Trải qua sự biến thiên của thời gian, chiến tranh, cổng làng vẫn sừng sững như tòa thành lũy bảo vệ làng quê trước sự lấn lướt của đô thị hóa. Cổng làng còn là nơi thể hiện quan điểm, ước muốn và truyền thống của dân làng, cho nên gìn giữ cổng làng còn là gìn giữ bản sắc, linh hồn Việt cho muôn đời sau.

HỒN QUÊ VIỆT QUA NHỮNG CỔNG LÀNG

Trải qua sự biến thiên của thời gian, chiến tranh, cổng làng vẫn sừng sững như tòa thành lũy bảo vệ làng quê trước sự lấn lướt của đô thị hóa. Cổng làng còn là nơi thể hiện quan điểm, ước muốn và truyền thống của dân làng, cho nên gìn giữ cổng làng còn là gìn giữ bản sắc, linh hồn Việt cho muôn đời sau.

"Tiếng nói" cổng làng

Từ xưa, vùng đồng bằng Bắc bộ tồn tại chủ yếu hai loại cổng (theo địa giới hành chính, dân cư) là cổng nhà và cổng làng. Cổng làng là ranh giới của các làng với nhau hoặc với không gian bên ngoài. Những người phía trong cổng gắn bó với nhau không chỉ bằng địa giới hành chính mà còn là "tối lửa tắt đèn có nhau". Thế nên mới nói văn hóa Việt là văn hóa gia đình – làng – nước. Chúng ta khó có thể tìm thấy cổng xã, cổng huyện, cổng tổng, cổng tỉnh của ngày xưa, nhưng cổng làng thì làng nào cũng có, chỉ là giờ còn tồn tại nguyên vẹn hay không.

Nói đến cổng làng cổ, không thể không nhắc đến cổng làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Đây là một trong những cổng làng đẹp nhất, nguyên bản nhất ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 1.

Cổng làng - nơi lưu giữ hồn quê

Ước Lễ không phải là một làng lớn nhưng là một làng cổ, truyền thống lâu đời. Chùa làng (chùa Sổ) được xây dựng vào thời Lý, vốn là một đạo quán khi Đạo giáo đang thịnh hành. Cái tên làng Ước Lễ lấy theo lời của Khổng Tử trong sách Luận Ngữ "ước chi dĩ lễ" tức nương theo lễ nghĩa, cho thấy sự ảnh hưởng của Nho giáo vào thế giới quan của nhân dân địa phương đã từ lâu đời.

Chức năng ban đầu của hầu hết cổng làng là bảo vệ cộng đồng dân cư khỏi các thế lực xấu bên ngoài như trộm cướp, thậm chí là giặc ngoại xâm, vì vậy cổng làng mang dáng dấp của cổng thành. Cổng làng Ước Lễ khá cao (chừng 6m), đứng trên lầu có thể quan sát được xa, trước mặt có hào nước, cổng được xây chạy dài chừng 20 mét, cổng chỉ rộng khoảng 1,5 mét, mái vòm cao 2,2m, thuận tiện cho việc kiểm soát người ra vào, đặc biệt đối với bọn trộm cướp có ý định xấu vào làng. Theo người dân địa phương, cổng làng được xây dựng vào thời nhà Mạc.

Hai bên cổng là đôi câu đối nửa Nôm nửa Hán, trong đó vế Nôm là câu lảy Kiều: Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị/ Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 2.

Cổng trước làng Ước Lễ (Hà Nội) là một trong những cổng đẹp nhất Bắc bộ

Từ đôi câu đối trên, thấy được người dân Ước Lễ trước đây đi buôn bán khắp nơi và hiếu học, khác với nhiều làng quê Bắc bộ thuần nông khác. "Thương cổ nguyện tàng kỳ thị" là lấy từ lời của Mạnh Tử, ông cho rằng nếu nhà vua biết sử dụng người tài thì ai cũng muốn cống hiến. Người dân Ước Lễ muốn được tạo môi trường thuận lợi để kinh doanh. Còn "mã xa phục quá thử kiều" là lấy từ điển tích Tư Mã Tương Tư (nhà Hán) đã nói trước khi lên Trường An lập công danh, ý nói nếu không ngồi xe tứ mã thì sẽ không trở lại cây cầu này. Ý của tác giả là chúc người ra đi lập công danh sớm đạt được và quay lại cây cầu này.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 3.

Vể cổ kính của cồng làng nhiều năm tuổi

Tác giả của hai vế đối trên có lẽ là tập thể chứ không phải của riêng cá nhân nào, thể hiện sự thông hiểu về truyện Kiều, chữ Nôm lại tường tận sách Nho giáo, điển tích xưa của Trung Quốc. Mặt trong cổng còn có 3 chữ "Thiểu Cao Đại" nghĩa là kém cao lớn, lấy từ tích Vu Công (quan nhà Hán) trong một lần về thăm quê, thấy con cháu xây cổng thấp quá, bèn nói: "Thiểu cao đại, linh dung tứ mã xa cái. Ngã trị ngục đa âm đức, tử tôn tất hưng", nghĩa là: Làm cổng cao to lên một chút nữa, để xe tứ mã và tàn lọng có thể qua được. Ta trị ngục có làm nhiều việc tốt, con cháu nhất định sẽ hưng vượng". Về sau, con trai của Vu Công là Vu Định Quốc làm đến chức thừa tướng. Ba chữ "Thiểu Cao Đại" mang hàm ý đời trước đã làm nhiều việc nhân đức thì đời sau tất sẽ hưng thịnh; nhắc nhở mọi người sống có đạo đức, nhân tình để lại phúc đức cho con cháu, nối tiếp truyền đời.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 3.

Cổng sau làng Quất Tỉnh (Hà Nội) nhìn thẳng ra cánh đồng lúa chín

Nhiều làng không chỉ có một cổng làng mà có tới 2 thậm chí 3 cổng, thường thì những cổng hậu nối ra cánh đồng làng, cho dù ít mang tính chất bảo vệ hơn nhưng lại mang nặng giá trị tinh thần. Khi người dân làm ruộng ở ngoài đồng, nhìn về phía làng, hình ảnh chiếc cổng sẽ hiện lên đầu tiên.

Tôi từng đến thăm làng Quất Tỉnh (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Làng có hai cổng, cổng phía Đông và cổng phía Tây thông nhau bởi con đường trục chính. Năm 1931, cổng làng cũ được xây dựng lại vẫn với kiểu dáng kiến trúc cổ, cho dù thời điểm đó đã chịu không ít ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nhưng cổng làng Quất Tỉnh vẫn "chiếu theo tục xưa" mà làm. Đó là những hàng gạch chỉ xây bằng vôi không trát, cổng làm vòm, ngói lưu ly, có một hào nước phía sau, lối đi vào vừa đúng xe thồ 2 sọt để người dân thuận tiện đi buôn bán.

Cổng sau phía Tây nhìn ra cánh đồng làng Quất Tỉnh được làm quy mô, đúng kiểu cách và có những câu đối với nhiều hàm ý, khát vọng: Phúc tích vô cương cực diễn hoàng trù ngũ phúc/ Dương xuân hữu cước hội khai thái vũ tam dương.

Đại ý: Cầu mong sự yên vui được đến cho muôn nhà, ruộng đất được mở mang, ánh nắng mặt trời mùa xuân soi sáng muôn nơi, tạo ra những điều thuận lợi.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 4.

Cổng làng Khoái Cầu (Thường Tín) tuy không còn giữ chức năng bảo vệ nhưng người dân vẫn giữ lại như một biểu tượng văn hóa

Ngoài chức năng bảo vệ, cổng làng được hiểu như một quy ước không gian hơn là một giới hạn địa lý. Khi trong nhà có người chuẩn bị đi xa, người thân thường tiễn ra tới cổng làng, cổng làng chính là hình ảnh quê hương để mang theo ở nơi đất khách quê người. Khi trở về, thấy cổng làng là thấy quê hương, bước qua cổng là về đến nhà, làm thổn thức bao người con xa xứ: Cổng làng xa nhớ về thương/ Bóng cây hoa gạo quê hương ngọt ngào.

Cổng làng không chỉ là "người gác làng" mà còn như "tiếp tân" khi khách phương khác tới, thể hiện sự cung kính, hiếu khách, cởi mở. Bốn chữ "Như kiến đại tân" ở cổng làng Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có nghĩa là như đón vị khách quý đến làng, khách thấy "lời chào, lời mời" cung kính như vậy, thì chắc chắn tinh thần sẽ vui vẻ để vào làng làm việc, tham quan.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 6.

Cổng làng Nhị Khê (Thường Tín) thể hiện sự hiếu khách của dân làng

Cũng tại Nhị Khê những năm đầu thế kỷ XX, nhà cách mạng Lương Văn Can (người khởi xướng phong trào Đông Kinh nghĩa thục) mỗi lần về thăm quê thường có thói quen xuống xe để đi bộ về nhà chứ không cần phải đến tận đền thờ Nguyễn Trãi (có bia đá ghi hạ mã tức xuống xe). Cổng làng Nhị Khê còn được gọi là cổng Quốc nên mọi người dân Nhị Khê đều coi cổng làng là một biểu tượng tôn nghiêm, quốc hồn quốc túy.

Gìn giữ cổng xưa

Cổng làng là một trong thiết chế văn hóa của làng quê Việt bên cạnh đình, chùa, miếu, cây đa, bến nước, lũy tre… có nơi có thêm cầu. Làng cổ thì có những cổng cổ và may mắn lưu giữ lại được đến ngày nay, làng mới thì cố gắng xây một cổng làng theo lối truyền thống, đảm bảo tính hài hòa cho dù không còn nhiều chức năng bảo vệ như thành lũy xưa.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 5.

Cổng làng Thổ Hà (Bắc Giang)

Trong tâm trí của mỗi chúng ta, khi nhìn thấy cổng làng Đường Lâm, chắc hẳn đều có cảm giác bình yên, thơ mộng, vì mỗi con dân Việt đều có một "người nhà quê" ngự trị trong tâm hồn. Chỉ cần bước qua ranh giới "thượng gia hạ cổng" ở Đường Lâm là cảm nhận được sự khác biệt giữa đi và ở, giữa quê và phố, giữa an nhiên và xô bồ. Tuy vậy, cổng làng như Đường Lâm chẳng còn bao nhiêu và có thể mất đi bất cứ lúc nào nếu như cơn bão đô thị hóa ập tới và những người làm công tác văn hóa xao nhãng.

Có những ngôi làng chưa coi trọng đúng giá trị văn hóa của cổng làng, chỉ làm cổng sơ sài bằng cổng sắt, được vài năm hoen gỉ rồi bỏ. Có những làng thì làm cổng theo lối đóng hộp, chạy đèn led ở trên hoặc rập khuôn giống hệt nhau không có đặc trưng của làng. Tuy biết rằng không có mẫu chung nào cho cổng làng, nhưng nếu có sự nghiên cứu kỹ càng, lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân thì chắc chắn việc xây dựng cổng làng sẽ đảm bảo đúng giá trị văn hóa, tinh thần của dân làng, tiết kiệm chi phí. Cổng làng cũng cần phải đi đôi với sự phát triển kinh tế của địa phương, cổng to không phải minh chứng cho một làng giàu.

Hồn quê Việt qua những cổng làng - Ảnh 8.

Không ít ngôi làng gìn giữ và phát huy giá trị cổng làng, để mãi là hình ảnh bình yên với những người con xa quê trở về

Bên cạnh đó, cũng có không ít ngôi làng gìn giữ và phát huy giá trị cổng làng, để mãi là hình ảnh bình yên với những người con xa quê trở về. Như làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có 3 cổng thì cả 3 đều được xây dựng theo lối truyền thống, không quá to cũng không quá nhỏ, xây lối tam quan, giả 2 mái, lợp ngói lưu ly, có câu đối bằng chữ Hán, thể hiện phần nào được ước muốn, truyền thống hiếu học của người dân sống trong một làng cổ lâu đời.

Để gìn giữ giá trị văn hóa cổng làng trường tồn với thời gian, thì trước tiên cần có biện pháp bảo vệ, bảo tồn các cổng làng cổ xưa như xếp hạng di tích cho cổng làng, treo biển giới thiệu sơ lược về lịch sử, tích cổng làng, gia cố các cổng làng cổ yếu trong phố thị, nên có một số tiêu chuẩn chung về kiến trúc cổng làng.

Đối với việc xây mới cổng làng, cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân địa phương, chuyên gia văn hóa, không tùy tiện đưa phong cách kiến trúc nơi khác để xây cổng làng, không làm cửa cổng làng hay để hộ gia đình lấn chiếm không gian cổng làng... để cổng làng thực hiện đúng chức năng văn hóa và truyền lại cho muôn đời sau.

Ai ơi giữ lấy cổng làng!/ Giữ lề, giữ lối đàng hoàng thôn quê.

Thực hiện: Nguyễn Văn Công

Ảnh: Văn Công, ST