Du khách đến Tây Nguyên đều muốn thưởng thức một nhịp chiêng, xem những điệu nhảy theo nhịp cồng, chiêng của những cô gái Ê đê, M’Nông giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Linh thiêng tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn

Du khách đến Tây Nguyên đều muốn thưởng thức một nhịp chiêng, xem những điệu nhảy theo nhịp cồng, chiêng của những cô gái Ê đê, M’Nông giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.


Không gian văn hóa linh thiêng

Sau hơn 15 năm, kể từ khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung đang được bảo tồn và phát huy theo các góc độ khác nhau ở từng địa phương. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của 17 dân tộc thiểu số. Cồng chiêng Tây nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của người Tây Nguyên.

Linh thiêng tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn - Ảnh 1.

Đồng bào Tây Nguyên biểu diễn công chiêng

Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có bộ tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng...

Linh thiêng tiếng cồng, chiêng đại ngàn - Ảnh 1.

Cồng, chiêng Tây Nguyên ngân vang giữa đại ngàn

Hầu hết buôn làng Tây Nguyên hiện nay đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè.

Vào ngày lễ, Tết, hình ảnh quen thuộc "bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng" lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. Ở Trường Sơn - Tây Nguyên, âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.

Linh thiêng tiếng cồng, chiêng đại ngàn - Ảnh 2.

Thanh âm cồng, chiêng giúp con người xua đi mệt mỏi sau một ngày lao động

Người Tây Nguyên có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản. Phương pháp chủ điệu là một bài trầm đánh trên một vài giai điệu được tìm thấy ở người Ba Na và Gia Rai. Phương pháp đánh từng chùm gặp ở người Ê đê. Phương pháp đối thoại gặp ở người M’Nông. Đó là còn chưa kể tới phong cách sử dụng chiêng của những tộc người khác nhau như người Chăm, Chu ru, hay người Raglai, họ thường chỉ có 5-6 chiêng, số lượng ít hơn so với người Gia Lai, Ê Đê, M’Nông...

Cồng chiêng cũng thường được người Tây Nguyên sử dụng trong nhiều nghi lễ rất quan trọng. Người Gia Lai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ "thổi tai", tiếng chiêng sẽ đem đến cho đứa trẻ những tín hiệu đầu tiên của văn hóa dân tộc mình. Chiêng còn sử dụng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khỏe và may mắn...

Linh thiêng tiếng cồng, chiêng đại ngàn - Ảnh 3.

Vui hội cùng cồng, chiêng

Đời người dài theo tiếng chiêng. Chiêng đem điều thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một tâm trạng an toàn, một không gian huyền ảo. Không chỉ có thế, tiếng cồng, tiếng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên cánh bay của sự lãng mạn, đó cũng là nguồn gốc của những áng thơ ca, sử thi bay bướm.

Cồng chiêng vì thế, không chỉ đại diện cho văn hóa Tây Nguyên, mà còn là một sứ giả của nền văn hóa Việt Nam.

Linh thiêng tiếng cồng, chiêng đại ngàn - Ảnh 4.

Các em gái Ê Đê học cách sử dụng và trình diễn chiêng

Hiện nay, có nhiều quan niệm cho rằng, cồng chiêng là nhạc cụ để vui chơi nhưng trong suy nghĩ của người Tây Nguyên, chiêng là tiếng nói của thần linh. Người Tây Nguyên thường dùng chiêng trong lễ hội, họ quan niệm chiêng là tiếng nói của con người với thần linh. Trong các sử thi Tây Nguyên như: Đam San, Xinh Nhã... miêu tả con người có thể ngồi lên chiêng để bay, khi ngửa chiêng ra thì có cây thuốc lá mọc ở trên đó... Đồng bào Tây Nguyên tin rằng, trong mỗi cái chiêng, có một vị thần trú ngụ. Ai có nhiều chiêng không chỉ là người giàu của cải mà còn là người có sức mạnh và được thần linh phù hộ.

Bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng

Trên thực tế, đã từng xảy ra nạn "chảy máu" cồng chiêng. Nhiều bộ cồng chiêng quý bị đánh cắp/buôn bán vượt ra khỏi địa phương. Dẫu khó có thể khôi phục đời sống cồng chiêng như trước đây nhưng gìn giữ và bảo tồn loại hình di sản này là một việc làm rất cần thiết. Ngày nay, nhiều nơi ở Tây Nguyên đã khôi phục lại các lễ hội cồng chiêng.

Linh thiêng tiếng cồng, chiêng đại ngàn - Ảnh 5.

Thế hệ trẻ tham gia biểu diễn cồng, chiêng sẽ giúp bảo tồn giá trị cồng chiêng hiệu quả

Có nơi như Kon Tum 100% số xã, phường có đội cồng, chiêng, số lượng cồng chiêng đã lên tới 1.853 bộ. Tuy vậy, một số trong lớp trẻ mới lớn lên lại không biết đánh cồng chiêng. Vì vậy, nhiều nơi ở Tây Nguyên, đoàn thanh niên đã có sáng kiến xây dựng làng văn hóa thanh niên mà một trong những yêu cầu đối với đoàn viên là phải biết đánh cồng chiêng và múa hát dân tộc.

Cồng chiêng là món ăn tin thần không thể thiếu của đồng bào Tây Nguyên

Trước nguy cơ mai một của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, việc phục hồi các xưởng chế tạo cồng chiêng sẽ góp phần bổ sung một lượng nhạc cụ gõ cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và là một cách tích cực để đẩy mạnh phong trào diễn xướng sử dụng cồng chiêng trong các dân tộc. Đồng thời, các nhà quản lý tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình để cùng gìn giữ, bảo vệ phát huy nó trong nền văn hóa cộng đồng.

Linh thiêng tiếng cồng, chiêng đại ngàn - Ảnh 6.

Phụ nữ tham gia bảo vệ và giữ gìn công, chiêng

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh công tác khảo cứu điền dã, trao đổi với các nghệ nhân, xây dựng phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng, tổ chức đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn về âm nhạc truyền thống. Bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng Tây Nguyên còn được thể hiện cụ thể bằng việc đẩy mạnh công tác đào tạo về cồng chiêng trong các trường nghệ thuật của hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên.

Thực hiện: PV

Ảnh: Anh Tiến, Trần Thị Mùi, ST