Linh thiêng các nhà thờ danh nhân

28/08/2021 09:08
Không gian nhà thờ Nguyễn Công Thái ở làng Lủ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai

Không gian nhà thờ Nguyễn Công Thái ở làng Lủ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai

Mảnh đất nghìn năm Thăng Long-Hà Nội hội tụ tinh hoa đất Việt, nơi nhiều danh nhân có công trong khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm, truyền dạy đạo, nghề nghiệp... Nhiều ngôi làng-nơi các danh nhân sinh ra vẫn gìn giữ, bảo tồn di tích nhà thờ để giáo dục truyền thống cho hôm nay và mai sau.

Nơi Vạn thế sư biểu Chu Văn An dạy học

Trong những làng có truyền thống khoa bảng ở ngoại thành Hà Nội, không thể không nhắc đến làng Thanh Liệt, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), quê hương của Đô Hồ Đại vương Phạm Tu và Tiên triết Chu Văn An. Nhà thờ Phạm Tu (còn gọi là đình Ngoại) nằm trên vùng đất đẹp nhìn ra hồ, thuộc thôn Văn, xã Thanh Liệt. Đô Hồ Đại vương Phạm Tu (476-545) là một khai quốc công thần triều Tiền Lý. Trong khi chống cự đoàn quân nhà Lương quay trở lại tấn công nước Vạn Xuân non trẻ, ông đã hy sinh ở tuổi 70 tại thành lũy ở cửa sông Tô Lịch cũ, gần phố Chợ Gạo của Hà Nội bây giờ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, viết Phạm Tu tham gia cuộc chiến bảo vệ đất nước cùng Lý Bí ngay từ đầu. Khi lên ngôi, Lý Nam Đế xếp Phạm Tu đứng đầu Ban Võ của nước Vạn Xuân. Nhà thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu được xây dựng vào năm 1690 với kiến trúc độc đáo, nhưng theo thời gian đã bị xuống cấp. Năm 2009 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích nhà thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Đến tháng 12/2011 khánh thành quần thể di tích trên diện tích 6.900m2.

Linh thiêng các nhà thờ danh nhân - Ảnh 1.

Nhà thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu

Bậc hiền giả Chu Văn An (1292-1370) nổi tiếng là một tấm gương sáng về đạo làm thầy, được hậu thế tôn vinh là "vạn thế sư biểu" (người thầy của muôn đời). Thi đỗ Thái học sinh, song Chu Văn An không ra làm quan mà mở trường dạy học tại làng Cung Hoàng bên kia sông Tô (nay là làng Huỳnh Cung thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) để dạy cho học sinh trong cả vùng hạ nguồn sông Tô Lịch. Về sau vua Trần Minh Tông (1300-1357) mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông). Làng Huỳnh Cung hiện vẫn giữ được tấm bia cổ và hai trụ cổng trường.

Rất nhiều người lầm tưởng Chu Văn An quê ở Hải Dương. Cũng bởi trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương có di tích đền thờ lớn, phong cảnh tuyệt đẹp. Để nhắc nhớ, làng Thanh Liệt mới là quê hương của Tiên triết Chu Văn An, mấy năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa trên quê hương ông. Hiện nay, các tài liệu chưa chứng minh được nhà thờ Chu Văn An (còn gọi là đình Nội) tại làng Thanh Liệt xây dựng vào năm nào, chỉ biết được dựng sau khi Chu Văn An qua đời. Do biến động qua các đời cùng sự điều chỉnh chức năng, công năng sử dụng, tên gọi di tích không nhất quán, lúc là đền, lúc là đình, lúc là văn chỉ thờ các bậc tiên hiền.

Sang thế kỉ XIX, thời vua Tự Đức năm Giáp Tý (1864), do nhà thờ nằm trong khu đất chật hẹp nên vị tú tài người làng là Vũ Huy Diệu đã cùng nhân dân chọn nơi đất thoáng rộng (khu vực đền hiện nay) để xây dựng lại với một tòa ở chính giữa, ba gian lợp ngói, tả vũ hai dãy giải vũ bao bọc. Đến mùa đông năm Canh Dần, niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892), nhà thờ được xây dựng lại quy mô như hiện nay với Thủy đình, Đại bái, Trung cung, Hậu cung, Tả - Hữu vu. Nhà thờ Chu Văn An nhìn ra sông Tô Lịch. Trước nhà lung linh hoa cỏ và cây cổ thụ, gợi nhớ "người thầy của muôn đời" với nhiều huyền thoại.

Đất học Kim Lũ

Chỉ cách làng Thanh Liệt chưa đầy một cây số là làng Lủ, còn có tên là Kim Lũ, nay thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Đây được mệnh là làng "sinh quan đẻ trạng". Kim Lũ được thành lập cách đây khoảng hơn 500 năm, là vùng đất trữ tình nhìn ra sông Tô Lịch. Đến nay người dân vẫn tự hào vì mảnh đất văn hiến, có truyền thống hiếu học, sinh ra những danh nhân nổi tiếng này.

Linh thiêng các nhà thờ danh nhân - Ảnh 1.

Cổng làng Lủ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Đặc biệt làng Kim Lũ còn giữ được bốn nhà thờ. Thứ nhất là nhà thờ cụ Hồng Hạo (1677 - 1749), đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần 1710, đời vua Lê Dụ Tông. Vì kiêng kỵ húy nên cụ đổi họ sang họ Cung, thành Cung Hạo. Kế tiếp là nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Công Thái (1684 - 1758), đỗ khoa Ất Mùi 1715, đời vua Lê Dụ Tông. Nguyễn Công Thái là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm-một vị chúa tài ba. Ông có công đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Không chỉ trải nhiều chức quan, làm Tế tửu Quốc tử giám, ông còn là ngoại giao giành lại đất rơi vào tay nhà Thanh.

Nguyễn Công Thái làm quan 40 năm, tận tụy phục vụ 4 đời vua Lê chúa Trịnh. Dù trong triều hay ngoài nội, ở đâu ông cũng hoàn thành chức phận, lập nhiều chính tích được dân mến chúa yêu. Làm quan đầu triều nhưng Nguyễn Công Thái một mực xin về hưu. Ông về Kim Lũ sống cùng dân thôn vui cuộc đời bình dị. Đất lộc điền 100 mẫu vua ban, ông cho con cháu và dân làng cày cấy.

Thấy thầy Nguyễn Công Thái sống trong cảnh nhà tre nứa tuềnh toàng, chúa Trịnh Sâm muốn làm tặng thầy một ngôi nhà ba gian bằng gỗ tốt nhưng mấy lần ngỏ ý đều bị khước từ. Chúa Trịnh Sâm bèn nghĩ, thầy chưa có từ đường để thờ tổ tiên nên đề nghị cho dựng ba gian nhà tốt. Ngôi từ đường cũng sẽ là nơi thờ thầy khi trăm tuổi. Thấy trò hiếu nghĩa, Nguyễn Công Thái đồng ý. Từ năm 1789, ngôi nhà được dòng họ Nguyễn lập làm nhà thờ. Gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ dòng trưởng và gian trái thờ ngoại tổ.

Tiếp đến là nhà thờ Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), đỗ khoa Mậu Tuất 1838, đời vua Minh Mạng. Ông là một nhà văn hóa lớn, thông thạo văn chương, có công rất lớn trong việc tu bổ, nâng cấp khu đền Ngọc Sơn. Khu di tích Nguyễn Văn Siêu được chia làm hai khu vực: khu vực nhà thờ và khu lăng mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu. Khu vực nhà thờ hiện nay được một người cháu dâu là Nguyễn Thị Phượng (con dâu của cố đạo diễn Tự Huy, cháu gọi danh nhân Nguyễn Siêu là cụ nội) trông coi.

Linh thiêng các nhà thờ danh nhân - Ảnh 2.

Di tích nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp được gìn giữ ở làng Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai

Thứ 4 là nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902) đỗ khoa Ất Sửu 1865, đời vua Tự Đức. Nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp là một di tích rộng, quy hoạch theo hình chữ nhị, quay hướng Đông-Nam, có tường bao quanh. Kết cấu nhà chữ nhị với hai nếp nhà ngang kế tiếp nhau, bao gồm nhà tiền tế ở phía trước, hậu cung ở phía sau. Trong số những hiện vật còn lại tại di tích, đáng chú ý nhất là tấm bia đá "Thần đạo mộ quan tướng quốc Kim Giang Nguyễn Công", do Vũ Phạm Hàm biên soạn năm Thành Thái thứ 15. Trong đó ghi lại toàn bộ thân thế sự nghiệp và công tích của danh nhân Nguyễn Trọng Hợp.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Cũng cách làng Lủ không xa lắm là làng Cót hay còn gọi là làng Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Nơi đây có nhà thờ Thái bảo Liêm Quận công Nguyễn Như Uyên. Ông là vị thủy tổ và cũng là người mở đầu cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tại khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), dưới đời vua Lê Thánh Tông. Trong suốt 30 năm làm quan triều đình nhà Lê, Nguyễn Như Uyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Lục bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên…

Hay tại làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai) còn giữ được nhà thờ tổ nghề Kim hoàn, gồm ba anh em là Trần Điền, Trần Điện và Trần Hòa. Nhà thờ có khuôn viên rộng, linh thiêng, có nhiều cổ thụ tỏa bóng mát. Làng vẫn cắt cử người trông coi, hương khói và người chịu trách nhiệm chính là nghệ nhân Quách Văn Trường, người có công lao gìn giữ nghề đậu bạc của cha ông. Ông Trường chia sẻ: "Cho đến giờ người dân chúng tôi vẫn tự hào về những bậc tiên hiền đã truyền dạy nghề. Không gian này là để chúng tôi tụ họp, mùa xuân thì cúng lễ, tưởng nhớ người xưa".

Cũng phải nói rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều nhà cổ đã bị xuống cấp, không còn, hoặc phải nhường chỗ cho các dự án nhà cao tầng. Việc gìn giữ nhà thờ, nhà thờ các danh nhân làng là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Ông Nguyễn Trọng Tấn, cháu bốn đời đang trông coi, hương khói nhà thờ danh nhân Nguyễn Trọng Hợp, chia sẻ: "Từng bức hoành phi, câu đối, hương án đều được chúng tôi gìn giữ, trân trọng lau dọn sạch sẽ. Tôi cũng luôn trồng hoa để không gian trong nhà thờ lúc nào cũng đẹp, ngào ngạt hương sắc và linh thiêng. Con cháu sau này cũng luôn noi gương các bậc tiền hiền, gắng sức học tập, góp sức xây dựng đất nước".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.