Lễ Phật Đản: Nét đẹp trong đời sống và tín ngưỡng dân gian

Ngày Phật đản được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi

Ngày Phật đản được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi

Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Giờ đây ngày lễ Phật Đản không chỉ là một trong những lễ lớn của Phật giáo mà đã trở thành ngày hội văn hóa, tâm linh của toàn thế giới.

Tháng tư âm lịch được coi là tháng của Phật giáo, với nghi lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Đây là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra ở thế kỷ thứ 7 trước công nguyên gắn với hình tượng của một nhân vật lịch sử. Đối với mỗi tín đồ phật tử, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, tôn vinh Đức Phật, ngày này còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người không ngừng nỗ lực tu tâm, hướng thiện noi theo lời dạy và cuộc đời của Đức Phật.

Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Lễ Phật Đản: Nét đẹp trong đời sống và tín ngưỡng dân gian - Ảnh 1.

Ngày Phật đản được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi

Cùng với sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, qua hàng nghìn năm, ngày lễ này đã gắn bó với đời sống nhân dân và tín ngưỡng dân gian. Dịp lễ này được tổ chức trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày 8/4 cho đến rằm tháng tư âm lịch, dân gian vẫn quen gọi là mùa Phật đản. Ngày lễ Phật Đản đã gắn kết với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian của dân tộc, mang màu sắc bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, hòa quyện với đời sống tâm linh của cộng đồng.

Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ, niềm đau.

Thời gian trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…

Lễ Phật Đản: Nét đẹp trong đời sống và tín ngưỡng dân gian - Ảnh 2.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt đại biểu chức sắc, nhà tu hành Thủ đô tiêu biểu nhân dịp Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng) và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Trong dịp này, các Phật tử không sát sinh. Mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật "sống tốt đời, đẹp đạo".

Lễ Phật Đản: Nét đẹp trong đời sống và tín ngưỡng dân gian - Ảnh 3.

Tắm Phật là một nghi lễ thiêng liêng trong ngày Phật đản

Ngày Phật đản và những việc nên làm

Thượng tọa Thích Chân Quang (Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang) chia sẻ:

Ngày Phật đản ta trở về với giác ngộ, trở về quỳ dưới chân Phật tìm lại điều thiện tột cùng trong ta. Chúng ta sẽ chấm dứt những tháng năm, những kiếp lang thang, vô định và về với mái chùa yêu thương, về với ánh sáng Phật Đà.

Ngày Phật đản là một ngày để im lặng. Vì có những điều vĩ đại quá, cao siêu quá mà ngôn ngữ không thể diễn tả được nên phải im lặng. Đó là lòng tôn kính Phật của ta là tuyệt đối nên lúc này lời nói là thừa. Ta im lặng để nghe tâm hồn, nghe con tim, nghe niềm tôn kính Phật của ta trùm hết cả thế giới này.

Ngày Phật đản là một ngày để tu. Chúng ta tất bật vì bao điều lo lắng trong cuộc sống; có thể chúng ta bị khơi gợi trong lòng mình một cái sân, cái tham, cái ích kỷ, hẹp hòi, hơn thua nhưng bước vào ngày cao cả, thiêng liêng này ta nguyện bỏ đi những thứ đó.

Ngày Phật đản là một ngày để nguyện. Chúng ta khởi lên những ước nguyện cao cả cho mình và cho thế giới.

Lễ Phật Đản: Nét đẹp trong đời sống và tín ngưỡng dân gian - Ảnh 4.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến chùa nghe thuyết giảng

Phật đản là ngày để tự vấn. Đó là tự hỏi trong suốt những ngày tháng qua mình đã sống như thế nào? Ta có thích nghe những lời khen, hay tại sao phải tự khen mình? Trong khi trong một giây phút giác ngộ ta nhận ra rằng mình có rất nhiều lầm lỗi. Phật đản là một ngày tỉnh ngộ, biết nhìn nhận lỗi lầm để sửa đổi.

Phật đản là một ngày để yêu thương. Vì bắt đầu của một sự tu hành đều là trải lòng mình để yêu thương chúng sinh. Nhiều khi chúng ta nghe nói về lòng từ bi, tụng kinh về lòng từ bi, thoáng nghĩ về lòng từ bi, nhưng thật sự chúng ta chẳng hay chưa từng yêu thương ai. Vẫn sống cho mình trong tham lam, ích kỷ, tầm thường. Nhưng ngày Phật đản, chúng ta phải bắt buộc tâm hồn mình yêu thương mọi người, yêu thương muôn loài.

Nói "bắt buộc" là vì không phải ai cũng tự dưng yêu thương muôn loài. Không phải tụng một bài kinh về yêu thương là ta đã yêu thương. Thậm chí chúng ta đã quỳ trước Đức Phật để quy y, chúng ta đã nguyện tu hành, biết tôn kính Phật nhưng lòng từ bi vẫn chưa xuất hiện. Nên ta phải gieo vào đó lòng từ bi và ép nó xuất hiện.

Lễ Phật Đản: Nét đẹp trong đời sống và tín ngưỡng dân gian - Ảnh 5.

Đây là dịp các Phật tử tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để tâm hồn được thanh tịnh.

Phật đản là ngày để ngồi lại bên nhau, nhìn thấy nhau, nắm tay nhau và nói cho nhau những lời tử tế. Hứa với nhau rằng sẽ sống để yêu thương nhau, để cho thế giới này bớt cô đơn.

Phật đản là một ngày để quay về, vì chúng ta đã lang thang nhiều kiếp. Chúng ta đã trôi theo dòng luân hồi sinh tử. Trong đó, chúng ta có ghét, có thương, khi tạo tội, khi tạo phước như một con tàu trên biển mênh mông, vô định. Ngày Phật đản ta trở về với giác ngộ, trở về quỳ dưới chân Phật tìm lại điều thiện tột cùng trong ta. Chúng ta sẽ chấm dứt những tháng năm, những kiếp lang thang, vô định và về với mái chùa yêu thương, về với ánh sáng Phật Đà.

Phật đản là ngày để bước đi. Khi đã trở về, đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời, chúng ta lại bước đi. Chúng ta bước đi để gieo ánh sáng của Phật Đà vào trong cuộc sống này, đồng thời để đem nhiều người về với điều thiện và với Đức Phật, vì còn có rất nhiều người chưa biết trở về.

Phật đản là ngày để quỳ xuống. Chúng ta ai cũng thích đứng ngẩng cao đầu để nghĩ mình giỏi, hơn người. Giờ đây, ta quỳ xuống với Đức Phật vì Người là ngọn núi bao la mà ta chỉ là hạt bụi. Ta quỳ xuống dưới những bậc đáng quý trong cuộc đời này, tức những Thánh nhân, những Vĩ nhân, Chư tôn đức – những người chân tu để biết rằng mình phải sống cho cuộc đời này như những vị đó. Chúng ta quỳ xuống dưới tất cả mọi người, với cây, cỏ, trăng, gió,… chúng ta tôn trọng tất cả.

Phật đản là một ngày để đứng lên. Đứng lên từ sự bạc nhược của chính mình trong vô lượng kiếp. Mình là một con người hèn nhát, khiếp nhược, sợ hãi nhưng hôm nay là một ngày ta đủ sức mạnh để đứng lên, chiến thắng sự hèn nhát đó. Chúng ta đã sợ hãi trước sức mạnh của người khác, sợ hãi lỗi lầm, sợ hãi sự ham muốn của chính mình, sợ hãi sự bạo lực, hung dữ của người chung quanh. Hôm nay, ta phải đứng lên, chiến thắng chính sự sợ hãi đó, làm chủ bản thân. Đã là con Phật thì không được sợ hãi bất cứ điều gì, kế cả cái chết.

Năm 2023 là năm kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh lần thứ 2647 năm – Phật lịch 2567.

Tuần lễ Phật đản diễn ra từ ngày mùng 08/4 – 15/4/Quý Mão (tức ngày 26/5 - 02/6/2023 dương lịch). Ngày lễ Phật Đản 2023 sẽ diễn ra vào ngày 15/4/2023 Âm lịch tức Chủ Nhật ngày 2/6/2023 Dương lịch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn