Kịch bản nào để phòng chống dịch ở các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội?

Linh Trần
18/07/2021 - 17:13
Kịch bản nào để phòng chống dịch ở các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội?

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 4 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, ngành y tế đã chỉ đạo, chuẩn bị kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh, cũng như đảm bảo công tác điều trị.

Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản: 969/TTg-KGVX đồng ý giãn cách thêm 16 tỉnh, thành phố bao gồm: Thành phố Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang trong 14 ngày kể từ 0h ngày 19/7/2021.

Trước thông tin trêm, Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh, cũng như đảm bảo công tác điều trị.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để có thể tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm Covid-19 ở cộng đồng, tách ra ngay khỏi cộng đồng để giảm lây nhiễm.

Một loạt tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội: Kịch bản nào để phòng chống dịch - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở TPHCM.

Về điều trị, Bộ chia làm 3 tầng. Theo đó, với bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ban đầu, những đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình. Với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng thì điều trị các cơ sở y tế, các cơ sở này từ bệnh viện tuyến huyện trở lên. Trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng.

Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch để có thể thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Trong chống dịch, một trong những vấn đề được quan tâm là đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã chuẩn bị tích cực về trang thiết bị. Bộ đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TPHCM. Đồng thời, giao bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TPHCM có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

Hơn nữa, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TPHCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Mặt khác đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cho phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này. Đồng thời các địa phương đã thực hiện phương châm "4 tại chỗ", đã chuẩn bị trang thiết bị thời gian qua.

Một loạt tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội: Kịch bản nào để phòng chống dịch - Ảnh 2.

Người dân ở TPHCM chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Theo khuyến cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, cũng như huyện cách ly với huyện.

Do đó, người dân nên ở tại nhà, chỉ khi thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà; hạn chế mọi sự tiếp xúc với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người và theo chỉ thị 16 là không quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

Với tất cả các cơ sở chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để đảm bảo tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

Chỉ thị 16 cũng nhấn mạnh, đối với các cơ sở như cơ sở y tế hoạt động 100% công suất. Chúng tôi cũng đã đề nghị, yêu cầu các địa phương phải triển khai phương án này.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Theo Bộ Y tế, từ 19h ngày 17/7 đến 6h ngày 18/7 cả nước có 2.472 ca mắc mới, trong đó 2.454 ca ghi nhận trong nước. Các tỉnh, thành ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sáng ngày 18/7 gồm TPHCM (1.756 ca), Bình Dương (281 ca), Đồng Nai (75), Long An (48), Tây Ninh (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (41), Vĩnh Long (38), Đồng Tháp (36), Tiền Giang (31), Khánh Hoà (29), Bến Tre (17), Phú Yên (16), Cần Thơ (12), Kiên Giang (10), Hà Nội (9), Bình Định (4), Sóc Trăng (3), An Giang (3), Bắc Ninh (1), Đắk Nông (1), Bắc Giang (1); trong đó 2.226 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Ngoài ra, sáng ngày 18/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 danh sách 626 ca đã được phát hiện trước đó tại các khu cách ly.

Như vậy, đến sáng ngày 18/7, Việt Nam có tổng cộng 48.964 ca ghi nhận trong nước và 2.038 ca nhập cảnh. Chỉ tính riêng từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc mới là 47.394 ca, trong đó có 7.538 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm