Dân tộc Bố Y là một trong những tộc người có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Bố Y vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc như trang phục, âm nhạc, lễ hội, trong đó tiêu biểu là lễ cưới.

Lên vùng cao xem lễ rước dâu bằng ngựa của người Bố Y


Dân tộc Bố Y là một trong những tộc người có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Bố Y vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc như trang phục, âm nhạc, lễ hội, trong đó tiêu biểu là lễ cưới.

Người Bố Y cư trú chủ yếu ở huyện Mường Khương (Lào Cai) và Quản Bạ (Hà Giang) và một số địa phương khác của tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang. Tuy là tộc người có dân số không đông nhưng đồng bào Bố Y vẫn giữ được nhiều di sản văn hóa phản ánh rõ nét bản sắc dân tộc như trang phục, âm nhạc, lễ hội, trong đó tiêu biểu là lễ cưới.

Theo luật tục qui định, trước đây, dân tộc Bố Y chỉ được lấy nhau trong nội bộ dân tộc mình. Sau này tập tục trên được bãi bỏ, nam nữ được tự do chọn vợ chọn chồng ở các dân tộc khác.

Trang trí bàn thờ và nhà cửa chuẩn bị cho lễ cưới của ngươi Bố Y

Trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng được tự do tìm hiểu nhau. Khi cô gái đã nhận lời yêu thì nhà trai làm lễ dặm hỏi, nhờ bà mai sang hỏi ý kiến của cô gái và nhất là bố mẹ cô gái xem có đồng ý để cho đôi bạn trẻ trở thành vợ, thành chồng hay không.

Khi nhà gái đã đồng ý thì nhà trai tổ chức lễ ăn hỏi. Nhà trai nhờ ông mai bà mối sang nhà cô gái xin ý kiến một lần nữa. Lễ cưới của người Bố Y trải qua nhiều giai đoạn.

Lên vùng cao xem cô dâu người Bố Y cưỡi ngựa về nhà chồng - Ảnh 2.

Mâm lễ vật ngoài sân để đón cô dâu và nhà gái

Trước tiên, nhà trai nhờ hai bà mối sang nhà gái bày tỏ nguyện vọng của nhà trai. Nếu bên nhà gái nhận lời thì bà mối mượn lá số của cô gái về nhờ thầy so tuổi. Nếu thấy hợp tuổi, nhà trai lại nhờ hai người đàn ông đủ uy tín đem theo một số lễ vật đến nhà gái trả lại lá số và xin ngày ăn hỏi.

Lên vùng cao xem cô dâu người Bố Y cưỡi ngựa về nhà chồng - Ảnh 3.

Cô dâu nổi bật trong chiếc áo màu hồng

Được nhà gái đồng ý, nhà trai đưa người làm mai mối đến dạm hỏi và nhận thách cưới. Nhà trai mang đồ lễ và đến nhà gái báo ngày cưới và chuẩn bị một mâm lễ để cúng tổ tiên bên nhà gái. Nhà trai về xem ngày cưới chính thức và báo cho nhà gái biết để chuẩn bị.

Lên vùng cao xem cô dâu người Bố Y cưỡi ngựa về nhà chồng - Ảnh 4.

Đồ sính lễ được đặt trong giỏ tre

Lễ cưới thường được tổ chức vào mùa xuân với mong muốn sự sinh sôi nảy nở. Nhà trai mang sính lễ sang nhà gái trước ngày cưới chính thức một ngày. Lễ vật thường gồm 4 con gà, trong đó có 1 con gà trống; 3 gói kẹo, 3 bó hương, 2 cây nến, 2 lít rượu. Một bộ y phục nữ, gồm: áo, quần, khăn, xiêm, vải giày và bộ trang sức bằng bạc gồm đôi khuyên tai, một đôi vòng tay.

Khi đi đón dâu, nhà trai mang theo một đôi gương đồng, một chiếc to và một chiếc nhỏ, chiếc to để cài vào cửa nhà cô dâu, còn chiếc nhỏ cô dâu mang theo mình để phòng hộ, xua đuổi tà ma, tránh xa những điều kém may mắn.

Lên vùng cao xem cô dâu người Bố Y cưỡi ngựa về nhà chồng - Ảnh 5.

Hai người thổi kèn pí lè đi đầu trong đoàn rước dâu

Để đón dâu, người Bố Y chuẩn bị 2 con ngựa. Một con ngựa lớn có đeo trang sức đẹp để cô dâu cưỡi về nhà chồng. Cô dâu ngồi trên lưng ngựa, tay cầm chiếc ô che nắng, một tay vịn vào hai cây gỗ đặt chéo trước yên ngựa để người được vững chắc, nhất là khi đi trên con đường đèo dốc về nhà chồng. Ngày nay, cùng với ngựa, đám cưới người Bố Y có thể rước dâu bằng xe máy, nêu nhà trai-gái gần nhau thì đi bộ.

Lên vùng cao xem cô dâu người Bố Y cưỡi ngựa về nhà chồng - Ảnh 6.

Sửa soạn cho cô dâu trước khi về nhà chồng

Điều đáng lưu ý là chàng rể không bao giờ có mặt trong đoàn đón dâu. Cô em gái của chàng rể dắt con ngựa hồng đẹp mã để chị dâu cưỡi lúc về nhà chồng. Một con ngựa khác cũng đeo trang sức, lưng cõng hai chiếc hòm gỗ có 4 chân đựng đồ vật, tư trang, quà tặng của cô dâu.

Nếu không có ngựa hoặc đường gần thì đồng bào dùng kiệu để rước dâu. Đoàn người đưa dâu gồm 2 bà mối, 2 người thổi kén pí lè, 2 thanh nhiên chưa vợ, 2 cô gái chưa chồng, hai phụ nữ lớn tuổi... Nhà gái cũng cử ra một đoàn có con số và thành phần tương ứng với đoàn nhà trai để đưa dâu.

Cô dâu chuẩn bị ra mắt nhà chồng

Vào lễ cưới chính thức, nhà trai chọn cặp vợ chồng trong làng đang sống hạnh phúc, sinh đủ con trai con gái để hướng dẫn cô dâu chú rể trong lễ cưới tại nhà trai. Chú rể không tham gia đoàn người đi đón dâu mà ở nhà để chờ cô dâu về làm lễ bái đường. Khi cô dâu đến cổng nhà chú rể, người ta chuẩn bị một mâm lễ tại cổng gồm 1 con gà trống, 2 cây nến, 3 nén hương, một bát mảnh sành vỡ, 1 bát ngũ cốc.

Trong lúc này, đôi vợ chồng được nhà trai chọn giúp hành lễ sẽ hướng dẫn cho cô dâu chú rể làm lễ tại cổng để xua đuổi tà ma, cái xấu. Trong nhà, nhà trai chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên. Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng ngoài sân trước khi cô dâu bước vào nhà chồng. Cặp vợ chồng được nhà trai chọn hành lễ, hướng dẫn giúp cô dâu chú rể làm lễ bái thiên địa. Nhà trai khấn vái trước bàn thờ tổ tiên để cầu phúc cho cô dâu chú rể. Sau đó, người phụ dâu dắt cô dâu vào phòng cưới.

Lên vùng cao xem cô dâu người Bố Y cưỡi ngựa về nhà chồng - Ảnh 8.

Đôi vợ chồng trẻ làm lễ bái tổ tiên, trời đất

Sau các thủ tục nghi lễ cưới, họ hàng bà con, bạn bè của gia đình vui vẻ chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Tiếng kèn, tiếng đàn, các làn điệu dân ca được cất lên vui nhộn trong nhà, ngoài sân của nhà trai. Ngày cưới là ngày vui của đôi bạn trẻ, cũng là ngày hội thực sự của làng, mọi người được ăn uống, vui chơi thỏa thích.


Trần Tấn Vịnh
Tấn Vịnh
04/08/2021 00:00