc Tôn Thất Lập, lời Tạ Nghi Lễ), Câu hò bên bờ Hiền Lương (nhạc Hoàng Hiệp, lời Hoàng Hiệp và Đằng Giao)…

Nghe Lý năm canh qua phần thể hiện của nghệ sĩ Lài Tâm:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.