Kỳ lạ xử ly hôn bằng... gạo của người K’ho

31/08/2021 10:52
Tình trạng ly hôn của người K’ho rất ít khi xảy ra do cuộc sống vợ chồng luôn hòa thuận, thủy chung. Ảnh minh họa: Tiểu Vân

Tình trạng ly hôn của người K’ho rất ít khi xảy ra do cuộc sống vợ chồng luôn hòa thuận, thủy chung. Ảnh minh họa: Tiểu Vân

Tình trạng ly hôn của người K’ho ở tỉnh Lâm Đồng rất ít khi xảy ra, bởi sự ràng buộc rất chặt chẽ của tập tục từ khi nam nữ thành vợ thành chồng. Tuy nhiên, theo luật tục xưa, khi vợ chồng không muốn sống chung với nhau nữa thì được phép ly hôn. Và, điều kỳ lạ là đồng bào K’ho dùng nắm gạo để xử ly hôn.

Người K’ho ở tỉnh Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ. Do đó, người phụ nữ làm chủ gia đình và chủ động trong hôn nhân. Sau hôn lễ, người đàn ông về nhà vợ ở, con cái tính dòng họ theo mẹ và trong gia đình, con gái là người thừa kế.

Chế độ hôn nhân một vợ một chồng được đồng bào K’ho xác lập vững chắc. Họ đề cao sự chung thủy vợ chồng, những trường hợp ngoại tình, gian dâm bị cộng đồng lên án và xử lý nặng nề.

Kỳ lạ nắm gạo xử ly hôn của người K’ho - Ảnh 1.

Chế độ hôn nhân một vợ một chồng được đồng bào K’ho xác lập vững chắc (ảnh: Tiểu Vân)

Dù vậy, theo tập tục truyền thống của người K’ho, khi vợ chồng không muốn sống chung với nhau nữa thì cho phép ly hôn. Tuy nhiên, tình trạng ly hôn của người K’ho rất ít khi xảy ra, bởi sự ràng buộc rất chặt chẽ của tập tục từ khi nam nữ thành vợ thành chồng.

Khi có dấu hiệu rạn nứt tình cảm vợ chồng vì những lý do khác nhau, hai bên gia đình, dòng họ sẽ tìm cách khuyên ngăn, hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ tổ chức một buổi họp, ngoài các thành viên chủ chốt của hai bên nội ngoại còn có sự tham gia của già làng.

Thủ tục ly hôn của người K’ho được tiến hành theo trình tự: Một bát gạo được đưa cho hai người, sau đó hai người lần lượt lấy vài hạt bỏ vào một cái bát khác, coi như là đồ vứt đi và từ đây họ chính thức không còn là vợ chồng. Cũng có nơi vợ chồng mỗi người cầm một nắm gạo trong tay và cùng thả đều vào bát, nếu bên nào thả vào trước (lý do quá nôn nóng) thì sẽ phải đền của cho bên kia. Nếu cả hai bên cùng thả vào bát thì coi như đồng ý ly hôn (thuận tình ly hôn). Từ đó, hai người sẽ không được phép sống chung với nhau nữa.

Kỳ lạ nắm gạo xử ly hôn của người K’ho - Ảnh 2.

Thiếu nữ K'ho biểu diễn điệu múa truyền thống

Khi đã ly hôn, gia đình nhà trai buộc phải trả lại số lễ vật mà trước đó đã thách cưới nhà gái (trị giá đồ vật có thể được tính giảm đi theo số năm người chồng ở bên nhà vợ). Hoặc nếu người vợ chết mà người chồng đi lấy người vợ khác thì cũng phải hoàn trả lại số lễ vật mà trước đã đó thách cưới nhà gái.

Trường hợp người chồng hoặc người vợ chết, bên nhà vợ hoặc chồng không có người em để thực hiện tục "nối dây" hoặc không đồng ý lấy nhau thì được phép có vợ hoặc chồng khác sau khi mãn hạn tang. Trường hợp này, không phải hoàn trả lại của hồi môn nhưng không được mang theo con và phải tổ chức lễ cưới.

Hiện nay, cuộc sống của đồng bào K’ho ở tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Và điều đáng mừng, tình trạng ly hôn của người K’ho rất ít khi xảy ra mà cuộc sống vợ chồng luôn hòa thuận, thủy chung. Đó cũng là điều đáng trân quý do họ biết sống và tuân thủ tập tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn