Hợp tác vì bình đẳng giới và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

28/05/2022 20:18
Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch được thực hiện ở 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai.

Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch được thực hiện ở 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai.

Hội nghị chuyên đề cấp quốc gia với chủ đề “Kết nối Phụ nữ với Thị trường - Nhân rộng mô hình thành công từ cấp tỉnh lên cấp Quốc gia” được tổ chức tại Hà Nội nhằm chia sẻ kinh nghiệm hợp tác vì bình đẳng giới và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ là chương trình về giới quan trọng nhất của Australia thực hiện tại Việt Nam, với tổng trị giá 33,7 triệu đô la Úc. Dự án bắt đầu vào năm 2017, hiện đang bước sang giai đoạn thứ hai và sẽ được kéo dài đến năm 2027.

Dự án hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đối tác xã hội dân sự để xây dựng hệ thống thị trường và kinh doanh bao trùm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch ở 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai. Dự án cũng nỗ lực để đảm bảo phụ nữ địa phương và người dân tộc thiểu số tích cực tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động tăng trưởng kinh tế có liên quan.

Để củng cố vững chắc hơn mối quan hệ đối tác giữa các đơn vị thực hiện và các địa phương triển khai dự án, Hội nghị chuyên đề cấp quốc gia với chủ đề: Kết nối Phụ nữ với Thị trường - Nhân rộng mô hình thành công từ cấp tỉnh lên cấp Quốc gia được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện chính phủ Australia và Việt Nam, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự, cùng những phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hợp tác vì bình đẳng giới và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam (thứ hai từ trái sang), đánh giá các kết quả Dự án đạt được, đặc biệt là nâng cao quyền năng để giúp nhiều phụ nữ tham gia vào nền kinh tế

Tham dự Hội nghị, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, khẳng định: "Ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn về phía trước với tham vọng nâng tầm thành công này lên quy mô lớn hơn, để chúng ta có thể mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp hơn thông qua tăng cường kết nối thị trường, và quan trọng nhất là nâng cao quyền năng để giúp nhiều phụ nữ tham gia vào nền kinh tế".

Xuyên suốt sự kiện, các đại biểu đã thảo luận về các bằng chứng và bài học kinh nghiệm từ dự án có thể giúp cung cấp thông tin cho việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia  của Việt Nam, qua đó mong muốn tạo ra các cơ hội kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam, đặc biệt là cho các cộng đồng dân tộc sinh sống trong khu vực.

Ông Nguyễn Thanh Hải từ Ban Quản lý dự án tỉnh Sơn La và ông Lê Hồng Phong từ Ban Quản lý dự án tỉnh Lào Cai cùng chia sẻ kinh nghiệm mà GREAT mang lại, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm liên quan đến cải thiện ngành nông nghiệp và du lịch trong khi nỗ lực để thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Hợp tác vì bình đẳng giới và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Triển lãm ảnh ghi dấu những nỗ lực cải thiện ngành nông nghiệp và du lịch, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại 2 tỉnh Lào Cai và Sơn La

"Trong 5 năm phối hợp thực hiện dự án, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng về những cách tiếp cận hiệu quả và những điểm cần cải thiện, đặc biệt là trong bối cảnh 2 tỉnh chúng tôi. Chúng tôi cũng đang tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực này vì điều này có lợi cho phụ nữ và gia đình của họ, cho công việc kinh doanh và cho cả nền kinh tế", ông Lê Hồng Phong chia sẻ.

Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai, nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi kỹ thuật số trong việc nâng cao quyền năng cho các nữ doanh nhân. Nhiều phụ nữ phải đối mặt với các rào cản trong kinh doanh số do không được tiếp cận với công nghệ phù hợp, hạn chế trình độ học vấn, ngôn ngữ và hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những rào cản này có thể được giải quyết thông qua tập huấn đào tạo và thiết kế các giải pháp kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số đã giúp các doanh nhân nữ ở Lào Cai thành công trong việc thành lập và mở rộng kinh doanh, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và kinh tế cho những người phụ nữ khác trong cộng đồng của họ.

Hợp tác vì bình đẳng giới và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Hội nghị còn mang đến cơ hội giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường cho các doanh nghiệp

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được lắng nghe các nữ doanh nhân thành đạt đến từ các tỉnh Lào Cai và Sơn La chia sẻ thuận lợi, khó khăn và những gợi ý về cách chính quyền địa phương và doanh nghiệp có thể hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ, bao gồm cả những người dân tộc thiểu số, để họ không chỉ có thể tiếp cận các cơ hội kinh tế mà còn phát triển trong công việc và kinh doanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.