Lễ Pang Phóong của người dân tộc Kháng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Lễ Pang Phóong (Tạ ơn) của người Kháng (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: VNA

Lễ Pang Phóong (Tạ ơn) của người Kháng (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: VNA

Lễ Pang Phóong (Tạ ơn) của người Kháng (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là lễ tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu bò nhanh lớn, công việc làm ăn thuận lợi, phát triển…

Người Kháng là dân tộc thiểu số cư trú ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng cư trú ở các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé...

Là dân tộc mang trong mình biết bao truyền thuyết, giai thoại huyền bí, việc nghiên cứu, tìm hiểu tộc người Kháng sẽ góp phần khơi mở thêm nét đẹp truyền thống dân tộc Kháng, qua đó bảo tồn và phát huy những giá trị Di sản văn hóa dân tộc.

Từ xa xưa đồng bào dân tộc Kháng dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo đã sáng tạo ra lễ hội Pang Phoóng (Pang dịch ra là lễ, Phoóng là tổ tiên). Lễ hội thường diễn ra 3 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Lễ hội Pang Phoóng chứa đựng nhiều lễ thức dân gian hết sức sinh động và có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc thiểu số khác. Hàng năm trước khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào Kháng tổ chức lễ hội để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.

Theo truyền thuyết, lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ một sự tích về câu chuyện tình dang dở giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Để tránh sự dò xét của dân làng, nàng vượn ra đi và dặn chồng sau mùa gặt làm cỗ tưởng nhớ nàng. Từ đó, lễ Pang Phoóng ra đời để tỏ lòng nhớ thương, biết ơn mẹ vượn.

Hàng năm, cứ đến mùa hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín, người Kháng dòng họ Lò Khul lại tổ chức lễ Pang Phoóng tại nhà trưởng họ.

Lễ Pang Phóong của người dân tộc Kháng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 2.

Lễ hội Pang Phoóng thường diễn ra 3 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm.

Ngày làm lễ Pang Phoóng thường được chọn vào ngày rằm (vào ngày rằm có trăng sáng, nhân dân sẽ vui chơi được lâu hơn). Thầy cúng (Pắp lể) - người chủ trì hành lễ phải là người trong dòng họ Lò, ngành Lò Khul và là người am hiểu về nguồn gốc, lịch sử dòng họ mình (thường là trưởng họ). Nghi lễ được tổ chức trong 02 ngày tại nhà trưởng họ hoặc một gia đình nào đó trong dòng họ Lò, ngành Lò Khul được các thành viên trong họ thống nhất lựa chọn để làm lễ.

Để tổ chức lễ Pang Phoóng, trưởng họ sắm lễ vật, nhờ thầy chọn ngày tốt để làm lễ và họp anh em họ hàng để thông báo ngày giờ làm lễ; phân công công việc cho mọi người.

Trước ngày lễ, trưởng họ cùng anh em lên rừng lấy cây sung rừng (với mong muốn tổ tiên phù hộ cho lúa ngô luôn xanh tốt giống như cây này), hoa mào gà (loài cây gắn bó với lúa nương, cây bảo vệ lúa nương), cây mía rừng, ống nứa… để trang trí gian thờ tổ tiên, nơi thờ cúng trong lễ Pang Phoóng.

Lễ vật là các nông sản của địa phương để dâng lên tổ tiên, thần linh, đặc biệt phải có rượu cần - một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Pang Phoóng do vợ của trưởng họ làm. Theo lý của người Kháng, trưởng họ phải chuẩn bị được ít nhất ba bình rượu cần: dành cho tổ tiên nhà nội, tổ tiên nhà ngoại và anh em trong họ; hai ống hút rượu cần làm bằng ống tre…

Lễ Pang Phóong của người dân tộc Kháng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 3.

Cùng với điệu xék pang, bà con còn tổ chức thêm một số trò chơi như ném còn, đẩy gậy, kéo co, hát dân ca, múa tầm đao, nhảy sạp, múa vòng tròn…

Lễ cúng chính bao gồm hai nghi thức: cúng lễ vật sống và cúng lễ vật chín. Vợ thầy cúng phụ giúp việc cúng lễ: gõ chũm chọe và nhảy múa trước bàn thờ. Tiếp đó thầy cúng lấy bẻng chẹp kha nhúng vào từng chum rượu trong gian thờ rồi vẩy ra ngoài sân với ý niệm mời ma nhà uống rượu, xong xuôi ông ghé miệng, vít cần rượu xuống uống một ngụm rượu nhỏ. Sau đó lần lượt chủ nhà, vợ chủ nhà, những người trong dòng họ cũng thực hiện như vậy để mời tổ tiên uống rượu.

Khi nghi thức cúng tổ tiên ở gian thờ đã xong, thầy cúng và trưởng họ chuẩn bị làm lễ cúng thần đất. Trong ngày làm lễ Pang Phoóng, người Kháng thường múa điệu "xék pang"- tạo nên những âm thanh lớn, có thể ảnh hưởng đến thần đất. Vì vậy phải dâng mâm lễ cúng cái áo của chủ lễ (chủ dòng họ hoặc chủ gia đình) cho thần đất nhận biết để trình báo và xin phép thần đất cho phép dòng họ và dân bản được múa điệu "xék pang".

Cùng với điệu xék pang, bà con còn tổ chức thêm một số trò chơi như ném còn, đẩy gậy, kéo co, hát dân ca, múa tầm đao, nhảy sạp, múa vòng tròn…

Lễ Pang Phoóng của người Kháng góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, các vị thần để gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc và củng cố sức mạnh cộng đồng; cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, dòng họ; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, bảo vệ và giúp đỡ nhau là truyền thống tốt đẹp của các dòng họ người Kháng.

Lễ Pang Phoóng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự gắn kết cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2742/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn