Lao động nữ nhọc nhằn bám vỉa hè mưu sinh

Trường Lê
06/10/2023 - 21:39
Lao động nữ nhọc nhằn bám vỉa hè mưu sinh

Chị Kiều đang pha cà phê cho khách

"May mắn, lần mang thai thứ 4 là con trai nên mình mới được dừng, nếu là con gái chồng, nhà chồng bắt phải đẻ tiếp khi nào có thằng cu nối dõi tông đường mới thôi", chị Hằng tâm sự.
Cô giáo mầm non chuyển sang bán xôi

Chọn góc vỉa hè ở tòa chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, để bày thúng xôi và ít quà vặt buổi sáng cho học sinh và người đi làm, chị Nguyễn Thị Thắm (31 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên), cho biết, chị học trung cấp sư phạm, ra trường về quê, được phân về dạy một trường mầm non ở gần nhà.

"Cứ nghĩ, cuộc sống cứ yên bình trôi nơi quê nhà với công việc yêu thích là cô giáo mầm non, ngày 2 buổi bên các cháu nhỏ vậy là đúng với ước nguyện. Nhưng cuộc sống lại rẽ sang một lối khác không ngờ tới", chị Thắm cho biết.

Theo lời chị Thắm, chị lấy chồng là người cùng làng, lần lượt 2 đứa con chào đời, bao nhiêu thứ phải lo khi 2 vợ chồng ra riêng, là chủ gia đình nhỏ. Lương giáo viên mầm non thì thấp, áp lực lại lớn luôn đè nặng lên vai cô giáo. Trước khó khăn của cuộc sống, hai vợ chồng bàn tính với nhau, xoay xở chuyển nghề và sang Hà Nội bán xôi sáng được hai vợ chồng thống nhất. 

Nhọc nhằn bám vỉa hè mưu sinh của những lao động nữ - Ảnh 1.

"Hằng ngày, vượt quãng đường hơn 50km cả đi lẫn về nhưng vì gia đình, con cái nên mình gắng vượt qua", chị Thắm tâm sự

Hằng ngày, hơn 5 giờ sáng, chị đã lục tục rời nhà chạy xe hơn 27 cây số sang nội thành Hà Nội để kịp bán xôi buổi sáng cho các cháu học sinh. Ban đầu, hai vợ chồng mỗi người một thúng xôi, chia nhau ra 2 nơi để bán nhưng giờ cũng quen nên một mình chị bán để chồng ở nhà với công việc chăm sóc vườn hoa. "Em bán từ 6 giờ sáng đến tầm hơn 10 giờ trưa là hàng cũng gần hết, trung bình một ngày cũng được hơn 300 ngàn đồng phụ cùng chồng nuôi 2 con ăn học", chị Thắm tâm sự.

Ngồi cách đó một đoạn, chị Trần Thị Hằng (42 tuổi, quê Lào Cai) với xe bánh mỳ làm công cụ mưu sinh. Chị Hằng kể, chị tốt nghiệp chuyên ngành kế toán ở một trường cao đẳng. Về quê làm chuyên viên của phòng văn hóa huyện, bạn bè đều chúc mừng, bố mẹ cũng mừng cho con gái có công việc ổn định, nhàn thân không phải đầu tắt mặt tối như mình.

"Do thời buổi kinh tế khó khăn, giảm bên chế nên chân chuyên viên ở phòng văn hóa của tôi cũng không còn. Vì có nghiệp vụ kế toán nên thỉnh thoảng, bên cơ quan cũ gọi về làm thu chi, quyết toán cho một ngôi chùa trên địa bàn huyện mà phòng văn hóa quản lý", chị Hằng tâm sự.

Cũng theo lời chị Hằng, chị lấy chồng là người cùng quê nhưng chồng làm việc tận Quảng Ninh, vì mưu sinh nên chị phải gửi 4 đứa con ở nhà bà ngoại để xuống Hà Nội mưu sinh.

Khởi nghiệp với xe "cà phê mang đi"

Đang tỉ mẩn xếp lại những chiếc cốc, dụng cụ pha chế, chị Đinh Thị Kiều (30 tuổi, quê Anh Sơn, Nghệ An) trải lòng: "Em ở quê ra Hà Nội làm việc cũng được hơn 10 năm rồi. Trước đây, em làm pha chế cho một quán cà phê nhưng do kinh tế khó khăn, khách ít nên công việc kinh doanh của quán phải dừng. Nhận thấy nhu cầu của khách cũng như xu hướng hiện nay là bán đồ uống mang đi, sẵn có tay nghề nên em bàn với chồng ra vỉa hè bán cà phê".

Nhọc nhằn bám vỉa hè mưu sinh của những lao động nữ - Ảnh 2.

Bảng niêm yết giá cà phê mang đi của chị Kiều

Theo lời chị Kiều, chị chọn loại hình kinh doanh này vì theo nhu cầu cũng như xu thế của người tiêu dùng hiện nay. Vốn ban đầu để khởi nghiệp với xe cà phê mang đi cũng không nhiều. Đóng cái xe với chuẩn bị đồ nghề như dụng cụ pha chế, nguyên liệu cà phê, cốc nhựa, túi bóng... hết gần 2 triệu đồng. 

"Với công việc vất vả là bám đường để mưu sinh từ sáng sớm cho đến trưa, đòi hỏi người bán phải có sức khỏe. Bởi xe cộ qua lại liên tục, mình ngồi ngoài đường mấy tiếng đồng hồ tiếp xúc với khói bụi, nắng gió cực lắm nhưng vì cuộc sống khó khăn nên mình phải cố gắng", chị Kiều tâm sự.

Theo chị Kiều, hiện nay, có nhiều người bán cà phê mang đi, có người còn đi bán cà phê dạo nhưng "trăm người bán, vạn người mua". Mình bán với giá hợp lý, cà phê chất lượng và chỉ dao động từ 15-20.000 đồng/ly cà phê nên cũng vừa túi tiền của người lao động trong thời buổi khó khăn này.

"Em chọn công việc này vì mình chủ động được, có thời gian cho gia đình. Chủ yếu bán vào buổi sáng từ 6 giờ đến tầm hơn 10 giờ là nghỉ. Bình quân cũng được 250.000 đồng/ngày, hôm nào may mắn đông khách thì thu nhập nhỉnh hơn", chị Kiều cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm