Lắng nghe và đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19

1 tháng qua, Phạm Thị Huê (bìa trái) đã tham gia Mạng  lưới "Thầy thuốc đồng hành" và tư vẫn, hỗ trợ hàng nghìn bệnh nhân Covid-19

1 tháng qua, Phạm Thị Huê (bìa trái) đã tham gia Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" và tư vẫn, hỗ trợ hàng nghìn bệnh nhân Covid-19

Trung bình mỗi ngày một người nghe tới 20 cuộc điện thoại, có những cuộc gọi kéo dài hàng chục phút vì bệnh nhân có chuyện muốn tâm sự cho đỡ buồn nhưng các tình nguyện viên thuộc Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” vẫn luôn lắng nghe và đồng hành cùng người bệnh trong thời gian qua.

Phạm Thị Huê (sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội), tình nguyện viên (TNV) của Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" cho biết: "Là người học trong khối ngành Y, tôi luôn sẵn sàng khi "Tổ quốc gọi tên mình". Do điều kiện không thể trực tiếp tham gia chống dịch nơi tuyến đầu, nên tôi đã đăng kí làm TNV Mạng lưới với mong muốn góp một phần nhỏ sức mình để cùng các y, bác sĩ chiến đấu với dịch Covid-19". Với Huê, một tháng tham gia Mạng lưới là trải nghiệm với nhiều cảm xúc đáng nhớ của tuổi trẻ.

"Công việc hàng ngày của tôi là thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xử lý các ca cần cấp cứu, cần bình oxy hay nhu yếu phẩm khác và động viên tinh thần bệnh nhân", Huê chia sẻ.

Những TNV như Huê sẽ phải theo dõi các bệnh nhân ở mức nguy cơ 0 và 1, tức các ca bệnh mắc Covid-19 nhẹ, không và có ít triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ; đồng hành cùng bệnh nhân đến khi hết triệu chứng và được ra viện hoặc chuyển đến khu cách ly, về nhà trong vòng 10 ngày.

Lắng nghe và đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 1.

Mỗi ngày Phạm Thị Huê dành 5-6 giờ để gọi điện hỏi thăm bệnh nhân và trao đổi với các bác sĩ

Sau một tháng, Huê đã thực hiện thành công 320 cuộc gọi. Nói về những cuộc gọi ấn tượng trong thời gian dài đồng hành cùng bệnh nhân, Huê cho biết khó có thể chọn ra một cuộc gọi nào ấn tượng nhất bởi "mỗi cuộc điện thoại là một câu chuyện về chăm sóc sức khỏe, đến chia sẻ về cuộc sống, là sự đồng hành, là niềm hi vọng của bệnh nhân", Huê bày tỏ.

Trong mỗi cuối cuộc gọi, Huê đều hỏi các bệnh nhân liệu có cảm thấy phiền không khi ngày nào cũng "bị gọi" hỏi thăm. "Rất mừng là sau khi tôi hỏi vậy, các bệnh nhân đều vui vẻ. Hôm qua, có bác gái sống một mình ở nhà còn hỏi ngược lại tôi rằng, "cháu có phiền không nếu bác tán ngẫu với cháu cho đỡ buồn"", Huê cho biết.

"Bệnh nhân trên thuộc nguy cơ 1, nên tôi gọi cho bác 2 lần/ngày, mỗi lần gọi, hai bác cháu nói chuyện như những người thân hỏi thăm nhau vậy. Có lần gọi kéo dài đến 20 phút, tôi không chỉ hỏi thăm sử dụng thuốc men, ho hay mất vị giác nữa không, mà còn trao đổi cả chuyện Sài Gòn đã giảm ca nhiễm, hay hôm nay bác được phát đồ cứu trợ gì và nhiều chuyện khác nữa", Huê tâm sự.

Lắng nghe và đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 2.

Huê luôn ghi lại tình trạng của mỗi bệnh nhân để tư vấn và hỗ trợ họ kịp thời

Những cuộc gọi của các TNV không chỉ là sự hỏi thăm, sự quan tâm mà nó còn là những chia sẻ, những tâm tư giữa hai người xa lạ ở hai đầu dây. Tuy nhiên, những hỗ trợ kịp thời cho từng hoàn cảnh nên dù rất xa về khoảng cách nhưng họ lại gần nhau về mặt tình cảm.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc, nhiều F0 vẫn chưa kết nối được với điểm tựa y tế. Hơn bao giờ hết, những đóng góp từ xa, tư vấn qua điện thoại của Huê và các TNV Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã phần nào giúp người bệnh vơi bớt âu lo, sử dụng thuốc đúng liệu trình và chăm sóc sức khỏe đúng cách để chiến đấu với Covid-19.

Mạng lưới "Thầy Thuốc đồng hành" được thành lập và điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 với nguồn lực huy động từ xã hội. Mạng lưới chính thức hoạt động từ ngày 1/8/2021, lấy dữ liệu trực tiếp từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành và các Hotline trên toàn quốc.

Các bác sĩ, TNV của Mạng lưới chủ động gọi điện tới các bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho y tế các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16; giúp đỡ bệnh nhân cần hỗ trợ khẩn cấp, chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải), bệnh nhân được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà..

Bệnh nhân và người dân cần hỗ trợ các vẫn đề về Covid-19 có thể gọi số 1022, bấm phím 4 (tại TPHCM); 024 1022, bấm phím 3 (tại Hà Nội) để được y, bác sĩ trong Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hỗ trợ và tư vấn theo ca bệnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn