Khám phá làng văn hóa du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1

16/02/2022 11:06
Đội văn nghệ của Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1

Đội văn nghệ của Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1

Chúng tôi vô cùng ấn tượng khi đến tham quan Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày đầu xuân Nhâm Dần.

Già làng Bh’riu Thiện (trú tại làng Bhơ Hôồng1, xã Sông Kôn) cho hay, năm 1996, lúc sinh thời, ông Bríu Prăm, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đông Giang sau khi về hưu trở về quê nhà nơi đây sinh sống. Ông đã cùng Hội đồng già làng trong thôn họp bàn để thành lập tổ đan đát, dệt thổ cẩm, khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu. 

Sau này, Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 được hình thành với mô hình làng nghề, lớp trẻ không quên được nghề truyền thống của dân tộc mình, vừa làm ra sản phẩm tiêu dùng và bán cho khách du lịch kiếm thêm thu nhập.

Tại đây, bạn có thể dạo quanh khu vực nhà Gươl, xem những nghệ nhân đan đát, những sơn nữ dệt thổ cẩm với những sắc màu truyền thống Cơ Tu. Bạn có thể ghé thăm nhà của đồng bào, đa số họ nói và nghe được tiếng phổ thông. Tuy nhiên, giữa đồng bào với nhau, họ dùng tiếng Cơ Tu. Đặc biệt, mỗi căn nhà của đồng bào có làm thêm một nhà bếp nhỏ, có sàn làm bằng lồ ô cao cách mặt đất trên 0,5 mét. Trong bếp lúc nào cũng có khúc củi to đang cháy. Trên bếp lửa là cái giàn bếp, bà con xông (hong) các thứ như sắn tươi, bắp, thịt rừng, cá suối… Và bà con ăn cơm tại bếp luôn. Tất cả, trông rất hoang sơ, lạ lẫm...

Bà Ating Thị Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho hay, với lợi thế về nghệ thuật nói lý, hát lý, nhạc cụ truyền thống, vũ điệu Tung tung-Za zá, kiến trúc nhà Gươl, nhà Moong, suối nước nóng, làng nghề truyền thống và nhiều loại ẩm thực độc đáo của người Cơ Tu, trước những năm dịch Covid 19 xảy ra, mỗi năm Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 đón hàng ngàn du khách gần xa.

Khám phá làng văn hóa du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 - Ảnh 2.

Già làng Bh’riu Thiện đánh trống trong các lễ hội tại Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1

Già làng Bh’riu Thiện cho hay, ngày xưa, Tết của người Cơ Tu được tính theo mùa rẫy sau khi thu hoạch lúa trên nương. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao thoa về đời sống văn hóa, người Cơ Tu ngày nay cũng "ăn" Tết Nguyên đán chung với người Kinh và các dân tộc anh em khác nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào mình thông qua các lễ hội, trang phục, âm nhạc, ẩm thực.

"Vào đêm Giao thừa, già làng Bh’riu Thiện và các vị cao niên uy tín sẽ đại diện dâng mâm cơm cúng Yàng, tạ ơn thần linh cho một năm làm ăn may mắn và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc. Sau đó, dân làng tập trung về nhà Gươl, ai có gì góp nấy từ con gà nướng, ché rượu cần, cá nướng, bánh cuốt, cơm lam… và cùng nhau hát múa mừng năm mới. Bên cạnh đó, mọi người tham gia nhiều trò chơi truyền thống, trai gái hát giao duyên, người già thì quây quần hát lý, nói lý", ông A lăng Bảy, một người dân trong làng bộc bạch.

Khám phá làng văn hóa du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài thưởng thức bánh Cuốt của người Cơ Tu

Nhân dịp này, già làng Bh’riu Thiện kêu gọi người dân đoàn kết cùng nhau xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản làng ngày càng văn minh, giàu đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu; kêu gọi người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình và tích cực phòng chống đại dịch Covid-19 thông qua tiêm phòng đầy đủ vaccine và áp dụng khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế… để sẳn sàng đón khách du lịch trở lại…

Khám phá làng văn hóa du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 - Ảnh 4.

Người dân Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1 vẫn duy trì dệt thổ cẩm

Đến với bản làng Cơ Tu dịp đầu xuân, đi đến đâu cũng được bà con hiếu khách mời uống rượu cần, rượu đoát và ăn những món ăn truyền thống như bánh cuốt, cơm nếp lam… thơm ngon. Già làng Bh’riu Thiện cho hay, hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách cứ vắng dần. Không đón khách, bà con lại đi làm rẫy, tuy nhiên họ vẫn chờ đợi đón khách bằng việc duy trì hoạt động dệt vải, đan đát; đội văn nghệ thường xuyên luyện tập những điệu múa Tung tung-Za zá… vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống vừa tạo nếp sinh hoạt quen thuộc để sẵn sàng đón khách trở lại. Trong thời gian này, mặc dù đời sống khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song bà con nơi đây đã nỗ lực, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn.

Theo già làng Bh’riu Thiện, kể từ khi lập làng, đồng bào Cơ Tu ở đây đều duy trì tổ chức hội làng đầu năm. Đây được xem là không gian văn hóa, văn nghệ đầu xuân nên mọi người cùng nhau gặp gỡ, cầu may, chúc phúc năm mới có thêm nhiều niềm vui và sức khỏe, mùa màng bội thu. Trong nhịp trống, chiêng, mọi người cùng hòa theo vũ điệu Tung tung-Za zá khiến không gian càng thêm rộn rã với các hoạt cảnh cầu mùa. Ngày hội còn tái hiện không gian văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu qua các nghi lễ truyền thống, múa hát trống chiêng, cúng tế thần linh...

    Ý kiến của bạn
    (*) Nội dung bắt buộc cần có

    Nhập thông tin của bạn

    Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

    Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

    Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.