Lối về chợ quê

30/10/2023 19:40
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chợ quê dường như chẳng có gì cao sang. Nhưng tôi gặp lại một trời ký ức đong đầy. Giữa khóm nắng chấp chiêng buổi mai, rồi khi nắng lên ngập tràn lúc trưa xập xoài tới, những bà, những chị còn ngồi bán. Hàng bánh mướt nức tiếng của thị trấn nhỏ lúc nào cũng đông nghịt khách.

Phải chờ đợi cả một tuần mới đến ngày chủ nhật, dậy thật sớm và băng qua quãng đường trúc trắc mới đến được Chợ trên - tên gọi mộc mạc để phân biệt với vị trí một chợ nhỏ dưới thị trấn quê tôi. Đôi khi tôi tự hỏi, điều gì đã neo giữ mong nhớ, níu buộc người với một nơi chẳng hề bóng bẩy? Là những mớ rau xanh còn ướt đẫm sương đêm? Là mớ măng rừng tươi được người dân bản cần mẫn hái mang ra chợ từ sáng sớm?

Phiên chợ be bé nằm lặng lẽ bên hông núi. Một góc gửi xe được dựng lên tạm bợ, đơn sơ. Sáng sớm tinh mơ, tôi nằm trong nhà nghe tiếng xe máy rền vang đi ngang ngõ của những người bán hàng chở đồ đi rất sớm. Tiếng xe đạp của những người phụ nữ vất vả phá tan không gian tĩnh mịch buổi mai. Tiếng gà gáy sáng thúc giục rộn rã. Nếu đi Chợ trên, tôi cũng dậy từ sớm sửa soạn, bởi chỉ cần lên trễ một chút, nào còn hàng gì để mua.

Gọi là chợ quê chứ thực ra chất chứa đủ mọi thức hàng mà các mẹ, các bà, các chị cần. Chẳng hiểu sao tôi thích cảm giác ngắm nhìn từng mớ rau xanh được bày bán ở chợ sớm mai. Ấy là cảm giác của sự tinh khôi, trong veo, dễ chịu. Tôi ghé xuống chọn mớ rau và gửi tiền. Chợ quê giữ trong mình sự thật thà, khiêm tốn. Nào cần phải trả giá, nào cần phải đắn đo lời thách giá, chỉ mua mà không nghi ngại.

Tôi nhớ mẹ mỗi lần về chợ. Niềm háo hức, thích thú được theo chân mẹ đi chợ mỗi cuối tuần râm ran từ tối thứ Bảy. Việc đầu tiên, mẹ sẽ tới hàng mật mía, nhìn vào xô mật óng vàng, nếm một chút chọn mua. Những người bán quen mặt mẹ, đon đả mời chào, giới thiệu. Mẹ thường mua khá nhiều, một can lớn để dùng đủ cho cả tuần. Mật không chỉ dùng để nấu kẹo, bán hàng mà còn là loại gia vị nêm nếm nhiều món ăn không thể thiếu của người dân miền Trung quê tôi.

Chợ quê dường như chẳng có gì cao sang. Nhưng tôi gặp lại một trời ký ức đong đầy. Giữa khóm nắng chấp chiêng buổi mai, rồi khi nắng lên ngập tràn lúc trưa xập xoài tới, những bà, những chị còn ngồi bán. Hàng bánh mướt nức tiếng của thị trấn nhỏ lúc nào cũng đông nghịt khách. Chỉ một chiếc thúng, bàn nhỏ, dăm ba chiếc ghế mà khách ken kín không thôi. Tuổi thơ của bạn đầy ắp hình ảnh món bánh mướt, cô bán hàng thân thiện, đon đả thường đi qua xóm rao bán mỗi ngày, tới cuối tuần lại gặp nụ cười hồn hậu ở chốn chợ.

Và chợ quê cũng dành riêng một góc thân thiện cho hàng bánh xèo nức tiếng của cặp vợ chồng lâu năm. Chỉ năm trăm đồng đã có thể mua được một chiếc bánh nhỏ xinh, ngon lành. Những thức quà tuổi thơ đến giờ còn in sâu trong lòng. Những thức quà chẳng thể tìm mua nơi xa xôi phố thị. Những thức quà chân chất, đậm vị quê nhà.

Tôi hay bao người về chợ không chỉ mua sắm một món hàng mà phải chăng để chắt chiu, để góp nhặt từng vạt kỷ niệm mãi ngọt ngào như chiếc kẹo kéo làm từ mật mía, từ chiếc bánh ngào đường, từ mớ rau xanh mênh mang sương gió. Kỷ niệm nào có dễ mất đi? Nó vẫn luôn ở đó, cầm tay dẫn lối đưa ta về thoáng chợ quê thương thuộc, yên bình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.