“Làng nghề” trồng rau gia vị ven sông Nhuệ

24/01/2022 14:10
Ông Tuyến đang tưới rau bằng máy bơm ô-doa

Ông Tuyến đang tưới rau bằng máy bơm ô-doa

Hiếm có nơi nào trồng trọt mà chỉ có trồng rau gia vị như ở Tân Minh (huyện Thường Tín, Hà Nội). Thậm chí, người dân nơi đây có nghề trồng rau gia vị đã hàng trăm năm, chính từ rau gia vị đã giúp họ làm giàu và trở nên nổi tiếng khắp xa gần.

Nghề có từ xa xưa

Không như các làng thuần nông khác thường trồng lúa hoặc trồng hoa màu như bầu bí, su hào, cải bắp, cà rốt, củ cải... Tân Minh từ xa xưa đã trồng rau gia vị, thứ rau mà trên bàn ăn có thể có hoặc không, mà có thì lượng cũng ít. Tuy nguồn cầu không phải lớn nhưng bao đời nay, người dân Tân Minh vẫn duy trì được nghề trồng rau gia vị, trồng lúa hoặc các loại hoa màu khác chỉ là thứ yếu.

Ông Trần Quang Tuyến, 70 tuổi, một cán bộ nghỉ hưu cho biết: Không rõ nghề trồng rau gia vị có từ bao giờ. Trước kia, vùng này chủ yếu trồng húng quê và bạc hà để lấy tinh dầu, rồi vào khoảng đầu thế kỷ XX, chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp đóng cơ sở trên đất Tân Minh, người Pháp rất thích ăn rau gia vị, ăn salad theo các món ăn của người phương Tây. Họ còn mang một số giống rau xứ lạnh sang trồng. Nguồn cầu có, từ đó mà người dân Tân Minh càng tập trung trồng rau gia vị đa dạng hơn để phục vụ thị trường. Các loại rau gia vị nói chung, người Pháp gọi là rau lagim nên đất Tân Minh còn được gọi là đất lagim. Hiện nay thì tía tô, kinh giới, húng quế, rau răm, rau mùi, bạc hà... là các loại phổ biến nhất.

Trải qua hàng trăm năm, có cả những thời kỳ đất nước thiếu lương thực nhưng người dân Tân Minh vẫn cố gắng duy trì được nghề trồng rau gia vị. Còn đến nay, cả 5 thôn của Tân Minh là Thọ Giáo, La Uyên, Phú Lương, Triều Đông, Phúc Trại đều có diện tích trồng rau gia vị chiếm quá nửa đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lớn nhất là thôn Thọ Giáo.

“Làng nghề” trồng rau gia vị ven sông Nhuệ - Ảnh 1.

Hệ thống tưới giàn mưa bằng nước giếng khoan ở Tân Minh

Hiện đại hóa trên cánh đồng

Nhận thấy trồng rau gia vị sẽ là một mũi nhọn kinh tế của địa phương nên từ năm 2008, xã Tân Minh đã tiến hành dồn điền đổi thửa, canh tác trên cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, diện tích đất trồng rau gia vị của Tân Minh là khoảng hơn 200ha, đồng thời sản xuất theo hướng VietGap. Thậm chí, năm 2010, giống húng Láng trứ danh của Hà Nội mang về Tân Minh trồng nhân rộng đã cho vị húng hệt như húng của làng Láng xưa.

Tuy nằm ngay cạnh con sông Nhuệ hiền hòa nhưng từ nhiều năm nay nước sông Nhuệ ô nhiễm do nước thải công nghiệp, người nông dân Tân Minh đã tự đào giếng khơi để lấy nước tưới. Ngoài ra, họ còn áp dụng tưới giàn mưa để tiết kiệm nước và cho nước bay đỡ chất độc hại.

Về việc trừ sâu, ông Tuyến cho chúng tôi xem các loại bẫy bả sinh học để dụ bắt côn trùng, sâu hại như bẫy bả chua ngọt, bẫy sắc màu... còn thuốc phun sử dụng dung dịch nghiền từ tỏi, ớt, đảm bảo an toàn bởi vì đây là rau ăn trực tiếp chứ không qua nấu chín.

Còn việc làm đất, ông Nguyễn Văn Tài (thôn Phúc Trại) thì cho biết, giờ thì hầu hết nhà nào cũng sắm máy làm đất bằng tay, vừa đi vừa dũi là được không cần hì hục cuốc đất, mất sức như ngày xưa. Nhiều nhà còn mang bóng điện ra thắp ban đêm để kích thích sinh trưởng của rau. "Giờ canh tác hiện đại lắm chứ không thủ công, trông trời trông đất như ngày xưa", ông Tài nói.

“Làng nghề” trồng rau gia vị ven sông Nhuệ - Ảnh 2.

Rau kinh giới xanh tốt

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX Tân Minh thì từ năm 2017 tới nay, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu, áp dụng các kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp. Trong đó, áp dụng mô hình IPM, PGS... đưa rau gia vị Tân Minh khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ông Thắng cho biết thêm: Toàn xã có khoảng 30 xe ô tô bán tải chuyên thu mua rau gia vị ngay đầu cầu Là và hằng trăm tiểu thương đi bán lẻ. Cô Lê Thị Thanh (thôn Phúc Trại), cho biết: Nhà tôi trồng có 3 sào, chủ yếu mình tôi làm nên ở ngoài đồng suốt ngày, tôi cũng không giỏi đi chợ nên thường bán buôn ngay tại đồng. Thu nhập bình quân cũng được khoảng 60 triệu đồng một năm, cao hơn trồng lúa khá nhiều nên ở đây họ chỉ trồng lúa với diện tích rất ít.

Giàu từ rau nhưng lao đao vì dịch

Không thể phủ nhận rằng trồng rau gia vị đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân Tân Minh. Theo ông Tuyến thì nhà nào trồng 6, 7 sào rau gia vị, lại tự đi chợ bán lẻ nữa thì rất nhanh giàu, nhà ba bốn tầng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cũng rất vất vả vì cứ sáng sớm đi chợ, chiều về lại ra đồng đến tối muộn, dù sao đó cũng là sự cần cù chăm chỉ của người dân.

Nhưng đó là câu chuyện của những ngày trước dịch bệnh Covid-19, bởi lẽ từ khi có dịch các nhà hàng quán ăn đóng cửa, nhu cầu dùng rau gia vị giảm hẳn không như rau ăn hằng ngày. Vì thế mà người trồng rau gia vị Tân Minh cũng chao đảo, thậm chí nhiều nhà trồng rồi nhổ vứt đi. Ông Tuyến còn bảo mình may vì còn có lương hưu chứ nhiều hộ khác chỉ trông vào rau gia vị thì khá khó khăn.

Cụ Nguyễn Thị Ngọc (73 tuổi, thôn Thọ Giáo) cho biết: Trồng rau gia vị được cái nhẹ nhàng hơn trồng su hào, cải bắp hay bất cứ hoa màu nào khác, đến người già như tôi cũng làm được. Trước đây, mình tôi làm sào rau là đủ ăn. Từ lúc xuất hiện dịch Covid-19, giá rau rớt thê thảm, cả luống mùi đầu tư hết 900 nghìn đồng, từ giống, công làm đất, chăm sóc... mà bán chỉ mong gỡ được vốn. Theo người dân nơi đây, rau gia vị không ăn cố như rau ăn nấu canh được, trồng thừa ra chỉ có bỏ đi. Bởi không bán được cứ để mãi thì hại đất.

    Ý kiến của bạn
    (*) Nội dung bắt buộc cần có

    Nhập thông tin của bạn

    Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

    Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

    Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.