Lễ hội đền Cửa Ông tưng bừng trên đất mỏ

An Nhi
16/02/2023 - 11:27
Lễ hội đền Cửa Ông tưng bừng trên đất mỏ

Lễ rước kiệu Đức Ông vi hành quanh phường Cửa Ông. Ảnh: Phạm Minh

"Tôi tham gia đội tế nữ của phường đến nay đã hơn chục năm rồi. Mặc dù lễ hội diễn ra thường niên nhưng chưa năm nào chị em chúng tôi hết xúc động và bồi hồi khi thực hiện những nghi lễ truyền thống linh thiêng. Thật sự rất tự hào!", bà Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng đội Tế nữ phường Cửa Ông, xúc động.

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông

Địa danh lịch sử đặc sắc

Với địa thế "Tọa sơn hướng hải", đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng gia thất nhà Trần và nhiều tướng lĩnh nổi danh trong sử sách.

Lễ hội đền Cửa Ông tưng bừng trên đất mỏ - Ảnh 2.

Tượng Đức Ông Trần Quốc Tảng trong khuôn viên đền Cửa Ông

Trong lịch sử, Cẩm Phả là vùng cửa ngõ hiểm yếu, các đoàn thuyền binh xâm lược từ phương bắc vào sông Bạch Đằng đều phải đi qua vùng biển Bái Tử Long - Hạ Long. Con đường bộ đi qua khu vực Cửa Suốt xưa (tức phần đất liền thuộc Châu Cẩm Phả) được ví như cái yết hầu, nối miền Đông với miền Tây của tỉnh. Bởi vậy, các cuộc chinh phạt, các cuộc điều binh của các triều đại phong kiến đều đi qua Cửa Suốt. Trong đó, chiến công đánh đuổi giặc của tướng quân Hoàng Cần và sứ mệnh trấn ải vùng Đông Bắc của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 đã trở thành huyền thoại, người dân nơi đây lập đền thờ để tưởng nhớ công lao giữ nước của các vị anh hùng dân tộc.

Có lịch sử hình thành hơn 700 năm, từ một thảo am nhỏ được dựng bên bờ bến cảng Cửa Suốt, hiện nay đền Cửa Ông được tôn tạo, tu bổ khang trang thành một quần thể các công trình tín ngưỡng đa dạng gồm đền Thượng thờ Chủ thần đền Trần Quốc Tảng, đền Trung thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần, đền Hạ thờ đạo Mẫu và Trung Thiên Long mẫu cùng lăng mộ và chùa thờ Phật trong khuôn viên đền.

Bảo tồn giá trị văn hóa Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Ảnh 2.

Toàn cảnh đền Cửa Ông. Ảnh: Sơn Tùng

Đền nằm trên một ngọn đồi cao thoai thoải, không gian xanh rợp những bóng cây cổ thụ, phía sau là một khu thung lũng cư dân sinh sống sầm uất, mặt nhìn ra vịnh Bái Tử Long hữu tình, đáp ứng tiêu chí phong thủy tả thanh long hữu bạch hổ. Bởi vậy người xưa khi đến đây ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quá đỗi hoa mỹ mà vẫn trang nghiêm, đã ca tụng bằng hai câu thơ:

"Nghìn trùng nước biếc buông tay áo

Bốn phía non xanh tạc họa đồ"

Đền Cửa Ông có lối kiến trúc cổ mang giá trị nghệ thuật cao. Theo ông Phạm Thành Trung, Trưởng Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, trong quá trình khôi phục lại đền Cửa Ông, Ban quản lý khu di tích cùng các chuyên gia lịch sử phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và lựa chọn các loại vật liệu xây dựng như: đá xanh, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài; các kỹ thuật xây dựng đều được trát chỉ theo lối cổ truyền. Cùng với đó, hệ thống các cột, kèo, con rường đều được chạm nổi lá cách điệu mềm mại, thếp vàng trang trí, bong kênh phượng bay rồng uốn tinh xảo. Hệ thống câu đối, hoành phi được sơn son thiếp vàng, chạm khắc bởi các nghệ nhân tay nghề cao để đảm bảo tính văn hóa và lịch sử của ngôi đền.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Cửa Ông

Với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn dành cho vị anh hùng dân tộc Trần Quuốc Tảng, ông được suy tôn là Đức Đệ Tam Phó Súy Đông Hải Đại Vương trong tín ngưỡng thờ mẫu, còn trong nghi thức hầu đồng người ta thường thỉnh ông là: Đức Ông Đệ Tam hay Đệ Tam Đức Thánh Ông Cửa Suốt Cửa Đông.

Hàng năm, đền Cửa Ông còn tổ chức Lễ hội Đền Cửa Ông - một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào ngày mùng 3/2 âm lịch. Lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, gợi nhắc chiến công đánh giặc giữ nước của thế hệ cha ông, đồng thời cũng là dịp để con cháu luôn ghi nhớ truyền thông vẻ vang của dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm xây dựng quê hương đẹp giàu.

Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, TP Cẩm Phả, cho biết: "Sau rất nhiều thăng trầm lịch sử, ảnh hưởng của chiến tranh, năm 1996, Lễ hội đền Cửa Ông chính thức được khôi phục lại. Lễ hội đền Cửa Ông có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ xin mở hội đền, lễ dâng hương xin rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành khu an ngự, lễ tế. Phần hội gồm các trò chơi dân gian được tổ chức như Hội thi đấu cờ người và cờ bỏi, Hội thi Tổ tôm điếm, Hội thi đua thuyền; Hội thi hát quan họ, Hội thi kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập niêu…".

Các nghi thức được đông đảo nhân dân trên địa bàn phường Cửa Ông hưởng ứng, không phân biệt độ tuổi từ già đến trẻ, ai nấy đều rất hãnh diện và trân trọng những nhiệm vụ được giao trong công tác phục vụ lễ hội.

Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong Lễ hội đền Cửa Ông. Ảnh: Phạm Minh

"Tôi tham gia đội tế nữ của phường đến nay đã hơn chục năm rồi. Mặc dù lễ hội diễn ra thường niên nhưng chưa năm nào chị em chúng tôi hết xúc động và bồi hồi khi thực hiện những nghi lễ truyền thống linh thiêng tại "cửa Mẫu". Thật sự rất tự hào!", bà Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng đội Tế nữ phường Cửa Ông, xúc động.

Em Nguyễn Huy Hoàng (hiện đang học tập tại Hà Nội) chia sẻ, từ khi còn là học sinh tiểu học, em và các bạn đều rất háo hức khi được tham gia đội múa sinh tiền, múa quạt trong nghi thức rước kiệu Đức Ông. Sau nhiều năm, khi đã trở thành cậu sinh viên học xa nhà nhưng cứ mỗi dịp xuân đến, em lại sắp xếp thời gian để về Cửa Ông dự lễ hội với tất cả niềm tự hào về truyền thống quê hương.

Lễ hội đền Cửa Ông của Quảng Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2016. Cuối năm 2017, đền Cửa Ông được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm