Linh thiêng Đỉnh Miêu thiền tự

10/12/2022 18:10
Quần thể chùa Mèo ngày nay. Ảnh: TL

Quần thể chùa Mèo ngày nay. Ảnh: TL

Đỉnh Miêu thiền tự (chùa Mèo) được coi là một trong 3 chùa đẹp nhất xứ Thanh một thời. Mảnh đất toạ lạc chùa Mèo quần tụ chủ yếu người Mường, người Thái sinh sống.

Đỉnh Miêu thiền tự (còn được gọi với cái tên dân dã là chùa Mèo) nằm trên một quả đồi thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Chùa có địa thế phong thuỷ linh thiêng: Tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh; trước mặt có dòng sông Âm chảy ngang qua. Chùa Mèo được coi là một trong 3 chùa đẹp nhất xứ Thanh một thời. Mảnh đất có chùa Mèo toạ lạc quần tụ nhiều dân tộc  sinh sống, trong đó người Mường chiếm đến 60%, người Thái 30%, người Việt 10%.

Tương truyền, công chúa nhà Trần là Chu Huyền đi lánh nạn lên Mường Chanh (Lang Chánh, Thanh Hoá ngày nay), mang theo hai quả chuông và một số người  hầu. Nàng về đây được bà con bảo vệ, chăm sóc chu đáo, cuộc sống trở nên ấm cúng, bình yên. Công chúa Chu Huyền đã cùng nhà Lang hưng công xây dựng ngôi chùa để tri ân công đức dân làng.

Linh thiêng Đỉnh Miêu thiền tự - Ảnh 1.

Chùa mèo lung linh về đêm. Ảnh: TL

Trong khi xây dựng chùa, khai khẩn đất hoang, bà con ở đây đã đào được pho tượng đá (gọi là bụt). Liền đó, công chúa đã rước tượng bụt và tượng Quan Âm ở miếu làng lên chùa thờ Phụng.

Sử sách còn ghi, mùa xuân năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Minh. Hay tin, quân Minh đã tập trung mọi lực lượng đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Dù lực lượng mỏng, nghĩa quân Lam Sơn đã kiên cường chiến đấu, nhưng do tương quan quá lớn, Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa lui quân về Mường Mọt rừng sâu, địa thế hiểm trở (nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Giai đoạn này, trước sự truy sát gắt gao của quân giặc, Lê Lợi không ít lần đưa quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh. Một lần, nghĩa quân Lam Sơn lánh nạn trong chùa Chu trước sự truy lùng của giặc Minh, thấy trong chùa chỉ còn lại con mèo, Lê Lợi đã sai nghĩa quân đem theo con mèo cùng đi. Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi, sau đó cho tu sửa chùa Chu và đổi tên thành chùa Mèo.

Linh thiêng Đỉnh Miêu thiền tự - Ảnh 2.

Một góc chùa Mèo. Ảnh: TL

Đến giai đoạn chống giặc nhà Thanh, anh hùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã dừng chân và vào chùa Mèo dâng hương cầu Phật độ trì cho cuộc kháng chiến chống giặc Thanh thắng lợi. Lời khấn cầu y nguyện, giai thoại về ngôi chùa linh thiêng càng được lưu truyền trong nhân gian.

Người già trong vùng cho biết, chùa Mèo xưa có Tam quan, lợp ngói mũi, có gác chuông chùa, xung quanh có thưng bằng ván. Trong chùa ngoài thờ các pho tượng phật Quan Âm, phật Thích Ca Mâu Ni… còn thờ các vị công thần như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…

Linh thiêng Đỉnh Miêu thiền tự - Ảnh 3.

Quần thể chùa Mèo từ trên cao nhìn xuống. Ảnh: TL

Do thời gian mưa nắng, biến cố thăng trầm của lịch sử, một thời gian thiếu sự quan tâm, chăm sóc của chùa Mèo trở nên hoang phế. Dấu tích để lại khá rõ nét là móng ngôi chính điện và một số bậc thềm, rất nhiều gạch, ngói vỡ. Các tượng thờ mất mát, thất lạc. Duy chỉ chiếc chuông chùa Mèo là còn lại. Chiếc chuông được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh từ năm 1992. 

Chiếc chuông chùa Mèo có kích thước khá lớn: cao 1,09m, đường kính miệng 0,5m, mang nét nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng với quai chuông tạo hình đôi rồng đối xứng quấn đuôi nhau, mũi sư tử, bờm dài, tai dơi, thân phủ đầy vây cá, 3 móng nhọn. Chuông có 6 núm để gõ. Bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: "Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân"...

Linh thiêng Đỉnh Miêu thiền tự - Ảnh 4.

Chiếc chuông cổ ở chùa Mèo được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá từ năm 1992. Ảnh: TL

Trước đây, mỗi độ ngày Rằm tháng Giêng, nhân dân trong vùng Mường Chếch, Mường Khạt, Mường Bo, Mường Nang… lại nô nức kéo về dự lễ hội chùa Mèo. Thể theo nguyện vọng tâm linh của nhân dân trong vùng, năm 2013, chùa Mèo đã được khởi công xây dựng và tôn tạo. 

Năm 2005, chùa Mèo được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh; UBND huyện Lang Chánh lấy ngày 6, 7 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống. Giờ đây, chùa Mèo trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh và đông đảo du khách thập phương trong cả nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.