Kẻ bắt nạt mang bộ mặt ngoan hiền

Gia Linh
19/04/2021 - 19:00
Kẻ bắt nạt mang bộ mặt ngoan hiền

Ảnh minh họa

Những ngày này, cô cháu gái học lớp 7 của tôi là Đặng N.H cứ nhắc đến đi học là lo lắng, sợ sệt. H đang bị khủng hoảng tâm lý vì bị một bạn nam là lớp phó kỷ luật trong lớp bắt nạt.

H. kể, từ năm lớp 6 đã bị bạn nam đó "chú ý". Sự "chú ý" này khiến H. khổ tâm. H không biết mình đã làm chuyện gì mà khiến người bạn này "ngứa mắt" như vậy. Chỉ biết rằng, cứ nhìn thấy H. ở đâu là cậu bạn này lại đánh và chọc ghẹo H.

Thời gian gần đây, H. liên tục bị bạn đó đánh. Có lần, H. mách cô chủ nhiệm thì cô chỉ nhắc nhở bạn đó nhẹ nhàng, không có hình thức kỷ luật. Còn H., từ sau lần mách cô đó đã bị bạn tát 2 phát vào mặt. Người bạn này còn cảnh báo: Nếu sau này còn mách cô và mách người lớn thì khi ra đường sẽ bị đánh hội đồng.

Từ hôm đó, ngày nào H. cũng bị người bạn đó gây chuyện. H. sợ đi học và chỉ muốn chuyển trường. H. không dám kể chuyện này với bố mẹ vì sợ nếu bố mẹ biết sẽ lên trường làm ầm ĩ. H. không muốn chuyện của mình là chủ đề bàn tán của các bạn. Điều quan trọng hơn, bạn nam kia đã doạ, nếu nói cho bố mẹ biết, H. sẽ bị đánh hội đồng.

H. chia sẻ, việc cô giáo coi nhẹ việc H. bị bạn lớp phó kỷ luật bắt nạt vì cậu bạn đó có vẻ ngoan hiền, lịch sự. Đúng là cậu bé này đối xử với các bạn khác khá nhẹ nhàng. Chỉ có H. là bị bắt nạt. Cậu bé thường bắt nạt H. khi trong lớp không có ai, khi ra ngoài cổng trường. H. cảm thấy lo lắng mỗi khi gặp cậu ấy.

Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, cha mẹ, thầy cô cần luôn tin vào những gì con nói, đừng xua đuổi con, đừng nghi ngờ và cũng đừng coi nhẹ những lời con nói. Đặc biệt, cha mẹ cần luôn để mắt tới con. Những đứa trẻ dễ bị bắt nạt thì càng phải để ý tới chúng nhiều hơn. Coi trọng những dấu hiệu cho thấy con cái mình, học trò mình đang bị uy hiếp, bắt nạt như: trẻ sống thu mình, hay sợ hãi, tâm trạng phấp phỏng, lo âu...

Điều khá quan trọng với các cha mẹ, thầy cô là cần dạy trẻ những kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, cho trẻ biết chúng luôn được cha mẹ, thầy cô bảo vệ, tạo cho con cái, học trò tâm lý thoải mái để chúng có thể chia sẻ. Cha mẹ cần để mắt đến những hành vi nếu con mình có xu hướng thích bạo lực, hay sử dụng bạo lực, kết nối với bạn bè của con cái mình, học trò mình. Chúng sẽ là "tai mắt" hữu hiệu của mình.

Cha mẹ, thầy cô cần làm sạch môi trường quanh con cái, học trò của mình bằng việc nói "không" với bạo lực - bắt nạt - nói xấu. Trừng phạt mạnh tay với những hành vi này ngay khi nó mới manh nha. Và cho con cái, học trò thấy chúng ta sẽ làm gì nếu con cái chúng ta, học trò của chúng ta bị bắt nạt. Trẻ sẽ yên tâm hơn khi biết cha mẹ, thầy cô luôn có sẵn những giải pháp bảo vệ chúng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm