Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây

H.M (Tổng hợp)
12/03/2020 - 14:15
Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây
Về miền Tây sông nước không chỉ là dịp bạn được thưởng ngoạn những cảnh vật đặc sắc mà còn là cơ hội để bạn nếm thử những món ăn với hương vị không nơi nào có.

Miền Tây "gạo trắng nước trong" là một vùng đất có tiếng trù phú được mẹ thiên nhiên ưu đãi. Nơi đây có khí hậu tươi mát, mưa thuận gió hòa cùng hệ thống sông ngòi đầy ắp phù sa giúp cho cây cối tốt tươi, hoa quả nhiệt đới phát triển tốt và vô cùng ngon ngọt.

Cũng vì có nguồn tài nguyên thiên nhiên như thế mà văn hóa ẩm thực ở miền Tây cũng rất đa dạng, phong phú. Không chỉ thăm thú cảnh vật thiên nhiên, du khách đến đây sẽ được sà vào một thế giới ẩm thực dân dã nhưng vô cùng tinh tế của người miền Tây.

Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây - Ảnh 1.

Miền Tây sông nước với nhiều cảnh vật đặc sắc và văn hóa ẩm thực phong phú

Miền Tây có tới hơn 400km bờ biển, khoảng 14,000km sông ngòi, hàng ngàn kilomet kênh đào với vài chục cù lao xanh bồng bềnh trên sông nước, ẩm thực ở nơi đây gắn liền với lịch sử miền đất này từ thuở hoang sơ. Sẵn những nguyên liệu tươi ngon dồi dào, người dân bắt đầu tìm tòi, sáng tạo, kết hợp để tạo ra những món ăn độc đáo.

Người miền Tây chân chất, khẩu vị của họ cũng hơi lạ. Bạn sẽ hiếm khi được phục vụ một bát nước chấm pha loãng ở đây bởi người dân thường ăn nước mắm nguyên chất mới "đã". Còn nếu đã ngọt thì phải ngọt như chè, cay thì cay xé lưỡi. Nhìn chung, người miền Tây đã ăn là phải thật đậm đà, thật "chất lượng".

Những món ăn miền Tây thường có nguyên liệu dân dã, mát lành. Có lẽ đặc trưng nhất phải kể đến nồi lẩu mắm cá kèo thơm phức. Món ăn này là đặc trưng ở Cần Thơ, được người dân tứ xứ ngợi khen là món ăn ngon nhất nhì ở miền Tây sông nước. Nguyên liệu chính được làm từ mắm sặc hay mắm cá linh ở xứ Châu Đốc - An Giang, nước lẩu được nấu từ mắm với nước dừa hoặc nước hầm xương heo.

Ăn cùng lẩu là các loại rau xanh tươi mát, cũng không thể thiếu những bông hoa điên điển vàng tươi có vị chua dịu. Bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.

Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây - Ảnh 2.

Lẩu điên điển cá linh mang hương vị đặc trưng của miền Tây

Nói đến ẩm thực miền Tây mà không nhắc tới hoa điên điển cũng là một thiếu sót. Hoa điên điển xuất hiện ở nhiều món ăn của người dân nơi đây. Nó làm nên hương vị đặc trưng của các món ăn miền sông nước này. Hoa điên điển xuất hiện trên bát bún cá, nó lấp ló vàng trên rổ rau nhúng lẩu, hoặc trở thành tâm điểm trên đĩa gỏi cá,...

Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây - Ảnh 3.

Hoa điên điển xuất hiện trong nhiều món ăn của người dân nơi đây

Các loại cá, đặc biệt là cá lóc cũng đóng vai trò lớn trong bức tranh ẩm thực miền Tây. Du khách đến đây chắc chắn sẽ phải nếm thử bát bún cá ít nhất một lần. Đây là một món ăn phổ biến của ẩm thực miền Tây Nam Bộ với những biến tấu khác nhau như bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng,... Không giống món bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá miền Tây được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng ở đây.

Là nguyên liệu để nấu bún, nhưng có một cách thưởng thức cá lóc trọn vẹn hương vị hơn là món cá lóc nướng trui. Bếp nướng cá được tạo nên bởi mấy hòn gạch xếp lên, lửa được đốt bằng rơm chứ không phải bằng than; cá để nguyên con không cạo vảy, dùng que tre hoặc thanh trúc lụi từng con từ đuôi ra lòng cá, sau đó đặt lên bếp nướng. Cá được nướng cho đến khi cháy khét nhưng phải trở mặt cá cho đều. Trong thời gian nướng dùng chổi thoa mỡ hành lên mình cá.

Có một thử thách đặc biệt đối với các du khách tới với miền Tây đó là nếm thử vị của đuông dừa. Đuông dừa thường sinh sống trong các ngọn của thân cây dừa. Chúng hút hết tinh chất của cây dừa đến béo mẫm, thơm phức và béo ngậy vị dừa. Người ta thường thả đuông dừa vào một bát nước mắm rồi thả vào miệng thưởng thức ngay khi nó còn sống.

Đuông dừa là một loại thức ăn bổ, sạch, chứa nhiều protein và cung cấp nhiều vitamin A, C, B1, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe. Ngoài ăn sống, đuông dừa còn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như đuông chiên giòn, gỏi đuông tầu hữu dừa, đuông lăn bột,…

Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây - Ảnh 4.

Những con đuông dừa tắm mắm trở thành "thử thách" với nhiều du khách

Ghé miền Tây mà chưa nhìn ngó những đặc sản khô có phần hơi kinh dị thì cũng là một điều uổng phí. Miền Tây không chỉ có cá khô mà còn có khô rắn, khô nhái (hay còn gọi với cái tên "vũ nữ chân dài"), khô chuột đồng, khô thằn lằn... Đây đều là những món đồ nhắm yêu thích của dân nhậu miền Tây.

Khám phá vẻ đẹp dân dã của ẩm thực miền Tây - Ảnh 5.

Các loại đồ khô kỳ lạ cũng là một nét đặc trưng trong ẩm thực miền Tây

Để nói về ẩm thực miền Tây có lẽ còn rất nhiều điều, nhưng tựu chung lại vẫn là sự dân dã kết hợp hoàn hảo với óc sáng tạo, bàn tay tài hoa và vị giác tinh tế của người dân nơi đây đã làm nên một văn hóa ẩm thực thu hút khách du lịch ghé thăm và nếm thử. Nếu có dịp vi vu đến miền sông nước này, bạn hãy thưởng thức ngay để hiểu rõ văn hóa một miền đất Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm