Lễ hội đình Trà Cổ độc đáo với tục thi “Ông Voi"

20/07/2023 16:59

Đình Trà Cổ là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tiêu biểu của TP Móng Cái (Quảng Ninh). Từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch hàng năm, tại đình diễn ra lễ hội truyền thống. Nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước và tục thi “Ông Voi” (lợn). Lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 1.

Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là hội thi “Ông Voi”.

Lễ hội đình Trà Cổ năm nay diễn ra vào ngày 18/7/3023, cũng là thời điểm cơn bão số 01 (Talim) chuẩn bị đổ vào tỉnh Quảng Ninh, hướng thẳng đén vùng đất Trà Cổ. Ngày chính hội 1/6 âm lịch, lễ rước Voi không được diễn ra do trời mưa ảnh hưởng của cơn bão nhưng người dân và du khách vẫn theo đám rước diễu hành dọc con đường Tràng Vĩ và đường bờ biển vừa được làm mới. Rất may cơn bão Talim đã đổi hướng di chuyển sang phía Trung Quốc và suy yếu chuyển thành áp thấp.

Người dân và du khách tham gia lễ hội thì vui vẻ và hài hước nói rằng: nhờ có Lễ hội năm nay mà cơn bão "không dám vào" Trà Cổ mà phải chuyển hướng khác.

Đình Trà Cổ, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được hình thành từ thời Hậu Lê. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn sừng sững, hiên ngang như một cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa Việt nơi biên ải.

Theo sử sách, đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Theo truyền thuyết, vào năm 1461, người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (thuộc Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (thuộc Trà Cổ, Móng Cái nay). Trong một lần bão tố, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi vất vả, sáu gia đình đã quay về quê cũ, sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng vùng quê mới. Ban đầu chỉ là sáu nếp nhà đơn sơ, dần đã trở thành xóm làng trù phú. Như nhiều làng quê khác, đình Trà Cổ ngày ấy được bà con góp công, góp của xây dựng. Sau đó, nhân dân địa phương đã về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình (Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch). Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.

Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi”. Nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 2.

Không khí ngày hội

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 3.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 4.

Hội thi "ông Voi"  là cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 "cai đám" nuôi và chăm sóc - đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa. Theo lệ xưa, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là "cai đám", để chuẩn bị nuôi lợn cho lễ hội năm sau.

"Cai đám" phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Những "cai đám" được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào. Vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc "cai đám" thì sẽ được lộc, mạnh khỏe, ăn nên làm ra.

Từ đầu năm, mỗi "cai đám" sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là "ông Voi", được coi như linh vật trong nhà và của làng. "Ông Voi" được chăm sóc chu đáo, ăn ngủ ở 1 chuồng riêng biệt, sạch sẽ, nóng có quạt mát, ngủ được mắc màn chống muỗi.

Chiều 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, "ông Voi" được các "cai đám" tắm rửa sạch sẽ và cho nằm trong những chiếc cũi sơn đỏ có mái rèm che. Sau đó, 12 "ông Voi" được các "cai đám" rước ra sân đình xếp thành hai hàng để chầu thần. Các "ông Voi" được xếp theo thứ tự, Trưởng "cai đám" đứng đầu bên phải, Phó "cai đám" đứng đầu bên trái. Mỗi bên 6 ông, xếp theo hàng dọc trước cửa đình để chầu thần.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 5.

Các "Ông Voi" được các gia đình cai đám chăm sóc đặc biệt.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 6.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 7.

Theo tục lệ, các "ông Voi" phải chầu thần tại đình một đêm. Các "cai đám" sẽ phải túc trực ở đình, cùng ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi. Mỗi người đàn ông chỉ được làm "cai đám" một lần trong đời, vì vậy mà ai được chọn cũng cảm thấy vinh dự và ý thức trọng trách của mình ngay từ đầu.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 8.

Sau lễ tế cáo yết thần, ban tổ chức lễ hội sẽ tiến hành chấm giải. "Ông Voi" nào có thân dài nhất, vòng cổ to, đẹp, nặng hơn cả sẽ giành giải Nhất. Ngay sau phần chấm giải, các "ông Voi" trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai Đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng "ông Voi" đoạt giải Nhất được giữ lại để mổ tế thần. Lễ trao thưởng cho cai đám có "ông Voi" giải cao nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 9.

Ban Tổ chức chấm thi các "Ông Voi".

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 10.

Đến Móng Cái tham dự Lễ hội đình Trà Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 11.


Đoàn diễu hành trong mưa

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn