Dấu tích về hang vàng, hang bạc liên quan đến 2 bà chúa Thái, sau 8 thế kỉ đã dần lộ diện. Bà con ở bàn Khòong, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tìm được trống đồng cùng nhiều hiện vật có giá trị khác. Kho báu mà 2 bà chúa Thái để lại cho con cháu thực sự đã tồn tại và nó vẫn còn là một điều bí ẩn.

KHO BÁU BÍ ẨN CỦA 2 BÀ CHÚA THÁI

Dấu tích về hang vàng, hang bạc liên quan đến 2 bà chúa Thái, sau 8 thế kỉ đã dần lộ diện. Bà con ở bàn Khòong, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tìm được trống đồng cùng nhiều hiện vật có giá trị khác. Kho báu mà 2 bà chúa Thái để lại cho con cháu thực sự đã tồn tại và nó vẫn còn là một điều bí ẩn.

Đường vào bản Khòong giờ đã được đổ bê tông phẳng lì. Xe chạy bon bon. Từ nhiều đời nay, bà con người Thái nơi đây đã dựng đền thờ để tưởng nhớ đến 2 bà chúa Thái. Họ có sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành lại hết lòng giúp đỡ nhân dân. Không dừng lại ở đó, nơi mà 2 bà sinh ra vẫn còn truyền tai nhau về kho vàng, kho bạc. Thực tế là rất nhiều người dân từng nhặt được những dụng cụ bằng sành sứ, chum chóe có từ cách đây 8 thế kỉ.

Truyền thuyết về 2 người con gái Thái

Công dân đầu tiên của bản Khòong mà chúng tôi gặp là ông Lò Văn Cung - người trông coi đền và cũng là hậu duệ của 2 bà chúa Thái. Ngồi bên căn nhà truyền thống của người Thái, mỗi khi nhắc tới 2 nàng Bẳng Mương, ông Cung vô cùng thành kính.

Ông Cung kể, ngày xưa ở Bản Khoòng Thái có một gia đình dòng họ Lò (người Thái trắng) di cư từ Đà Bắc (Hòa Bình), bên kia sông Đà, sang vùng Chiềng Khoa khai hoang sinh sống, dựng bản lập mường. Thời điểm đó, vùng đất Chiềng Khoa hoang sơ, vắng vẻ, không có người ở, thời tiết lạnh giá, quanh năm mây mù bao phủ nên được gọi là Mường Mây.

Ông Lò Văn Cung chăm lo nơi thờ cúng 2 nàng Bẳng Mương

Ít lâu sau, gia đình sinh ra được 3 người con, gồm 1 con trai và 2 con gái. Theo thời gian, hai cô lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, giữa hương rừng, gió núi, chẳng mấy chốc trở thành hai thiếu nữ Thái xinh đẹp hơn người, tài sắc vẹn toàn.

Họ sống vui êm đềm cùng núi rừng. Mùa nối mùa qua đi, khi đến tuổi trưởng thành 2 người con gái của dòng họ Lò càng lớn càng xinh đẹp. Mái tóc của 2 nàng dài đến chân và đen như mun, làn da trắng ửng hồng, tính tình nết na thùy mị, chịu thương chịu khó.

Hai nàng chăm chỉ trồng bông dệt vải, thêu khăn piêu, dạy dân múa xòe, hát dân ca, hát giao duyên, hướng dẫn dân làm ruộng nước, làm mương phai, phát nương, thổi các điệu khèn, điệu pí… Từ đó ai ai trong bản cũng vô cùng yêu quý, cảm phục về tài, đức, thông minh của hai nàng và đặt tên cho 2 nàng là nàng Bẳng và nàng Mương.

Tiếng lành đồn xa, người dân bản trên, mường dưới rủ nhau đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm xây dựng cuộc sống ấm no và tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời ban của hai nàng. Sự tài năng, đức độ và sắc đẹp của 2 nàng đã đồn đến kinh vua Lê Kinh Tông.

Ngài liền phái thuộc hạ có tên Biên Biền đến vùng Mường Mây xem có đúng như tin đồn không? Quả thực trăm nghe, không bằng một thấy, đúng như lời đồn đại, Biên Biền phác họa chân dung hai nàng để đưa về cho nhà vua xem. Xem xong bức họa, vua liền phái quân lính mang theo của cải, vàng bạc, châu báu và trống đồng đến Mường Mây để xin phép gia đình gả 1 nàng về làm vợ vua. Khi quân lính đến Mường Mây thưa chuyện, trong khi cha mẹ nàng chưa có ý kiến gì thì hai nàng biết thân phận quê mùa, lòng chẳng thuận theo vua, nên chắp tay, cúi đầu vái lạy quân lính nhà vua rằng:

"Phận là con dân quê mùa

Quanh năm cày cấy, chân lấm tay bùn

Đũa mốc chẳng dám chòi mâm son

Không dám ngồi hàng nhất phẩm phu nhân

Cầu xin các ngài thương lấy dân quê

Tha cho phận nữ nhi yếu ớt"

Thế nhưng quân lính chẳng chút động lòng, nắm tay nàng út kéo lên thuyền một cách ép buộc rồi xuôi sông Đà trở về kinh đô. Tuy nhiên, khi đoàn thuyền đi qua khúc sông ở Thác Bờ, Hòa Bình, nàng út bỗng ngửi thấy mùi hương quyến rũ tỏa ra từ chùm hoa ban rừng đang trôi trên sông cuộn dọc mạn thuyền.

Mùi hương thơm ngát của loài hoa khiến cho trái tim nàng út thổn thức, xao xuyến, liên tưởng đến số phận mình cũng như chùm hoa kia đang trôi dạt về phương trời nào.

Nàng đưa tay với lấy chùm hoa, nhưng không may con thuyền tròng trành cuốn theo dòng nước xiết, rồi nàng út bị chết đuối trước sự bất lực của những người đi cùng.

Quân lính tâu câu chuyện trên với nhà vua và nhận lệnh mang sính lễ quay trở lại Mường Mây để xin đưa nàng Khăm Khe (nàng chị) về làm vợ vua.

Từ nhỏ, 2 chị em vốn sống khép kín, nhút nhát nên khi nghe tin quân nhà vua quay lại để xin gia đình đưa nàng về kinh, nàng Khăm Khe sợ hãi chạy vào rừng bỏ trốn, mang theo chiếc guồng quay sợi bằng bạc. Nàng đi đến đâu, quân lính nhà vua truy tìm đến đấy, nàng chạy đến một hang đá trên đỉnh thác (suối Tân). Lúc này trời nhá nhem tối, bỗng nổi cơn giông, nàng ngồi một mình than thở rằng: "Trời ơi! Hãy mưa đi, mưa thật to đừng để Keo đến nữa". Đúng lúc đó một dân chài đi qua cửa hang đùa, đáp rằng: "Keo đến đây rồi" nàng giật mình lao xuống dòng thác Suối Tân tự vẫn.

Về phần quân lính, sau khi mưu sự không thành, trước khi rút quân về, toàn bộ sinh lễ mang theo đều để lại Mường Mây. Theo lệnh của vua, trống đồng đem chôn từng hố rải rác ở các gò đất quanh vùng, còn vàng bạc, châu báu đem giấu trong 1 hang đá đầu bản của hai bà chúa, ngoài cửa hang dùng đá cuội trộn lẫn mật mía bịt kín.

Đền thờ 2 bà chúa Thái được xây dựng ở bản Khòong

Thương tiếc số phận hai chị em và cảm phục những đức tính tốt đẹp vẹn toàn của hai nàng, ít lâu sau cha mẹ 2 nàng bàn với dân bản, góp công sức dựng một ngôi đền tại Mường Mây để đón hồn của hai bà chúa trẻ về thờ. Kể từ đó cứ vào mùa hoa ban nở, dân bản lại ra đền thắp hương cầu cho hai bà yên giấc nơi suối vàng. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh, chăn nuôi phát triển, lúa, ngô đầy bồ. Năm lẻ thì cúng con vật hai chân, năm chẵn cúng con vật 4 chân… Cứ 5 năm thì dân bản lại mời bản trên, mường dưới tự nguyện quyên góp dâng lễ cầu an lành.

Mong hai bà có nơi thờ cúng

Câu chuyện truyền thuyết về 2 bà chúa Thái đến giờ bà con người Thái nơi đây vẫn còn kể lại cho các thế hệ sau. Vết tích của những chuyến vận chuyển vàng, bạc giấu ở Mường Mây nay là bản Khòong vẫn còn được lưu lại. Ông Lò Văn Cung - người giữ đền thờ 2 bà từ nhiều năm nay nắm rất rõ về chuyện này.

Hiện ngôi đền thờ 2 bà đang được xây một gian nhỏ ở cạnh nhà ông. Ngày ngày ông vẫn hương khói đều đặn. Trước lúc vào chuyện, ông Cung bảo, theo tiếng Thái, bản Khòong là bản giữ của. Câu chuyện giấu vàng, giấu bạc đã cách đây 8 thể kỷ, nhưng vết tích còn rất rõ ràng.

Gần đây nhất, năm 2021 trong lúc ông dọn mấy hang đá phía sâu trong chân núi vẫn đào được chum, chóe và cả kiếm cổ ngày trước. Những hiện vật này, ông Cung đang để trong miếu thờ 2 bà. "Cách đây hơn chục năm, chúng tôi còn đào được chiếc trống đồng. Hiện vật này đã được đưa lên bảo tàng Sơn La cất giữ", ông Cung cho biết.

Hiện vật được phát hiện khi ông Cung dọn dẹp khu đất trong núi

Liên quan đến 2 kho báu ở bản Khòong đến giờ người dân không dám vào đó tìm vàng bạc nữa, vì hầu như ai lấy được vật gì cũng gặp cảnh tai ương. Nơi cất giữ của nằm trên trục thăm quan thác Nàng Tiên. Nhiều đoàn khách khi đến Chiềng Khoa cũng đã đến nơi này để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ 2 bà. Ước mong lớn nhất của ông Cung là có kinh phí để xây dựng đền thờ 2 bà chúa Thái cho khang trang hơn.

Một tin mừng đến với bà con người Thái nơi đây là, năm 2019, di tích đền thờ nàng Bẳng Mương được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây cũng là cơ hội để bà con nơi đây kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân xây dựng đền thờ cho 2 bà.

Bài, ảnh: Thuần Việt