"Kho văn hóa sống của đồng bào Thổ"

05/08/2021 17:10
Các nhạc cụ dân tộc được nghệ nhân Trương Sông Hương (bìa trái) lưu giữ.

Các nhạc cụ dân tộc được nghệ nhân Trương Sông Hương (bìa trái) lưu giữ.

Ông Trương Sông Hương là một trong số ít những nghệ nhân đầu tiên ở huyện miền núi Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung được Hội đồng cấp nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với danh hiệu "Nghệ nhân dân gian", ông Trương Sông Hương ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành về những đóng góp xuất sắc của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Đối với người Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ như đàn tính, kèn, sáo, nhị đã trở thành nét văn hóa đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều yếu tố khác nhau, nét văn hóa này đang đứng trước nguy cơ mai một. Không đành lòng trước thực tế đó, ngày ngày tại xã Thọ Hợp, những làn điệu dân ca hay những nhạc cụ truyền thống…vẫn được nghệ nhân Trương Sông Hương miệt mài sáng tạo, lưu giữ và truyền dạy. Việc làm đầy ý nghĩa này, của ông đã được cộng đồng quan tâm, ủng hộ nhiệt tình...

Gần 14 năm nay, không phân biệt lứa tuổi, từ các em học sinh, các cụ già đến nam thanh nữ tú ở các bản làng đều tập trung về nhà ông Hương để cùng học các làn điệu dân ca, dân vũ do nghệ nhân Trương Sông Hương truyền dạy.

Nghệ nhân giữ “hồn” văn hóa thổ - Ảnh 2.

“Gìn giữ, bảo tồn dân ca, nhạc cụ cũng là giữ hồn dân tộc mình, muốn tìm người tiếp nối không phải dễ, trước hết phải là người thực sự yêu vốn cổ đó, rồi mới có thể tính chuyện giữ gìn”…, ông Trương Sông Hương trăn trở.

Em Trương Thị Quỳnh Như, học sinh Trường tiểu học Thọ Hợp, cho biết: "Mỗi khi chúng con nghỉ giải lao sau bữa học thì chúng con đến công Hương là một người dạy các bài hát dân ca Thổ, ông dạy cho chúng con những bài hát rất hay, con rất muốn tìm hiểu các bài dân ca của dân tộc mình"

Những năm qua, đồng bào dân tộc Thổ ở xã Thọ Hợp xem ông Hương như một "nghệ nhân cộng đồng" thực thụ, bởi vốn hiểu biết thông thái về văn hóa dân gian của ông. Còn nhớ, khi UBND huyện Quỳ Hợp được sự hỗ trợ của Ban điều phối Dự án "Cải thiện đời sống của cộng đồng người dân và nâng cao năng lực các tổ chức địa phương" do Phần Lan tài trợ năm 2006, ông Hương đã không ngần ngại đăng ký tham gia đứng lớp... "miễn phí" và làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thổ ở làng Sơn Tiến, xã Thọ Hợp. Không lâu khi ra đời, Câu lạc bộ nơi đây đã trở thành điểm đến của những người yêu văn hoá Thổ.

Nghệ nhân giữ “hồn” văn hóa thổ - Ảnh 3.

Không những lưu giữ dân ca thổ, mà ông Hương còn say mê trong việc truyền dạy các làn điệu cho thế hệ trẻ.

Trong tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng sáo và tiếng hát rộn rã hòa lẫn với những điệu nhảy múa, reo hò của bà con đồng bào Thổ, ông Hương phấn khởi cho biết: "Theo bản thân tôi tóm lại cũng hiểu biết hơn các diễn viên trong hội cho nên tôi muốn giữ lại phong trào, lời ca tiếng hát, các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ. Ngày đêm tôi cũng phải sưu tầm, sáng tác thêm, sưu tầm những bài cổ, giữ lại cho con cháu sau này. Tôi sợ rằng sau này mai một đi phong trào dân tộc Thổ của Tôi cho nên tôi có một số con cháu tập trung đến và tôi cũng bày dạy tất cả các làn điệu. Phong trào sau này nhìn các lớp cha anh nó sẽ học hỏi được, mong rằng giữ lại phong trào, bản sắc của dân tộc Thổ".

Với ông Trương Văn Vinh, ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp những làn điều dân ca dân vũ của dân tộc thổ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây, nó là một nét văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn nên dù bận việc đồng áng nhưng hôm nào cũng vậy, ông và mọi người đều sắp xếp thời gian đến tham gia câu lạc bộ để được nghệ nhân Trương Sông Hương truyền đạt cho mình. "Thành lập CLB tui xin vào, ông Sông Hương sáng tác bài chi chúng tôi cố gắng nghe theo ông để làm nhạc cho chị em múa, hát, có cái nhạc cho nó sôi nổi, tui nghĩ cố gắng đến tham gia anh em cho đến giờ", Ông Vinh hồ hởi cho biết.

Ngoài việc truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ nhân Trương Sông Hương còn đóng góp công sức rất lớn vào việc gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ. Hiện tại, ông dành hẳn một gian ở nhà mình để trưng bày trên chục loại nhạc cụ như: Đàn tính, kèn, sáo, nhị…Trong đó, có nhiều hiện vật quý do chính ông sưu tầm và sáng tạo. Cũng nhờ đó, hiện nay trong các dịp lễ tết, hội hè thậm chí cả đám cưới, lễ mừng nhà mới, ngày hội các dân tộc thiểu số hằng năm... thì ngoài phần lễ, phần hội đã được tổ chức bài bản, công phu hơn trước với những tiết mục dân ca, dân vũ được biểu diễn mang đậm nét truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, trước sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là một điều rất cần thiết. Và ông Trương Sông Hương là một tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Cũng bởi lẽ vậy nên bạn bè, đồng nghiệp tin yêu gọi ông là "kho văn hóa sống của đồng bào Thổ".

Nghệ nhân giữ “hồn” văn hóa thổ - Ảnh 4.

Nghệ nhân Trương Sông Hương dạy hát dân ca cho các em thiếu nhi.

Đến nay, tại Quỳ Hợp tất cả các xóm, bản ở Quỳ Hợp đều đã xây dựng được các đội văn nghệ dân gian. Có được kết quả này, không thể không kể đến công sức rất lớn của những nghệ nhân như ông Trương Sông Hương.

Ông Trương Văn Thông, cán bộ văn hóa xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp, khẳng định: "Trong quá trình xây dựng và đóng góp của đồng chí Trương Sông Hương để bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc, văn hóa của xã Thọ Hợp. Đồng chí đã cố gắng xây dựng và phát huy những kết quả cho xã Thọ Hợp có một CLB phát triển đến bây giờ thì đi vào hoạt động có hiệu quả, tham gia các hoạt động trên huyện, tỉnh đạt những kết quả cao". 

Giờ đây ông đã có thể thong dong khắp bản trên mường dưới cho niềm đam mê của mình. Ông muốn văn hóa bản sắc Thổ luôn tỏa sáng trong vườn hoa đầy hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt  Nam. Say sưa tìm tòi sưu tầm và phục dựng các lễ hội, phong tục của đồng bào Thổ, cứ thế gia đình nghệ nhân Trương Sông Hương đã trở thành địa chỉ để truyền bá cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Thổ nơi Miền Tây xứ Nghệ từ lúc nào cũng chẳng biết...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn