Hướng đi “thoát nghèo” cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ cây trà hoa vàng

11/08/2023 09:32

Là một phụ nữ dân tộc Tày, chị Dương Khánh Ly (sinh năm 1990) ở thôn Bản Bằng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã quyết tâm phát triển mô hình HTX nông nghiệp nhằm giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) làm kinh tế thoát nghèo.

Lập nghiệp và sinh sống ở bản người Dao, chị Dương Khánh Ly cho biết việc đào tạo nghề cho chị em phụ nữ DTTS ở đây còn gặp nhiều khó khăn.

Hướng đi “thoát nghèo” cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ cây trà hoa vàng - Ảnh 1.

Chị Dương Khánh Ly – Giám đốc HTX nông lâm Nghĩa Tá

Chị em dân tộc Dao đều sinh sống tại thôn vùng sâu vùng xa, khó khăn của xã Nghĩa Tá, sóng điện thoại không có nên nhiều lúc muốn thông tin thì phải đến tận nhà. Nơi cư trú của chị em thưa thớt, không sống tập trung theo vùng do điều kiện địa hình đồi núi. Trình độ dân trí còn thấp, có những chị còn rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Khi HTX nông lâm Nghĩa Tá thành lập tháng 5/2021 có 15 thành viên với mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu của cây chè hoa vàng tại huyện Chợ Đồn nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Và hơn hết là góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, tại chỗ cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ hoạt động liên kết sản xuất với HTX, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

"Tôi đặt mục tiêu tạo vùng nguyên liệu sản xuất chè hoa vàng ổn định 20ha, cung ứng ra thị trường sản phẩm đầy đủ mẫu mã, bao bì khoảng 200kg/năm và quan trọng là tăng thu nhập của các hộ sản xuất", chị Dương Khánh Ly cho biết.

HTX góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, tại chỗ cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ hoạt động liên kết sản xuất với HTX, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Chị Ly cho biết: HTX nông lâm Nghĩa Tá tiền thân là tổ hợp tác phụ nữ với tổng số 10 thành viên, sau một năm hoạt động HTX đã thu hút thêm 5 thành viên, trong đó có 14 người đều là hội viên của các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã, 100% là người DTTS.

Khi mới thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành HTX do hội viên đều là người DTTS, đặc biệt là trong việc huy động vốn góp. Hoàn cảnh gia đình của các thành viên đều khó khăn và cũng chưa nắm rõ luật HTX nên chưa tham gia nhiều. Chị Dương Khánh Ly đã nhờ đến sự trợ giúp của Hội LHPN và liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn mở một lớp tập huấn kiến thức về Luật HTX cho các thành viên và một số chị em phụ nữ trên địa bàn xã.

Hướng đi “thoát nghèo” cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ cây trà hoa vàng - Ảnh 5.

Chị Đặng Thị Xuân - Thành viên HTX bên đồi trà của gia đình

Đến tháng 12/2021, cá nhân chị Ly đã đứng ra vay vốn, bắt tay vào hoạt động mua máy móc, nguyên vật liệu chế biến trà hoa vàng sấy khô. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến kỹ thuật sơ chế, chế biến, cá nhân chị đều phải vừa làm vừa chỉ dạy lại cho thành viên.

Từ trái qua: Sơ chế lá trà hoa vàng; các thành viên xếp cây giống trà hoa vàng để xuất đi

Chị Khánh Ly cho biết, vụ hoa từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, vụ lá trà được thu hái và sơ chế từ tháng 4 - 6, tháng 7 - 8 làm măng nứa sấy khô, tháng 9 - 11 hoạt động chủ yếu là giâm hom và xuất bán cây giống trà hoa vàng.

Do tính chất mùa vụ như vậy mà số lượng lao động cũng được điều chỉnh theo mùa. HTX duy trì số lượng 5 - 6 lao động chính, đặc biệt đến vụ lá trà thì số lượng tăng lên từ 14 đến 16 lao động với thu nhập từ 4.000.000 đến 4.500.000 đồng/tháng. Các chị em đều được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trà hoa vàng, để từ đó mỗi thành viên là một phần của vùng nguyên liệu, tạo nên một vùng nguyên liệu ổn định. Ngược lại, mô hình cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho mỗi thành viên.

"Việc đào tạo là khó khăn nhất, vì vậy, HTX đã đào tạo bằng cách thực hành trực tiếp trong các buổi lao động có chi trả tiền công tại chỗ. Cũng nhờ sự chịu thương chịu khó, ham học hỏi mà các chị em thành viên đều nắm bắt khá nhanh và tốt", chị Khánh Ly cho biết.

Hướng đi “thoát nghèo” cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ cây trà hoa vàng - Ảnh 9.

HTX đã đưa sản phẩm trà tới nhiều địa phương và tiếp cận được nhiều khách hàng

Là người đứng đầu HTX, chị Khánh Ly kỳ vọng và mong muốn trong quá trình học tập và làm việc, phụ nữ DTTS sẽ nâng cao việc tự học, tự làm của bản thân. Chủ động trong mọi việc làm cũng như hạn chế tính bảo thủ, chủ quan cá nhân để có thể đoàn kết, nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo phát triển nghề bền vững. Từ đó, tạo ra thu nhập ổn định cho phụ nữ DTTS và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn