Kỳ lạ tục “bắt chồng” của một số dân tộc ở Tây Nguyên

19/02/2022 08:49
Nam thanh nữ tú đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên trong ngày hội. Ảnh minh họa

Nam thanh nữ tú đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên trong ngày hội. Ảnh minh họa

Tục “kéo vợ” khá phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, trong khi một số cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên lại duy trì tục “bắt chồng”. Tập tục này nhiều khi là cách để nhiều gia đình nghèo tránh việc thách cưới vẫn còn nặng nề trong cộng đồng.

Tây Nguyên rộng lớn với nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sống giữa đại ngàn như Ê Đê, Ba Na, M'Nông, Giẻ Triêng, K'Ho, Chu Ru… Phần lớn những dân tộc thiểu số này vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, nữ giới nắm quyền chủ động trong quan hệ gia đình, cộng đồng và cả trong hôn nhân. Đàn ông được phụ nữ cưới về nhà mình và người chồng chịu sự quản lý của người vợ.

Trong tập tục hôn nhân, "bắt chồng" vẫn được một số cộng đồng thiểu số duy trì. Tập tục này có kịch bản khá giống tục kéo vợ của các cộng đồng Mông, Thái, Dao ở phía Bắc, nhưng người bị "bắt" lại là các chàng trai.

Cũng như khi đàn ông cưới vợ, phụ nữ theo chế độ mẫu hệ cưới chồng cũng phải chịu tất thảy những phí tổn. Vì thế mà nhiều gia đình khó khăn lại đông con gái thì việc cưới chồng gặp khó khăn nên mới có tục "bắt" chú rể về để giảm bớt những chi phí và cũng là điều thuận lợi cho các cặp trai gái khi yêu thương nhau mà nhà gái lại không thể tổ chức đám cưới. Người Chu Ru ở Lâm Đồng vẫn áp dụng tập tục cổ xưa này.

Sơn nữ Tây Nguyên

Sơn nữ Tây Nguyên. Ảnh: Uông Thái Biểu

Tập tục "bắt chồng" của người Chu Ru được thực hiện như sau: Vào một đêm đã được chọn, đoàn họ gái, có thể lên đến hàng chục người sẽ "đột nhập" nhà trai. Cô gái mang theo 3 tấm thổ cẩm dệt tay để làm lễ vật. Trưởng đoàn, thường là cậu ruột của cô gái sẽ đến gõ cửa. Khi tiếp chuyện nhà trai, trưởng đoàn sẽ nói đến chuyện "bắt rể". Nhà trai theo thông lệ sẽ tìm cách từ chối, rằng cháu nó còn bé dại lại vụng về, gia đình cũng chưa có ý định để con kết hôn. Sau đó, chàng trai sẽ được hỏi rằng có đồng ý xuất giá hay không. Thường thì những cuộc "bắt rể" ít khi thất bại bởi trước đó cặp trai gái đã có sự đồng thuận ngầm.

Khi đã nhận lời về làm rể, cô gái sẽ trao khăn cho chàng trai để đặt lên bàn thờ. Nhà trai nhận cô gái là dâu của gia đình. Lúc này cậu ruột của cô gái sẽ trùm chiếc khăn màu trắng lên đầu hai người. Người cha trao cho chú rể một chiếc liềm để trừ tà ma. Hai người sau đó được vào trong buồng riêng của chú rể và chờ đến giờ lành thì cùng về nhà cô dâu.

Hôm sau, cô dâu sang nhà chú rể và ở lại đó 8 ngày. Trong thời gian này, cô dâu sẽ cáng đáng công việc gia đình, sắm sửa vật dụng và cũng để chứng minh mình là một người vợ tốt, chu đáo với nhà chồng. Đến ngày thứ 8, nhà gái sẽ mang theo lợn, gạo sang nhà chú rể bày mâm tổ chức một lễ cưới nhỏ rồi đón rể về. Từ đó chàng trai sẽ sinh sống suốt đời bên nhà vợ.

Còn cộng đồng người K'Ho ở Lạc Dương (Lâm Đồng) thì lễ "bắt chồng" diễn ra khá nhanh gọn. Sau khi đã làm xong các nghi thức theo phong tục bản địa, chú rể sẽ bị lôi đi trong đêm tối mà người tham gia đắc lực nhất chính là cô gái. Dĩ nhiên, cuộc bắt cóc này cũng đã có sự đồng thuận từ trước của "nạn nhân".

Tục "bắt chồng" cũng có ở cộng đồng người Raglai ở Ninh Sơn (Ninh Thuận). Trước khi "bắt chồng", cô gái sẽ trao cho chàng trai một tín vật là chiếc vòng cổ bằng đồng. 

Theo nhà văn Mã A Lềnh (Lào Cai), tập tục "bắt chồng" cũng còn được duy trì trong cộng đồng người Dao đỏ ở thôn Sim San, xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai). Ông kể, vào đầu năm 2005 ông từng chứng kiến một vụ "bắt chồng" khi đến nơi đây thực hiện một bộ phim truyện mà ông là người thủ vai và viết kịch bản. "Một đám con gái lôi hai chàng trai đi. Có một anh gầy thì thoát ra được, còn anh béo hơi thì bị "bắt" đi", nhà văn tường thuật.

Người thân cô dâu và chú rể gặp nhau trước lễ cưới ở Tây Nguyên

Người thân cô dâu và chú rể gặp nhau trước lễ cưới ở Tây Nguyên. Ảnh: Uông Thái Biểu

Là một tập tục về cơ bản mang ý nghĩa nhân văn khi nó cảm thông sâu sắc với gia cảnh của người phụ nữ mẫu hệ, tục "bắt chồng" góp phần giảm thiểu những hệ lụy từ tục thách cưới nặng nề vẫn tồn tại ở nhiều buôn làng.

Nhà văn Uông Thái Biểu (Lâm Đồng) từng có những chuyến thâm nhập thực tế tại cộng đồng người Chu Ru, K'Ho. Ông cho biết nhiều buôn làng nơi đây vẫn giữ tập tục thách cưới rất nặng nề vì vậy nhà gái bất đắc dĩ phải dùng đến tục "bắt chồng".

Theo chia sẻ của nhà văn Uông Thái Biểu, có những gia đình người Chu Ru ở Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) thách cưới từ 5 chỉ đến 2 lượng vàng. Đó chưa kể những chi phí khác khi tổ chức đám cưới. Có bà mẹ nghèo phải bán ruộng để cưới chồng cho con rồi mưu sinh bằng nghề bắt cua. Có những nhà vì họ nhà trai thách cưới từ 1, đến 2 lượng vàng, vì gia cảnh khó khăn phải cho nhà trai thuê ruộng trong nhiều năm để gán nợ. Nhiều người dùng đến biện pháp vay ngân hàng, vay vàng và trả lãi hàng tháng để cưới chồng cho con rồi rơi vào cảnh khuynh gia bại sản.

Để tránh lâm vào cảnh tréo ngoe trước tục thách cưới nặng nề, nhiều cộng đồng chọn cách "bắt chồng". Đó cũng là mặt tích cực của tập tục này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn