Indonesia: Áp lực từ trang phục Hồi giáo đối với nữ sinh

27/08/2022 12:06
Ảnh minh họa: AP

Ảnh minh họa: AP

Do chính sách không rõ ràng của chính phủ, khoảng 75% dân số nữ Hồi giáo của Indonesia ngày nay đội khăn hijab, trong khi chỉ có 5% vào cuối những năm 1990.

Rini Widiastuti đến từ Yogyakarta (Indonesia), một giáo viên dạy múa cổ điển 50 tuổi người Java, đã nhiều năm phản đối vấn đề phụ nữ và trẻ em gái Indonesia phải trùm kín người. Không chỉ những phụ nữ theo đạo Hồi như Widiastuti, ngày càng có nhiều phụ nữ tự nguyện hoặc do áp lực xã hội mà phải mặc jilbab - một loại trang phục trùm kín người của người Hồi giáo địa phương.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), khoảng 75% phụ nữ Hồi giáo ở Indonesia ngày nay mặc jilbab, tăng so với con số 5% vào cuối những năm 1990, khi Hồi giáo lan rộng trên toàn quốc. Điều này cũng ảnh hưởng đến các học sinh nữ, một vấn đề đã khiến Widiastuti nhiều lần tranh cãi với chính quyền.

Trang phục Hồi giáo trong trường học

Năm 2014, Widiastuti xung đột với trường tiểu học của cháu gái vì buộc trẻ em gái mặc jilbab. Năm năm sau, khi cháu gái chuyển đến một trường khác gần nhà hơn, bà nhận được thư thông báo về "trang phục Hồi giáo bắt buộc" từ giáo viên chủ nhiệm.

Để phản đối, Widiastuti chia sẻ bức thư trên mạng xã hội và nhận được nhiều chú ý. "Sau đó cháu gái tôi được phép không mặc jilbab đi học ở trường, nhưng vì vậy mà tôi bị hàng xóm và nhiều cha mẹ khác thù ghét", bà cho biết.

Indonesia: Áp lực từ trang phục Hồi giáo đối với nữ sinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Mặc dù Widiastuti và gia đình đều theo đạo Hồi, nhưng họ không coi jilbab là một phần biểu hiện văn hóa của mình. Bà nói: "Nếu tôi muốn cháu gái của mình mặc jilbab, tôi đã gửi con bé đến một trường học tôn giáo".

Cháu gái của Widiastuti hiện đang học trung học cơ sở, và vấn đề lại tiếp diễn. Cô bé chỉ mặc jilbab ở các giờ học tôn giáo, đó là mức tối thiểu trường quy định. Tuy nhiên, vì liên tục bị các bạn và giáo viên bắt nạt nên đến cuối tháng đầu tiên, cô bé bắt đầu mặc jilbab thường xuyên hơn. Đến cuối tháng thứ hai, cháu của Widiastuti mặc jilbab hàng ngày. Đứa trẻ phải lẩn tránh vì không thể ứng phó với những vụ bắt nạt không ngừng ở trường.

Đó không phải là trường hợp duy nhất khi nói đến về vấn đề mặc jilbab trong trường học. Cuối tháng Bảy, mạng xã hội Indonesia tràn ngập tin tức về một nữ sinh giấu tên ở Bantul (Yogyakarta) bị suy nhược thần kinh sau khi bị giáo viên buộc mặc jilbab.

Eko Suwanto, thành viên hội đồng thành phố Yogyakarta, đã lên án vụ việc và nói rằng chính quyền tỉnh phải đảm bảo rằng điều này không tái diễn trong tương lai. Chính quyền địa phương sau đó đã cảnh báo sẽ xử phạt các trường học buộc học sinh nữ mặc jilbab.

Những quy định không rõ ràng và nhất quán

Tuy nhiên theo các nhà hoạt động nhân quyền, chính các luật lệ và quy định của khu vực đã khiến nhà trường bắt buộc nữ sinh mặc jilbab. Nhà nghiên cứu tại HRW Andreas Harsono cho biết, việc buộc học sinh mặc jilbab đã vi phạm quyền con người.

Indonesia đã chứng kiến một loạt các quy định mới liên quan đến trang phục mặc đi học trong bốn thập kỷ qua. Một nghị định năm 1982 dưới thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Daoed Joesoef không cho phép đội khăn hijab ở trường học. Năm 1991, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Fuad Hassan đã ban hành quy định mới cho phép học sinh Hồi giáo mặc "trang phục tôn giáo" lần đầu tiên. Năm 2014, sắc lệnh chi tiết về "đồng phục học sinh Hồi giáo" được ban hành dưới thời Bộ trưởng Muhammad Nuh. Điều này được các trường tiểu bang xem là tín hiệu để bắt buộc đội hijab - khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, Nuh phủ nhận việc bắt buộc phải đội khăn trùm đầu. "Bất kỳ trẻ em gái Hồi giáo nào, bất kỳ nữ sinh nào từ tiểu học đến trung học, đều có thể chọn mặc hoặc không mặc jilbab. Không có vấn đề gì nếu nữ sinh Hồi giáo chọn không mặc jilbab", ông nói.

Tháng Một năm nay, cư dân mạng Indonesia một phen xôn xao khi xem đoạn video cha mẹ một nữ sinh đạo Thiên chúa ở Padang (Tây Sumatra) tranh cãi với giáo viên. Người này khăng khăng buộc con gái họ phải mặc jilbab mặc dù cô bé không theo đạo Hồi. Trước sự phản đối kịch liệt của công chúng về vụ việc, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Nadiem Makarin đã ban hành một nghị định chung lên án hành vi ép buộc học sinh đội khăn hijab. Nghị định cho phép bất kỳ học sinh hoặc giáo viên nào được chọn trang phục đến trường, dù có hoặc không có tôn giáo.

Tuy nhiên, Harsono cho biết nghị định sẽ không có hiệu quả do tồn tại ít nhất hai quy định ở cấp quốc gia, khoảng 60 quy định cấp khu vực ở cả cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, và hàng nghìn quy định do các trường học công lập riêng lẻ trên cả nước ban hành, tất cả đều có thể được cho là ủng hộ bắt buộc đội hijab. Ngoài ra, việc thúc đẩy bắt buộc đội khăn hijab cũng phổ biến ở các lĩnh vực công.

Ifa Hanifah Misbach, cựu giảng viên đại học ở Bandung, cho biết cô chịu rất nhiều áp lực từ bạn bè đồng nghiệp trong việc đội khăn hijab khi đến trường, mặc dù không có quy định nào yêu cầu điều đó. Người phụ nữ chia sẻ: "Tôi trở thành tâm điểm bàn tán của đồng nghiệp. Một lần khi áo khoác của tôi vô tình bị vén lên, nó đã trở thành chủ đề bàn tán rộng rãi, còn tôi thì nhận lại những ánh mắt dè bỉu". Misbach cuối cùng đã từ chức để chuyển sang làm việc tại một trường đại học tư thục.

HRW cho biết phụ nữ làm việc trong các cơ quan chính phủ và các tổ chức nhà nước khác liên tục đối mặt với áp lực phải đội khăn hijab, có nguy cơ không được thăng chức hoặc thậm chí đối mặt với việc bị sa thải.

Theo Harsono, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là ban hành quy định mới về trang phục học sinh và bãi bỏ quy định trước đó vào năm 2024. Quy định mới cần dùng ngôn ngữ rõ ràng, nhấn mạnh tính chất không bắt buộc của hijab dành cho học sinh Hồi giáo. Ngoài ra, cần có sự phối hợp với Bộ Nội vụ để bãi bỏ hàng chục quy định cấp khu vực yêu cầu bắt buộc đội hijab tại các trường học công lập và tổ chức nhà nước.

Nguồn: www.scmp.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.