Hương Himalaya - chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc ở Bhutan

07/06/2021 17:45
Phụ nữ Bhutan. Ảnh minh họa

Phụ nữ Bhutan. Ảnh minh họa

Ở Bhutan, hương thơm, dù ở dạng bột hay dạng cây, đều được coi là chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc.

Tuyệt đối tinh khiết

Người phụ nữ ngực trần đứng trên một chân trong cánh đồng hoa. Cô đội vương miện vàng, đeo sợi dây chuyền bằng hồng ngọc và ngọc lục bảo. Trên tay phải, cô đang cầm một cây hương tỏa khói.

"Đó là Dugpoema, nữ thần dâng hương trong Phật giáo", ông Nado nói và chỉ vào hình chụp màn hình của vị nữ thần trên bức tường văn phòng của ông ở thủ đô Thimphu, Bhutan. "Người ta nói rằng Đức Phật trước tiên đã tạo ra hương, sau đó các đệ tử như Dugpoema đã phổ biến nó khắp thế giới. Theo nhiều cách, bản thân tôi cũng cảm thấy như một đệ tử của Đức Phật. Tôi đang làm công việc giống vậy", ông Nado chia sẻ.

Nado - tên duy nhất của ông, vì người Bhutan theo truyền thống không dùng họ - hào hứng giới thiệu xưởng làm hương của ông: Nado Poizokhang.

Hương Himalaya - chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc ở Bhutan - Ảnh 1.

Xưởng Nado Poizokhang sản xuất những cây hương và bột hương được các tư gia và tu viện trên khắp Bhutan tìm mua. Ảnh: Getty Images

Là xưởng làm hương lâu đời nhất và lớn nhất ở Bhutan, nơi đây sản xuất những cây hương Himalaya và bột hương vốn được các tư gia và tu viện trên khắp vương quốc này tìm mua. Ngay cả nhà vua cũng đích thân yêu cầu mua hương từ xưởng Nado Poizokhang để sử dụng ngay trong cung điện hoàng gia.

"Tôi tin rằng một trong những lý do khiến hương của tôi được đánh giá cao và có tầm ảnh hưởng lớn, là vì độ tinh khiết đáng kinh ngạc của các thành phần", ông Nado giải thích, trước khi mở cửa một nhà kho chất thành đống cao gia vị khô, thực vật và cây thường xanh.

"Mọi thứ đều 100% hữu cơ-từ những cành bách xù (juniter) chất lượng cao, thành phần cơ bản trong tất cả các loại hương Bhutan, cho đến những cánh hoa cam tùng hương (jatamansi) tinh tế nhất vốn làm cho tinh dầu có mùi thơm nồng nàn thành một loại dầu thơm quý. Các nhà làm hương khác có thể sử dụng hóa chất và nguyên liệu loại kém để cắt giảm chi phí, nhưng việc này sẽ làm giảm chất lượng của hương và có thể khiến người dùng đau đầu hoặc cảm thấy khó chịu. Ở đây, chúng tôi chú trọng vào chất lượng".

Nhiều cây và lá thảo mà ông Nado sử dụng được những người du mục chăn bò lông yak ở vùng núi cao thu hoạch để đảm bảo rằng chúng không có độc tố và chất gây ô nhiễm. "Họ có cuộc sống khó khăn, và công việc thu hoạch đem đến cho họ thêm thu nhập", ông Nado, chia sẻ. Việc tốt đó tích tụ nghiệp thiện lành trước khi có cây hương nào đó được làm ra hoặc được thắp lên.

Điều đóng vai trò then chốt chính là thời điểm thu hoạch. Ông Nado giải thích rằng khoảng thời gian tối ưu để thu hoạch là tháng sau Thrue-Bab, tức Ngày Mưa Ơn Phước, thời điểm kết thúc mùa mưa. "Trong thời gian đó, mặt trời làm ấm lá và cánh hoa sau khi chúng được nuôi dưỡng trong nhiều tháng mưa. Đây là thời điểm giúp tôi sản xuất được một loại nước hoa tuyệt vời, đậm mùi. Và nước hoa này rất quan trọng để cây và bột hương phát huy tính năng kỳ diệu bao đời nay", ông Nado nói.

Thanh tẩy nơi linh thiêng

Việc dâng hương và khói hương có lịch sử lâu dài và một ý nghĩa văn hóa sâu sắc ở Bhutan, nơi theo truyền thống, hương được đốt 2 lần mỗi ngày.

"Ở các nước khác, hương có lẽ chỉ được dùng trong các nghi lễ, nhưng ở Bhutan, đó cũng là cách chúng tôi bắt đầu và kết thúc mỗi ngày", ông Nado chia sẻ. "Đó gần như là một nghi thức bắt buộc".

Cho đến nay, hương vẫn được sử dụng theo truyền thống có từ hàng thế kỷ, theo một trong hai dạng: bột hương và cây hương.

Khi đốt dạng bột thì hương tạo ra khói nhiều hơn, hương được đốt trên than hồng nóng trong nhà, tu viện và chùa chiền. Hương được dùng vừa là để dâng cúng các vị thánh thần, vừa là chất khử để thanh tẩy các nơi chốn linh thiêng và các đồ vật thiêng, xoa dịu các linh hồn dữ và xóa năng lượng tiêu cực.

Cây hương cũng được dùng theo cách tương tự để dâng cúng nhưng chúng cũng được đốt để phát huy các đặc tính trị liệu.

"Sự giải phóng nhẹ nhàng khói thơm nuôi dưỡng tâm trí và kích thích các giác quan", ông Nado cho biết. "Điều này đem đến niềm vui và đến lượt nó đem lại sự tĩnh lặng tinh thần. Công thức hương riêng của tôi có thể làm được hết những điều này, nhưng cũng giải phóng năng lượng bị chặn và chữa nhiều bệnh tật".

Hương Himalaya, chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc ở Bhutan - Ảnh 2.

Bột lên men được cán thành những sợi hương mềm mại. Ảnh: Simon Urwin

Công thức hoàn toàn tự nhiên của ông Nado, tạo ra thứ hương giúp người dùng cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc, và là một bí quyết được giữ kín mà chỉ có ông và con gái ông, Lamdon, biết.

Ông Nado tiết lộ, hương của ông dựa trên một công thức được biết đến rộng rãi từ Tu viện Phật giáo Tây Tạng Mindrolling hơn 350 năm tuổi ở Ấn Độ.

Bí quyết làm hương

"Tuy nhiên, tôi đã điều chỉnh nó lại, bởi vì thành phần nghệ tây theo cách làm gốc thì cần nhiều đến nỗi ngày nay nó có thể làm hương trở nên cực kỳ đắt đỏ và ngoài tầm với của người dân bình thường", ông Nado chia sẻ.

"Tôi cũng pha trộn nó với một công thức khác từ Dòng Phật giáo Kim cương thừa Drukpa để tăng cường hương thơm và tối đa khả năng chữa bệnh. Tôi sử dụng khoảng 30 thành phần cho hương thường và 108 nguyên liệu trong loại hương dành cho các nghi thức tôn giáo quan trọng. Con số 108 là con số may mắn cho các Phật tử và loại hương đặc biệt này chỉ có thể được làm vào một ngày linh thiêng, theo cách tính thiên văn của Phật giáo".

Để làm loại hương này, các nguyên liệu khác nhau (gồm vỏ cây, gia vị, dăm gỗ, hoa và lá) được xay nhuyễn trong phòng xay xát của xưởng. Mặc dù các công nhân tham gia công đoạn này biết sơ sơ cần bỏ nguyên liệu gì để làm hương, họ không biết tỷ lệ chính xác, ông Nado giải thích. "Và họ chắc chắn không biết có gì trong cái cốc mà tôi cho vào cuối cùng".

Những gì ông Nado tiết lộ là loại bột để đốt trực tiếp được trộn với các loại thảo dược bổ sung để đảm bảo hương có nhiều khói hơn, trước khi được gửi đi đóng gói; trong khi bột hương được trộn với nước, mật ong và thuốc nhuộm tự nhiên màu tím để làm thành một loại bột nhồi được để cho lên men nhẹ trong một cái thùng lớn tối đa một tuần.

Công việc xuất phát từ tâm

Khi bột lên men, ông Nado và các công nhân kiểm tra rất cẩn thận, vì mẻ bột rất dễ bị hỏng. "Đó là lý do tại sao rất nhiều công việc chúng tôi làm ở đây được thực hiện bằng tay. Đó là công việc thủ công, không phải sản xuất hàng loạt".

Ông Nado sau đó đến phòng vắt hương để kiểm tra giai đoạn tiếp theo của quá trình làm hương. Tại đó, chị Gyenzang, 1 trong 12 nữ công nhân sản xuất dưới quyền chỉ đạo của ông Nado, đang cho những nắm tay đầy bột đã lên men vào phễu của một chiếc máy để biến bột như đất sét thành những cuộn hương mềm trong vòng vài giây.

"Làm hương phải hết sức tỉ mỉ và xuất phát từ trái tim", chị Gyenzang nói, trong khi bắt những cuộn hương màu mận trên khay khi chúng được vắt ra từ chiếc vòi của máy vắt.

"Đây là công việc mà tất cả chúng tôi đều yêu quý. Không ai trong chúng tôi được học hành đàng hoàng; chúng tôi sẽ phải rất vất vả để kiếm việc làm nếu không có sự giúp đỡ của ông Nado", chị Gyenzang bổ sung, trước khi chuyển khay cho người đồng nghiệp, chị Yeshey, để duỗi thẳng.

Hương Himalaya, chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc ở Bhutan - Ảnh 3.

Các công nhân trải thẳng rồi cắt những sợi bột cán ra để làm hương que. Ảnh: Simon Urwin

"Công việc này tạo cho chúng tôi sự tự tin và hạnh phúc", chị Yeshey chia sẻ, trong khi cán hương mỏng dọc theo rìa của một khối gỗ. "Chúng tôi có thể kiếm tiền và cảm thấy độc lập với chồng và gia đình. Công việc đã đem đến cho tất cả chúng tôi sự tự tôn lớn hơn. Chúng tôi rất biết ơn ông Nado và rất vui khi biết rằng tất cả những việc làm tốt và sự tích cực trong quá trình làm hương sẽ được truyền lại cho thành phẩm và những người sử dụng nó".

Sau khi công đoạn duỗi thẳng bột hoàn tất, các cây hương được đưa đi sấy khô trên gác mái, sau đó cắt tỉa cho đúng kích cỡ và buộc thành các bó sẵn sàng đưa ra thị trường.

"Chúng tôi sản xuất khoảng 20.000 cây hương và 350kg bột hương mỗi tháng", ông Nado cho biết. "Giờ đây chúng tôi xuất khẩu đến những nơi xa xôi như Trung Quốc, Mỹ và Anh. Mặc dù đây là công việc làm ăn giúp tôi kiếm sống, tiền bạc không hề đặt lên trước ý nghĩa tinh thần của những gì tôi làm. Làm hương là một phần của việc phụng sự Phật pháp của tôi trong hơn 50 năm. Đó là cái nghiệp của tôi. Và nó đem đến cho tôi sự viên mãn cá nhân tuyệt vời bởi vì tôi thấy tận mắt mọi người được lợi ích từ hương như thế nào".

"Quyền năng to lớn"

Mọi người đến một tu viện mà ông Nado cung cấp hương. Ở đó, trong một phòng tụng kinh đầy nắng, một nhà sư nhẹ nhàng vung chiếc bình hương, khói thơm bốc lên từ nắp có nhiều lỗ nhỏ để lan tỏa trong không khí và len vào các nếp gấp trên quần áo ông.

"Khi tôi làm lễ puja (một nghi thức thanh tẩy bằng cách đốt bột hương), nó sẽ loại bỏ năng lượng tiêu cực ra khỏi phòng và khiến tôi cảm thấy tinh sạch về tinh thần, thể xác và tâm linh. Hương giúp tôi định tâm để cầu nguyện và con người tôi được sự minh mẫn. Nó giúp tôi trở thành con người tốt nhất có thể", ông Nado nói.

Hương Himalaya, chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc ở Bhutan - Ảnh 4.

Các nhà sư chọn những cành bách xù, thứ chiếm tỷ lệ lớn trong mọi loại hương ở Bhutan, để làm nguyên liệu cho công thức làm hương của ông Nado. Ảnh: Simon Urwin

Dưới hành lang trong một phòng sách, một nhóm nhà sư đang ngồi xếp bằng với những cái đầu nhẵn thín chìm sâu trong những quyển kinh, mỗi người có một cây hương tỏa khói bên cạnh họ.

"Tôi tin rằng chỉ trong một nén hương vẫn có quyền năng to lớn", một trong các nhà sư có tên là Wangchuk nói và ông Nado gật đầu đồng ý.

"Hương có thể loại bỏ những điềm xấu và chướng ngại ra khỏi cuộc sống. Nó đem đến một cách để mọi người tử tế với nhau hơn. Hương là chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa hạnh phúc", nhà sư Wangchuk bổ sung.

Nguồn: BBC

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.