Sau 5 năm hoạt động, mô hình “Trao yêu thương” ở phường 16 (quận 8, TPHCM) đã làm “cầu nối” để tiếp nhận, sẻ chia khoảng 20 tấn quần áo, các trang thiết bị, vật dụng cũ và mới các loại đến với những người có nhu cầu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Lan tỏa yêu thương từ những tấm áo nghĩa tình

Sau 5 năm hoạt động, mô hình "Trao yêu thương" ở phường 16 (quận 8, TPHCM) đã làm "cầu nối" để tiếp nhận, sẻ chia khoảng 20 tấn quần áo, các trang thiết bị, vật dụng cũ và mới các loại đến với những người có nhu cầu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thành lập mô hình sau… vụ cháy nhà trọ

Một ngày cuối tháng 5/2022, tại trụ sở UBND phường 16 (quận 8, TPHCM) - chị Bùi Thị Kim Hường - Chủ tịch Hội LHPN phường vừa chuyển giao hàng chục chiếc áo dài còn mới nguyên cho một đơn vị để đi trao tặng cho cán bộ, hội viên phụ nữ. "Vừa rồi có đơn vị đã gửi cho 700 bộ áo dài mới. Số áo dài này đã gửi đến cán bộ, hội viên phụ nữ ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước", chị Hường phấn khởi chia sẻ.

Số áo dài này chỉ là một trong số rất ít quần áo, cùng các trang thiết bị, vật dụng các loại mà mô hình "Trao yêu thương" đã kết nối, chia sẻ đến người dân trong thời gian qua. 

Nói về lý do ra đời của mô hình ý nghĩa này, chị Hường kể, vào năm 2017, trên địa bàn phường xảy ra một vụ cháy ở khu nhà trọ khiến cho nhiều công nhân, người lao động khốn đốn vì các vật dụng trong phòng trọ bị lửa thiêu rụi. Trước tình hình này, chị Hường đã vận động người dân ủng hộ những vật dụng không còn sử dụng, nhất là quần áo cũ để hỗ trợ cho công nhân ở khu trọ. Và thật vui mừng vì đã có rất nhiều người dân gửi các vật dụng, quần áo đến để chia sẻ với người lao động, góp phần giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn.

Quần áo, đồ dùng các loại được gửi đến người dân, công nhân lao động khó khăn trên địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh/thành trên cả nước

Sau vụ việc không mong đợi này, Hội LHPN phường 16 đã quyết định thành lập mô hình "Trao yêu thương" để chia sẻ nhiều hơn với người lao động. "Trên địa bàn phường tập trung rất đông công nhân. Ban đầu chúng tôi chỉ vận động trong cơ quan, đơn vị; nhưng sau đó thì vận động rộng hơn với mong muốn giúp đỡ được nhiều người hơn", chị Hường nhớ lại.

Nhưng bất ngờ, sau đó, không chỉ có người dân trên địa bàn phường mà nhiều người ở khắp các quận, huyện ở thành phố, rồi các tỉnh thành trên cả nước đã gọi điện trực tiếp cho chị Hường với nguyện vọng được gửi quần áo, giày dép, túi xách… để chia sẻ với những người dân, trẻ em khó khăn, có nhu cầu.

"Có những ngày tôi nhận đến gần 70 cuộc điện thoại khắp các nơi gọi đến để cho đồ. Sau đó mới biết đã có người đưa thông tin của tôi, địa chỉ tiếp nhận là nơi đang làm việc và số điện thoại lên mạng", chị Hường chia sẻ.

Thay vì bực dọc hay lo lắng vì sợ bị làm phiền, chị Hường đã nhiệt tình đón nhận tấm lòng của những người xa lạ nhưng giàu lòng nhân ái ở mọi miền Tổ quốc để rồi sau đó chuyển cho nhiều người khác. Những bộ quần áo, túi xách, vật dụng các loại cả cũ và mới đều được các chị em Hội phụ nữ phân loại, xếp gọn gàng để trao đến người dân, công nhân lao động.

Để thuận lợi cho việc chia sẻ đồ, Hội LHPN phường 16 đã vận động nguồn lực để làm một khu vực để các đồ nhận được trước trụ sở UBND phường. Người dân có nhu cầu đều có thể lựa chọn cho mình những bộ quần áo, món đồ phù hợp dễ dàng.

Quần áo, giày dép, túi xách... được gửi đến có cả đồ cũ và mới, được chọn lọc, phân loại kỹ càng trước khi gửi đến những nơi có nhu cầu

Đặc biệt, nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người nhận đồ, Hội LHPN phường đã đặt thùng từ thiện tại điểm tiếp nhận để người nhận có thể bỏ vào một số tiền nhỏ, thường là 1.000-2.000 đồng. Vào cuối năm, toàn bộ số tiền có được sẽ được dành để nấu thịt kho hột vịt để tặng cho công nhân không có điều kiện về quê đón Tết.

Lan tỏa yêu thương

Khi số lượng quần áo, túi xách, giày dép… được gửi về ngày càng nhiều, Hội LHPN phường 16 chủ động mở thêm một số điểm tiếp nhận ở chung cư, khu nhà trọ, khu phố trên địa bàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay các điểm tiếp nhận này đang tạm ngừng hoạt động.

Đặc biệt, một số lượng lớn đồ cũng đã được gửi đến để chia sẻ với người dân ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước. "Thật sự chưa bao giờ làm đến mức độ như vậy. Nhiều học sinh, sinh viên cũng gom đồ rồi ủng hộ chương trình. Cũng vui lắm. Làm riết thì thấy rất vui. Sau này, chúng tôi cũng hạn chế nhận đồ cũ mà chủ yếu nhận các đồ mới để việc trao tặng, chia sẻ càng thuận tiện, ý nghĩa hơn", Chủ tịch Hội LHPN phường 16 (quận 8) chia sẻ.

Chị Thanh Ngọc cho biết, với những người công nhân như chị, do đồng lương hạn hẹp nên việc mua sắm quần áo, túi xách… là hết sức hạn chế. Do vậy, khi nhận được những bộ quần áo, túi xách, giày dép từ mô hình "Trao yêu thương", chị cảm thấy rất vui. "Hiện nay, cuộc sống của người lao động đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sau thời gian dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng. Rất mong trong thời gian tới, mô hình ý nghĩa này sẽ tiếp tục kết nối để chia sẻ nhiều hơn với người dân, công nhân", chị Ngọc chia sẻ.

Quần áo từ mô hình "Trao yêu thương" đến với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bệnh nhi tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM và trẻ em dân tộc thiểu số

Theo Hội LHPN phường 16, qua 5 năm hoạt động, đã có trên 5.500 lượt tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ khoảng 20 tấn quần áo và các trang thiết bị, vật dụng các lọai; trên 5.000 lượt người dân đến nhận tại các điểm tiếp nhận của mô hình "Trao yêu thương". Riêng hội LHPN phường đã chia sẻ trên 12 tấn quần áo, 100 tấm nệm, đồ dùng các loại cho các đoàn từ thiện, hỗ trợ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều tỉnh, thành như Bình Phước, Đắk Lắk, Long An…  Lượng đồ lưu kho mỗi ngày trên 1.000 sản phẩm các loại. Mô hình có sức lan tỏa tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, vừa qua, mô hình cũng đã gửi tặng 150 bộ quần áo cho trẻ có cha, mẹ mất do dịch Covid-19. Đồng thời, gửi tặng hàng trăm chiếc áo khoác cho cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa.

Với sự lan tỏa của mô hình, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Hội LHPN phường 16 cũng đã nhận được sự hỗ trên 10 tấn rau củ quả và hàng ngàn phần quà của người dân ở khắp các tỉnh, thành cho hội viên, phụ nữ và công nhân lao động trên địa bàn.

Việc thành lập mô hình "Trao yêu thương" thật sự nhân văn, ý nghĩa, thể hiện tinh thần "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam. Thông qua hoạt động của mô hình còn góp phần tạo nên hình ảnh hoạt động thiết thực của tổ chức Hội, thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ đến với Hội ngày càng nhiều hơn.

"Trao yêu thương" là một mô hình hay, lan tỏa. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mô hình không chỉ dừng lại ở phường 16 (quận 8) mà đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, mô hình không chỉ tiếp nhận quần áo mà còn nhiều đồ dùng khác nhau để chuyển đến cho người dân tại nhiều tỉnh/thành, chia sẻ với bà con khó khăn. Vừa qua, những bộ áo dài cũng được gửi đến cán bộ Hội ở các tỉnh như Long An, Tây Ninh...

Đây là mô hình gắn với an sinh xã hội, thiết thực chăm lo cho phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, đây cũng là cách chia sẻ để thu hút, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức Hội. Mô hình được vận hành tốt, phát huy hiệu quả nên các tổ chức, cá nhân tin tưởng ủng hộ, đóng góp ngày càng nhiều.

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Trưởng Ban Công tác phía Nam, TƯ Hội LHPN Việt Nam

Thanh Lam

Xuất bản: 05/06/2022