Hồn dân tộc qua những lời đồng dao: Nỗi nhớ tuổi thơ

22/10/2021 16:47
Nhiều thế hệ tuổi thơ gắn bó với đồng dao. Ảnh minh họa: ST

Nhiều thế hệ tuổi thơ gắn bó với đồng dao. Ảnh minh họa: ST

Đồng dao từng theo bao thế hệ tuổi thơ lớn lên với những trò chơi dân gian thân thuộc. Ngày nay, không gian chơi truyền thống của trẻ em dần thay đổi và đồng dao gần như chỉ còn trong nỗi nhớ.

Chẳng biết là đã có bao nhiêu thế hệ trẻ em trên đất nước này, từ đồng bằng đến miền núi đã lớn lên cũng những bài đồng dao. Những "Dung dăng dung dẻ, bắt trẻ đi chơi", "Nu na nu nống, đánh trống phất cờ" hay "Ba bà đi bán lợn con, bán đi chẳng được lon ton chạy về"… đã quá đỗi quen thuộc với bao thế hệ con trẻ. Mãi cho đến những năm 2000, khi trẻ em sau này dần xa không gian của các trò chơi dân gian, việc hát đồng dao cũng trở nên thưa vắng.

Tôi là người miền núi. Lũ trẻ chúng tôi hồi cuối những năm 80, đầu 90 thế kỷ trước cũng có những bài đồng dao của riêng mình. Đồng dao của trẻ miền núi cũng gắn liền với những trò chơi con trẻ. Dưới bóng trăng, bên hàng rào rậm rạp, cạnh bờ sông suối, chúng tôi vừa bắt chuồn chuồn vừa hát bài đồng dao, rằng: "Chuồn chuồn chuổn chuổn/ Mau về với chủ/ Kẻo chủ đánh chết/ Đánh chết về trời/ Xa cha xa mẹ"…

Hồn dân tộc qua những lời đồng dao: Nỗi nhớ tuổi thơ - Ảnh 1.

Chúng tôi vừa bắt chuồn chuồn vừa hát bài đồng dao. Ảnh minh họa

Cứ thế, những buổi săn chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt của đám trẻ trở nên vui vẻ, kéo dài suốt những ngày hè. Đám anh chị hát trước. Nghe mãi thành quen rồi thuộc làu. Rồi chúng tôi lại hát cho các lứa đàn em của mình nghe. Chúng nhớ nhanh hơn nhớ bài trên lớp. Đó cũng là cách truyền khẩu của những bài đồng dao và những trò chơi con trẻ suốt bao thế hệ qua.

Những đêm trăng sáng, đám trẻ chúng tôi lại túm tụm cạnh nhau hát: "Cốc cốn/ ai phá rẫy nhà tôi thể nhỉ/ chim cú/ Cú gì/ Cú vọ/ Ăn trưa cùng tôi nhé/ Dạ thôi/ Vì sao thôi/ Vì con cua con cá vào trúm"… Hết bài ca, bầy trẻ đuổi bắt nhau cho đến khi mệt lử mới chịu về ngủ. Đó là một trong những thứ giải trí thú vị nhất suốt những năm tháng ấu thơ của tôi.

Đồng dao thường gắn với những trò chơi con trẻ

Đồng dao thường gắn với những trò chơi con trẻ


Nhưng rồi, những cuộc chơi dần thưa vắng khi nông thôn và cả khu vực miền núi điện khí hóa. Điện về làng, những phương tiện nghe nhìn xuất hiện. Ban đầu là chiếc đầu video chiếu phim kiếm hiệp, phim tâm lý Đài Loan (Trung Quốc) rồi đến tivi màu chiếu đủ thứ trên đời. Những thứ mới mẻ có sức thu hút mãnh liệt hơn những trò chơi dân dã. Sau những buổi làm lụng trên nương, dưới ruộng, người lớn lại rủ trẻ em đến các nhà có "chiếu phim" và chúng tôi dần xa rời những cuộc dượt đuổi dưới bóng trăng. Những buổi săn chuồn chuồn cũng được thay thế bằng các trò chơi mô phỏng những chiêu võ công trên màn ảnh nhỏ. Thế là một cách rất đỗi vô tình, những bài đồng dao cũng bị chính chúng tôi quên lãng.

Những năm 2000 trở đi, khi internet dần phủ sóng đến những nơi xa xôi nhất và đồng dao cũng có một cuộc sống khác, một không gian khác. Đồng dao được phổ nhạc, được biểu diễn trên sân khấu, lan truyền trong không gian mạng và trở thành những ca khúc phổ biến được hát bởi Xuân Mai và nhiều ca sĩ nhí khác. Khi nghe "Ba bà đi bán lợn con" hay "Gánh gánh gồng gồng", trẻ em ngày nay mấy ai biết đến những trò chơi ngày xưa của những thế hệ đi trước. Nhưng có lẽ đó cũng là điều mừng cho những khúc đồng dao. Đồng dao vẫn có một cách sống sót để vượt qua thời gian và vẫn đầy hấp dẫn. Chỉ là không gian thực sự của nó trong truyền thống giờ đã thưa vắng.

Hồn dân tộc qua đồng dao: Nỗi nhớ tuổi thơ - Ảnh 2.

Đạo diễn Xuân Phượng được đồng dao khơi gợi cảm hứng viết cuốn hồi ký "Gánh gánh, gồng gồng"

Những bài ca con trẻ ngày nào vẫn là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo cho văn chương nghệ thuật. Ta vẫn gặp đâu đó những tựa sách được khơi nguồn cảm hứng từ một bài đồng dao. Gần đây, Gánh gánh, gồng gồng của đạo diễn Xuân Phượng là một ví dụ như thế. Cuốn hồi ký kể về một Xuân Phượng khi 16 tuổi đã theo cách mạng và đi qua chiến tranh với không dưới một lần cần kề sinh tử.

Hay như Khúc đồng dao lấm láp của nhà văn Kao Sơn. Tập sách không được chia thành chương hay đoạn mà là "khúc", nói về những kỷ niệm tươi đẹp, giản dị, chất phác ở thôn quê yên bình tràn ngập nét ngây ngô của tuổi thơ. Tâp truyện đưa người đọc đến với những trò chơi dân gian cùng những bài hát đồng dao có từ rất xưa, nhưng đã bị lãng quên bởi cuộc sống của con người thời hiện đại…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.