Chị Hoàng Thị Loan (SN 1960), bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) là người phụ nữ người dân tộc Thái đã mạnh dạn xây dựng Homestay để đón khách. Sau 7 năm làm du lịch, chị đã và đang mở ra hướng làm ăn mới cho chị em người Thái ở Mường Lò.

"KHAI PHÁ" HƯỚNG LÀM ĂN MỚI CHO PHỤ NỮ THÁI Ở MƯỜNG LÒ

Chị Hoàng Thị Loan (SN 1960), bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) là người phụ nữ người dân tộc Thái đã mạnh dạn xây dựng Homestay để đón khách. Sau 7 năm làm du lịch, chị đã và đang mở ra hướng làm ăn mới cho chị em người Thái ở Mường Lò.

2 ngôi nhà sàn xinh xắn của chị Loan nằm giữa bản Sà Rèn giờ trở thành điểm đến quen thuộc của du khách nước ngoài. Chị Loan - người phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái - nom thật duyên dáng.

Chị Loan đã tằng cẩu (phụ nữ Thái đã có chồng), đầu đội khăn piêu thêu chỉ hồng đang cẩn thận đi kiểm tra lại từng góc gách trong ngôi nhà sàn để chuẩn bị đón đoàn khách Tây đến nghỉ lại.

"Khai phá" hướng làm ăn mới cho phụ nữ Thái ở Mường Lò - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Loan

Sau đó chị cắt cử cho 2 cô con dâu chuẩn bị việc nội trợ đón khách. Bất cứ việc gì, chị cũng làm thật cẩn thận và tỉ mỉ. "Mình đón người ta đến nhà ở, nên mọi thứ cần phải chu toàn", khi công việc đã sắp xếp xong, chị Loan mới thở phào nhẹ nhõm.

Tính đến nay, chị Loan đã mở dịch vụ Homestay được 7 năm. Cuộc sống của gia đình chị cũng theo đó mà thay đổi. Trước đó, chị cũng làm ruộng, làm nương như bao gia đình khác.

"Khai phá" hướng làm ăn mới cho phụ nữ Thái ở Mường Lò - Ảnh 2.

Mường Lò là nơi bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái, Mông, Mường, Tày, Khơ Mú, Dao

Bao năm vật lộn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà gia cảnh vẫn khó khăn. Khi phong trào làm du lịch ở khắp nơi nở rộ, chị Loan cũng đã bàn với chồng tại sao mình không dùng chính căn nhà của mình để kinh doanh? Hơn nữa, bản Sà Rèn lại có nét đặc trưng của bà con người Thái. Nền văn hóa bản địa này luôn thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Việc làm của chị được cả gia đình ủng hộ. Năm 2015, chị đi tham quan một số mô hình làm homestay rồi trở về quê sang sửa lại 2 căn nhà sàn của gia đình. Năm đầu mới mở, khách biết đến ít lắm. Có những lúc chị nghĩ, khả năng mình khó thành công. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, từ việc chỉ lác đác có vài khách, dần dần homestay của chị khách đến đông hơn. Gia đình chị có thu nhập rồi có thể sống ổn nhờ làm du lịch.

"Khai phá" hướng làm ăn mới cho phụ nữ Thái ở Mường Lò - Ảnh 2.

Du khách trong và ngoài nước hào hứng trải nghiệm cuộc sống ở Homestay của chị Hoàng Thị Loan

Chị Loan chia sẻ, khách đến nhà mình nấu các món ăn mang đậm chất của bà con người Thái cho họ như cá nướng, măng rừng, và các loại rau rừng. Họ thích được hòa mình và tìm hiểu nếp sinh hoạt của người Thái. Nhất là những vị khách nước ngoài, họ ăn cơm lam, ở nhà sàn rồi thưởng thức các tiết mục văn nghệ múa xòe tại bản khiến họ vô cùng thích thú.

"Lúc đầu đón khách nước ngoài, tôi cũng lo, chỉ sợ họ không vừa lòng. Nhưng thực tế, họ chỉ cần mình sống theo đúng nếp văn hóa của dân tộc mình. Ăn uống cũng vậy, mình có món gì thì làm món đó. Những ngày họ lưu trú tại nhà mình, họ được trải nghiệm từ ăn uống cho đến thưởng thức văn nghệ, nên họ rất thích", chị Loan chia sẻ.

Người phụ nữ mở ra hướng làm ăn mới cho phụ nữ Thái ở Mường Lò - Ảnh 3.

Chị Loan cố gắng mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách trong thời gian lưu trú tại Homestay.

Khi dịch COVID-19 được khống chế, chị Loan bắt đầu mở lại dịch vụ. Nhiều hôm, khách đến đông, 2 căn nhà sàn của chị cũng không đủ chỗ cho họ ở, chị còn phải đi gửi khách ở những gia đình khác.

Từ cách làm của chị Loan, nhiều phụ nữ khác ở bản Sà Rèn cũng bắt đầu sửa sang nhà cửa để mở cơ sở lưu trú. Đây cũng là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình người Thái nơi đây.

"Khai phá" hướng làm ăn mới cho phụ nữ Thái ở Mường Lò - Ảnh 6.

Vẻ đẹp Mường Lò

Thuần Việt (thực hiện)