Loại bánh được ví là sự hòa quyện văn hóa ở vùng đất Thánh địa Mỹ Sơn

24/05/2021 20:53
Phụ nữ thôn Thu Bồn Đông làm bánh củ gừng tại Lễ hội Bà Thu Bồn

Phụ nữ thôn Thu Bồn Đông làm bánh củ gừng tại Lễ hội Bà Thu Bồn

Không chỉ là món ăn, bánh củ gừng của người Chăm ở Duy Xuyên, Quảng Nam chính sự hòa quyện văn hóa trên vùng đất Thánh địa Mỹ Sơn.

Trong một lần đến tham gia Lễ hội Bà Thu Bồn (làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi không thể không ấn tượng bởi nơi nét đẹp văn hóa của lễ hội. Trong dịp lễ hội, các Chi hội Phụ nữ các thôn của xã Duy Tận trình diễn cách gói, nấu một số loại bánh, trong đó có bánh củ gừng, tại khu vực lăng Bà để dâng cúng "Bà mẹ xứ sở" và giới thiệu cho du khách trong và ngoài địa phương. Sở dĩ bánh có tên là "củ gừng" bởi lẽ "ngoại hình" chiếc bánh giống củ gừng. Bánh củ gừng là lễ vật dâng cúng vào mỗi dịp lễ, tang ma của người Chăm trong vùng.

Những chiếc bánh củ gừng đã “nặn” xong chỉ chờ chiên vàng

Những chiếc bánh củ gừng đã “nặn” xong chỉ chờ chiên vàng

Chị Hồ Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Tân, cho biết, các gia đình trong xã thường làm bánh gừng trong dịp lễ, Tết. Những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh nên bánh củ gừng ít được người dân làm dùng cho sinh hoạt hàng ngày nhưng trong mâm lễ Bà Thu Bồn không thể thiếu bánh củ gừng.

Nguyên liệu làm bánh củ gừng là hỗn hợp bột gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu rồi đem giã nhuyễn. Bột được nặn thành hình giống củ gừng, đem chiên giòn rồi nhúng vào nước đường để cho ra những chiếc bánh bóng mịn và không bị vênh. Cuối cùng là phơi khô bánh khoảng 10 -15 phút để tăng độ giòn...

Bà Nguyễn Thị Cường (67 tuổi, Phú Nhuận 3, xã Duy Tân) cho hay, trước khi làm bánh gừng, bột nếp được nhào nhuyễn với nước, sau đó nặn và tạo hình củ gừng trên bề mặt lá chuối. Để tránh bánh bị gãy, người làm bê nguyên lá chuối ấy nhẹ nhàng bỏ vào chảo dầu đang sôi để chiên bánh. Nhiệt độ của dầu ăn nhanh chóng bóc tách bánh gừng khỏi lá chuối, người chiên vớt lá chuối ra để khỏi bị cháy, làm đen chảo dầu. Bánh được chiên đến khi nào chín vàng gần giống màu củ gừng rồi vớt ra để nguội.

Bánh củ gừng là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ cúng Bà Thu Bồn

Bánh củ gừng là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ cúng Bà Thu Bồn

Trong phong tục đồng bào Chăm, bánh gừng là lễ vật quan trọng trong các lễ hội, nhất là ngày tết Katê, cùng với bánh tét (paynung) và bánh gang tay (gakiya). Người Chăm quan niệm, bánh tét là "dương", tượng trưng cho người chồng; bánh gang tay thuộc "âm", tượng trưng người vợ; bánh củ gừng (gọi là Hargìnònya) hòa hợp âm dương, tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng.

Có lẽ, chính sự hòa quyện văn hóa các dân tộc trên vùng đất Thánh địa Mỹ Sơn đã tạo nên lễ hội Bà Thu Bồn vô cùng đặc sắc, ấn tượng. Để rồi, những ngày cuối xuân, du khách các nơi lại tụ tập về đây lắng nghe câu chuyện văn hóa của vùng đất thượng nguồn sông Thu, vừa uống trà vừa thưởng thức bánh củ gừng giòn rụm, thơm ngon.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn