Lên sông Pơ Kơ ăn "cá bống rằn ri"

14/07/2022 12:01

Dòng sông Pơ Kơ uốn lượn như một dải lụa mềm chảy từ thượng nguồn xã Sơ Ró (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) qua các xã như Đăk Kơ Ning, Ya Ma… rồi đổ ra sông Ba. Cảnh quan trên dòng sông rộn ràng với nhiều bến thuyền nhỏ nhằm phục vụ cho người dân đi lại và đánh cá trên sông, nhất là vào mùa cá bống tượng, còn gọi là cá “rằn ri”.

Lên sông Pơ Kơ ăn "cá bống rằn ri" - Ảnh 1.

Khám phá Biển hồ Tơ Nưng (TP. Pleiku) lộng gió.

Một lão ngư hành nghề đánh cá trên sông Pơ Kơ cho hay, từ 4h sáng, hai vợ chồng đã dong thuyền trên dòng Pơ Kơ để đánh bắt cá sông rồi đem đi bán.

Bán xong chúng tôi ăn sáng xong rồi mới đi lên rẫy để trồng hoa màu, khi chiều xuống thì quay lại sông Pơ Kơ để kéo cá lên. Nếu tính cả ngày, vợ chồng tôi cũng bắt được hơn chục ký cá bống tượng, cá rô phi, tôm, tép… Mỗi ngày như thế, vợ chồng thu về được khoảng 400 -500 ngàn đồng.

Lên sông Pơ Kơ ăn "cá bống rằn ri" - Ảnh 2.

Cá bống rằn ri Pơ Kơ ú múp.

"Song, cuộc sống mưu sinh ở dòng sông này ngày khó khăn vì lượng thủy sản ít dần, các loài cá đặc sản như cá chình, cá đá, cá lúi, cá bống… cũng giảm nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên - Trường Sơn xuất hiện loài cá bống tượng khá nhiều, ngư dân được "lộc sông" ban cho nên có thu nhập tương đối. Trung bình, cá bống tượng loại 2-4 lạng/con có giá 50.000 đồng/ kg; loại 4-6 lạng/con có giá khoảng 100.000 đồng/kg; loại trên 6 lạng có giá cao hơn…"- lão ngư cho hay.

Loài cá bống đặc hữu của sông Pơ Kơ

Ngao du trên dòng sông Pơ Kơ, du khách có thể thả câu bắt những con cá bống tượng khá to - một loại cá "đặc hữu" mới xuất hiện nhiều những năm gần đây.

Du khách sẽ kết thúc một ngày trọn vẹn rong chơi, câu cá trên sông bằng thuyền khi hoàng hôn dần buông xuống trên vùng đất Tây Nguyên.

Đêm xuống, tiếng côn trùng kêu rả rích hòa với gió rừng mát lạnh, từng đợt sóng nhỏ lăn tăn vỗ mạn thuyền cũng là lúc du khách trải chiếu quây quần trên thuyền chờ trăng lên bên ly rượu rừng nhấm nháp món cá bống nướng, hấp, kho, nấu cháo… do chính mình câu được.

Lúc này, trăng đã tỏ, bên ngoài thuyền, hàng vạn ánh trăng bàng bạc rơi rụng khắp mặt hồ rồi vỡ tung trên mặt nước lung linh như đưa du khách lạc vào "cảnh phim" trên "Động Đình Hồ Pơ Kơ".

Các "câu thủ" nơi đây cho hay, mùa câu bống trên sông Pơ Kơ bắt đầu vào khoảng mùa xuân kéo dài đến cuối hè. Nghề đánh bắt cá này cũng khá công phu vì phải đánh bắt thủ công và hiểu được đặc tính của loài cá này cũng như chu kỳ lên xuống của mực nước từng vị trí, từng mùa. Do sống ở đáy sông có những bãi đất có nền màu vàng, nhiều rong rêu nên cá bống sông Pơ Kơ có con khá to (có con nặng gần 5 ký) với đầu to, bụng trắng; vây, da màu "rằn ri" đen, xám; khác với cá bống ở nơi khác nên cư dân thường gọi là cá bống "rằn ri" hay cá bống "Pơ Kơ".

Cá bống rằn ri sống trong môi trường nước ngọt sông Pơ Kơ thanh khiết nên được xem là loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, cá bống rằn ri có thịt trắng, khá ngọt và giòn, ít xương, nhưng xương mềm vì thế, cá bống rằn ri được nhiều người ưa thích.

Cá bống rằn ri được chế biến thành các món ăn ngon như: Nấu cháo, chiên xù, nướng mộc, nấu lẩu, kho tộ, kho nghệ hay nấu canh chua... đều ngon và đầy hương vị.

Cá bống Pơ Kơ kho rim

Cá bống Pơ Kơ câu được còn nguyên con tươi rói được chế biến thành món cá bống rim khô ngon tuyệt. Trước tiên, chà chung quanh thân cá bống cho sạch vảy và nhớt; mổ bụng, bỏ ruột, rửa sạch, để ráo rồi cắt khúc (bởi cá khá to) rồi ướp với gia vị như nghệ tươi, hành tím, bột nêm, ớt bột, tiêu; nước màu nhưng chỉ sau 1 giờ liu riu dưới ngọn lửa hồng, tộ cá bống vàng màu cánh gián tỏa hương thơm ngào ngạt đã được bày biện đẹp đẽ trên mâm cơm đơn sơ, giản dị của gia đình người dân miền núi để đãi "khách quý".

Cá bống Pơ Kơ kho nghệ

Món cá bống Pơ Kơ kho nghệ được nấu như sau: Cá bống làm sạch để ráo và cắt khúc ướp với gia vị như nghệ tươi, hành tím, bột nêm, ớt bột, tiêu để khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Nghệ cạo vỏ và rửa sạch để ráo sau đó xắt miếng mỏng, hành lá xắt nhỏ.

Lên sông Pơ Kơ ăn "cá bống rằn ri" - Ảnh 3.

Đĩa cá bống rằn ri Pơ Kơ kho nghệ thẫm đẫm hương vị quê hương.

Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào xào nghệ và hành tím đến khi nghệ ra màu vàng đẹp, cho tiếp cá vào, nêm nước mắm, đường, thêm nước vào đun nhỏ lửa đến khi nước sánh lại. Nêm nếm vừa ăn, rắc hành lá, tiêu, ớt vào và nhắc xuống. Đĩa cá bống Pơ Kơ kho nghệ có màu vàng, điểm xuyết màu xanh của hành lá, màu đỏ của ớt trông rất bắt mắt.

Món này ăn với cơm trắng nóng dẻo với từng miếng cá săn chắc, thơm nồng, ngái ngái mùi nghệ tươi khó tả.

Cá bống Pơ Kơ nấu canh chua với lá giang

Canh lá giang với cá bống Pơ Kơ được nấu như sau: Cá bống làm sạch vảy, móc mang, chặt vi, cắt khúc. Lá giang lặt lá, rửa sạch, ngâm qua nước muối pha loãng, để ráo. Đổ vào nồi khoảng 1 lít nước nấu sôi. Thả cá vào đun nhỏ lửa cho nước sôi lại khoảng 10-15 phút cá chín, thả lá giang vào sau khi dùng bàn tay bóp cho lá vừa nát.

Dùng đũa trộn nhẹ cho lá giang và vài quả ớt xanh đập dập vào cho ngập đều trong nồi. Chờ nước trong nồi sôi lại vài phút là nhắc xuống, nêm nếm cho vừa khẩu vị và thả ít ngọn rau ngổ cắt ngắn vào cho dậy mùi thơm.

Bát canh cá bống nấu với lá giang vừa ngon ngọt chất cá, thấm đượm vị chua thanh của lá giang lẫn hương thơm của rau ngổ và vị cay vừa phải của ớt làm say lòng bao du khách gần xa.

Những ngày hè tiết trời nắng nóng, du khách lên huyện Kông Chro (Gia Lai) tham quan, vãn cảnh trên sông sông Pơ Kơ thơ mộng, hữu tình và thưởng thức bữa cơm với cá bống rằn ri kho nghệ và canh chua cá bống rằn ri nấu với lá giang thì "mệt mỏi tiêu tan" không có gì tuyệt bằng.

Các cô "sơn nữ" vùng Đăk Kơ Ning, Ya Ma… khi nấu món canh này thường "ngâm" câu ca tặng du khách: "Cá bống nấu với lá giang/Anh ăn một chén mê man cả người" hoặc "Tiếng đồn cá bống Pơ Kơ/Thịt giòn, bùi béo, đang chờ đợi ai ".

Cá bống Pơ Kơ thấm đẫm vị Tây Nguyên

Ngày nay, cá bống "rằn ri Pơ Kơ" được xem là loài cá đặc hữu và trở thành đặc sản của núi rừng Trường Sơn- Tây Nguyên hoang dã. Vào hè, bà con, anh em, bạn bè thân thiết từ các tỉnh duyên hải miền Trung du lịch đến Gia Lai, tham quan, vãn cảnh Biển hồ Tơ Nưng lộng gió, thăm chùa Minh Thành…, hay đến các bản làng của đồng bào, thế nào cũng được bà con nơi đây mời bữa cơm rau rừng với các món từ cá bống rằn ri Pơ Kơ như: nấu lẩu, kho rim, kho nghệ, nấu canh chua với lá giang, nướng mộc…

Khi về bà con cũng không quên gửi vài ký cá bống rằn ri Pơ Kơ "thấm đẫm vị quê hương" về cho người thân, bạn bè… dưới miền xuôi thưởng thức hương vị lạ của núi rừng Trường Sơn- Tây Nguyên.

Chuyện kể rằng, có cô "ngư nữ" Jrai ven dòng Pơ Kơ thường đãi người bạn trai là người Kinh ở miền duyên hải đến nhà chơi với món cháo cá rằn ri. Không biết vì mê sơn nữ làng chài hay mê "cá bống rằn ri" mà sau này hai người nên vợ nên chồng. Còn có câu ca truyền lại đến tận ngày nay: "Thơm ngon bát cháo rằn ri/Pơ Kơ, anh nhớ những gì em trao/Cầu cho tôm, cá… dồi dào/Bát canh em nấu ngọt ngào theo anh…".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.