Lễ Hằng thuận: Nguồn cảm hứng "sống đạo" sâu lắng giữa đời thường

21/07/2022 17:01

Theo tên gọi, "hằng" là thường xuyên, là luôn luôn, còn "thuận" là hòa thuận, là đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống.

Xuất xứ Lễ Hằng thuận

"Hằng thuận" có nghĩa là đôi vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính nhường nhịn lẫn nhau, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm bổn phận của người vợ người chồng trong đời sống gia đình, đối với ông bà cha mẹ và con cái; vừa hướng đến con đường tu tập giác ngộ giải thoát, trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát Chánh Đạo…

Lễ Hằng thuận chính là lễ cưới tại chùa được tổ chức theo nghi thức Phật Giáo và truyền thống văn hóa dân tộc. Chương trình lễ gồm có hai phần chính, lễ cầu an chúc phúc và lễ hằng thuận. Qua đó Hòa Thượng Trụ trì thay mặt chư Tăng cầu nguyện và chúc phúc, trao nhẫn cưới, cũng như có những lời đạo lý nhắn gởi giúp cho đôi uyên ương có được cuộc sống vợ chồng hạnh phúc.

Ý nghĩa cao đẹp của Lễ Hằng thuận - Ảnh 1.

Cô dâu chú rể làm lễ tại Lễ Hằng thuận tại chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam).

Theo một số nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương. Cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật vốn là một nhà Nho, sau quy y theo Phật. Với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, cụ Thuật nghĩ, việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.

Năm 1930, bác sĩ phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là Lễ Hằng thuận.

Luồng sinh khí tươi sáng, lành mạnh và thánh thiện

Như chúng ta đã biết, Lễ Hằng thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức Lễ Hằng thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát.

Khi hôn sự được tổ chức theo nghi thức Lễ Hằng thuận tại chùa, trước sự chứng minh của chư Tăng, cô dâu chú rể được nghe chư Tăng giáo hóa. Từ những kiến thức lĩnh hội được, ứng dụng một cách nghiêm túc những lời Phật dạy vào đời sống gia đình sẽ mang lại lợi ích thiết thực và lớn lao trong đời sống vợ chồng sau này cho các cặp đôi.

Trên thực tế, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, đời sống vợ chồng, tình cảm gia đình đang có những dấu hiệu lung lay, mai một. Bằng chứng là ngày càng gia tăng tỉ lệ các vụ ly hôn, ly thân, ngoại tình, hôn nhân không hạnh phúc. Sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp, đó là do sự thiếu hiểu biết về nhau, chưa thật sự cảm thông cho nhau, nhiều điểm vênh và xung đột vợ chồng, không tìm thấy tiếng nói chung.

Ý nghĩa cao đẹp của Lễ Hằng thuận - Ảnh 3.

Một Lễ Hằng thuận được tổ chức tại chùa Thiên Tôn, TPHCM.

Mục đích chính của Lễ Hằng thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết, đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau, cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống.

5 bổn phận đối với vợ của người chồng

1. Phải biết tôn trọng vợ.

2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ.

3. Phải chung thủy, trung thành với vợ.

4. Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý.

5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện.

5 bổn phận đối với người chồng của vợ

1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.

2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng.

3. Phải luôn chung thủy với chồng.

4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà.

5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.

Một trong những lợi ích thiết thực mà Lễ Hằng thuận đã mang đến cho những đôi vợ chồng trong ngày cưới, phải kể đến lời phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tu hành thập thiện của đôi vợ chồng trước ngôi Tam Bảo. Việc này nhằm xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc bền vững, được xem là dấu ấn sinh động, vô cùng ý nghĩa trong ngày lễ cưới.

Những lời phát nguyện này không chỉ tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của họ trong những ngày chung sống bên nhau, mà còn ảnh hưởng tích cực đến những người thân. Đây là lợi ích thiết thực, vô cùng tốt đẹp cho đời sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình của phật tử, mang lại nguồn cảm hứng "sống đạo" sâu lắng giữa đời thường cho các đôi vợ chồng.

Ý nghĩa cao đẹp của Lễ Hằng thuận - Ảnh 5.

Lễ Hằng thuận tại chùa. Ảnh minh hoạ

Trên tinh thần nhập thế, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống, việc hướng dẫn gia đình phật tử tổ chức lễ hằng thuận tại các chùa chiền tự viện, nhằm mang lại hạnh phúc bền vững, định hướng cho gia đình phật tử một cuộc sống "tốt đời đẹp đạo" cũng như thuận lợi hơn trong việc tiến tu trên con đường Phật pháp. Tổ chức Lễ Hằng thuận là một việc làm thiết thực, ý nghĩa. Đây cũng là một trong những phật sự vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác hoằng pháp, nhất là đối với các vị trụ trì vốn có duyên gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với phật tử…

Có thế nói, Lễ Hằng thuận không chỉ mang lại cho đôi vợ chồng trong ngày cưới mà cho tất cả những ai tham dự lễ Hằng Thuận một luồng sinh khí tươi sáng, lành mạnh và thánh thiện.

Thượng tọa Thích Huệ Thông (Trưởng Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Bình Dương): Hoằng pháp của Phật giáo nói chung và Ban Hướng dẫn Phật tử nói riêng rất cần quan tâm và có trách nhiệm trước vấn đề hôn nhân và hạnh phúc gia đình của Phật tử. Điều này sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội và góp phần tạo nên một môi trường trong sáng lành mạnh, dạt dào tình yêu thương tôn trọng hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân. Qua đó, những người phật tử tại gia có thể thuận lợi hơn trong việc tu tập cũng như đóng góp công sức của mình cho đạo pháp và dân tộc…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn