Lào Cai: Phụ nữ huyện Si Ma Cai đưa cây dược liệu phủ kín bản cao

18/10/2022 14:43
Cây đương quy bán tại vườn với giá 28 - 35.000 đồng/1kg tùy loại. Việc đưa cây dược liệu lên núi đã giúp chị em phụ nữ nơi đây có thêm công ăn việc làm.

Cây đương quy bán tại vườn với giá 28 - 35.000 đồng/1kg tùy loại. Việc đưa cây dược liệu lên núi đã giúp chị em phụ nữ nơi đây có thêm công ăn việc làm.

Mấy năm gần đây, bà con các xã vùng cao của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, có thêm một nguồn thu nhập lớn là trồng cây dược liệu. Ngoài việc trồng ngô, lúa nương, phụ nữ người Mông nơi đây còn trồng tam thất và cây đương quy.

Thời điểm này, gió lạnh đã tràn về các xã vùng cao của huyện Si Ma Cai. Như mọi năm bà con người Mông ở các xã Lủng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn... đã nghỉ tay cày, tay cuốc vì hết vụ ngô.

Niên vụ năm nay, chị em phụ nữ vẫn còn đeo "lu cở" lên nương để thu hoạch dược liệu. Trên khắp các vạt đồi, chị em phụ nữ tập trung thu hoạch cây đương quy. Giá đương quy luôn ổn định đã tạo thêm nguồn thu nhập không nhỏ cho mỗi gia đình người Mông nơi đây.

Đưa cây dược liệu phủ kín bản cao  - Ảnh 1.

Phụ nữ người Mông ở xã Quan Hồ Thẩn thu hoạch cây đương quy. Trồng cây dược liệu đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho mỗi gia đình.

Chị Vũ Thị Nhung ở thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, là một trong những hộ đầu tiên đưa cây dược liệu về trồng. Ngoài diện tích tam thất, chị tự nhân giống trồng còn thí điểm trồng cây đương quy. Diện tích trồng lên tới cả ha. "Mản Thần nằm trên độ cao 1.600m so với mặt nước biển, nên cây đương quy phát triển tốt. Mỗi sào đương quy cho thu nhập cả chục triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng ngô", chị Nhung chia sẻ.

Không riêng gì chị Nhung, nhiều phụ nữ người Mông ở xã Quan Hồ Thẩn cũng trồng cây đương quy trên nương. Cả trăm hộ gia đình người Mông có thêm một khoản thu nhập không nhỏ. Sản lượng đương quy trồng ra được Công ty TNHH một thành viên Hoa Ban Lào Cai thu mua, với giá từ 26 đến 28.000 đồng/kg đã khích lệ các hộ dân nhiệt tình đăng ký tham gia sản xuất.

Đưa cây dược liệu phủ kín bản cao  - Ảnh 3.

Tổng diện tích đương quy được trồng trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã lên đến cả trăm ha. Trong đó Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho nhân dân 2 xã Lùng Thẩn, Sín Chéng thực hiện 10 ha đương quy (Nhật) và hệ thống máy sấy dược liệu. Diện tích còn lại do UBND huyện Si Ma Cai hỗ trợ và nhân dân tự thực hiện đầu tư trồng trên địa bàn các xã Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn.

Theo bà Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Si Ma Cai, phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế" với mô hình "Hai phụ nữ giúp đỡ một phụ nữ" được các cơ sở hội trên địa bàn triển khai và duy trì thực hiện hằng năm, giúp nhiều hội viên, phụ nữ vươn lên làm chủ các mô hình sản xuất.

Đưa cây dược liệu phủ kín bản cao  - Ảnh 4.

Các xã vùng cao của huyện Si Ma Cai có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây đương quy. Hiện nay, Hội LHPN huyện Si Ma Cai cũng đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển, nhân rộng cây dược liệu trên địa bàn.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, việc hỗ trợ hội viên phụ nữ vùng cao có việc làm, tăng thu nhập là nhiệm vụ rất quan trọng, được các cấp Hội của huyện triển khai với nhiều giải pháp. Tiêu biểu như Hội LHPN tỉnh triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế". "Đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì cả trăm "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế", tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi lợn nái luân chuyển, lợn thịt, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, đặc biệt là phát triển trồng cây dược liệu", bà Hoa cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn