Lễ hội Ganesh Chaturthi năm nay đã trở lại mạnh mẽ với các tượng thần Ganesha qui mô hơn và nhận thức về tác động của lễ hội đến môi trường cũng dần được nâng cao.

Lễ hội Ganesh Chaturthi đang dần thân thiện với môi trường

Sau một vài năm tổ chức kém sôi nổi, lễ hội Ganesh Chaturthi - một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của các tín đồ đạo Hindu ở Ấn Độ, đã trở lại mạnh mẽ với các tượng thần Ganesha qui mô hơn và nhận thức về tác động của lễ hội đến môi trường cũng dần được nâng cao.

Lễ hội quan trọng của đạo Hindu

Lễ hội Ganesha Chaturthi được tổ chức vào ngày thứ tư của tuần lễ Shukla Paksha trong tháng Bhadrapad theo lịch Hindu (khoảng từ tháng Tám đến tháng Chín) để kỷ niệm ngày sinh của vị thần đầu voi thân người Ganesha - biểu tượng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Lễ hội thường kéo dài khoảng 11 ngày liên tiếp và thu hút đông đảo người dân tham gia. Ganesha Chaturthi được tổ chức ở nhiều nơi như Mumbai, Maharashtra, Telangana, Goa, Madhya Pradesh và Karnataka và các vùng khác của Ấn Độ.

Lễ hội Ganesh Chaturthi đang dần thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Tượng thần voi Ganesha trong một đám rước vào ngày đầu tiên của lễ hội Ganesh Chaturthi ở Mumbai. Ảnh: AFP/Getty Images

Lễ hội Ganesh Chaturthi đang dần thân thiện với môi trường - Ảnh 2.

Biểu diễn nhạc trong lễ rước thần Ganesha ở Hyderabad, Telangana. Ảnh: Noah Seelam/AFP/Getty Images

Lễ hội Ganesh Chaturthi đang dần thân thiện với môi trường - Ảnh 2.

Những người sùng đạo đeo vòng hoa cho một tượng thần Genesha ở Amritsar, Punjab. Ảnh: Narinder Nanu/AFP/Getty Images

Theo truyền thống, các tượng thần voi Ganesha được đặt trên pandal – những sân khấu tạm thời do ủy ban khu phố xây dựng. Sau đó, tượng thần sẽ được đưa lên xe, rước qua thành phố và thả xuống sông ao, hồ hoặc biển - một nghi lễ tượng trưng cho vòng tuần hoàn của sự sống và cái chết. Chỉ riêng ở Mumbai đã có hàng trăm nghìn bức tượng được thả mỗi năm.

Ước tính có khoảng 30.000 người đã đổ xô đến các bãi biển và bờ sông của Mumbai trong tuần rồi để lễ bái các tượng thần voi Ganesha trong khuôn khổ lễ hội Ganesh Chaturthi kéo dài 10 ngày của Hindu giáo.

Sau hai năm đại dịch Covid-19, đám đông đến với lễ hội đã giảm bớt. Mặc dù các hạn chế tụ tập nơi công cộng đã được dỡ bỏ, nhiều tín đồ vẫn chọn tổ chức lễ tại nhà hoặc trong các hồ, ao nhân tạo. Sự thay đổi này cũng cho thấy nhận thức về tác động môi trường của lễ hội ngày càng được nâng cao.

Một tín đồ đạo Hindu đang cầu nguyện ở Mumbai (trái); một người sùng đạo mang tượng thần Ganesha về nhà thờ phượng ở Mumbai (phải). Ảnh: EPA và AP

Tượng thần được làm bằng đất sét, cỏ thay thế cho nguyên liệu từ nhựa gây hại tới môi trường

Lễ hội Ganesh Chaturthi dần trở nên thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Tượng thần Ganesha bằng đất sét thân thiện với môi trường, một sáng kiến của công ty My Green Ganesha. Ảnh: Catherine Davison/Guardian

Các nhà hoạt động môi trường từ lâu đã chỉ ra vấn đề ô nhiễm môi trường từ lễ hội Ganesh Chaturthi. Vì hầu hết các bức tượng được làm từ thạch cao không phân hủy sinh học, trong khi lớp sơn có chứa các chất độc hại như chì và thủy ngân, nên chúng gây ảnh hưởng đến môi trường khi được thả xuống nước.

Tập đoàn thành phố Brihanmumbai (BMC) thuộc hội đồng thành phố Mumbai đã giải quyết những quan ngại liên quan đến môi trường bằng cách tạo ra các hồ nhân tạo. Cho đến năm nay, hơn một phần ba trong số 155.000 tượng thần đã được thả xuống 162 ao trên toàn thành phố.

Vijay Vishnu Naikude, một người đàn ông 42 tuổi, thả tượng thần Ganesha của gia đình xuống hồ nhân tạo vào ngày thứ năm của lễ hội. Anh nói: "Chúng tôi từng thả tượng ở biển Versova hay Juhu. Nhưng sau đó chúng tôi nghĩ rằng nên làm điều gì đó khác biệt. Mẹ Trái đất đã ban tặng tất cả những điều này cho chúng ta, vì vậy chúng ta không nên làm hại bà ấy".

Lễ hội Ganesh Chaturthi đang dần thân thiện với môi trường - Ảnh 6.

Học sinh vây quanh tượng thần Ganesha được làm bằng cỏ khô và được bao bởi vải màu vàng - một giải pháp thay thế cho các nguyên liệu từ nhựa, ở Chennai, Tamil Nadu. Ảnh: Idrees Mohammed/EPA

Lễ hội Ganesh Chaturthi đang dần thân thiện với môi trường - Ảnh 7.

Một nghệ nhân bán tượng thần Ganesha bằng đất sét ở Kolkata, Tây Bengal. Ảnh: Dibyangshu Sarkar/AFP/Getty Images

Lễ hội Ganesh Chaturthi dần trở nên thân thiện với môi trường - Ảnh 2.

Gia đình Naikude thực hiện lễ puja hay còn gọi là cầu nguyện với thần tượng Ganesh. Ảnh: Catherine Davison/Guardian

Khu phố nơi Naikude sống cũng dựng sân khấu với tượng thần Ganesh cao 3 mét. "Chúng tôi là người đầu tiên thả tượng thần xuống hồ nhân tạo. Nhiều người khác cũng đã làm theo chúng tôi", anh nói.

Các tượng thần Ganesha của gia đình Naikude đều được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, kết hợp giữa khăn giấy và lá chuối. Ngoài ra, sân khấu thờ thần Ganesha được ghé thăm nhiều thứ ba ở Mumbai năm nay cũng được làm bằng đất sét và nặng 3,5 tấn. Các nhà tổ chức ước tính rằng bức tượng sẽ thu hút khoảng nửa triệu người hâm mộ trong 10 ngày.

Sanjay Wagh của My Green Ganesha, một công ty sản xuất tượng thần bằng đất sét, cho biết: "Mỗi năm chúng tôi đều thấy số lượng người người mua những tượng như thế này gia tăng. Mọi người ngày càng hiểu biết nhiều hơn về vấn đề nóng lên toàn cầu, về những thứ có thể tái chế".

Kim Ngọc (Theo Guardian)