Lời yêu thương của một tu sĩ Công giáo gửi y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

24/09/2021 07:42
Các nữ tu Công giáo lên đường vào tuyến đầu chống dịch. Ảnh: TGPSG

Các nữ tu Công giáo lên đường vào tuyến đầu chống dịch. Ảnh: TGPSG

Có một nơi tình người được lan tỏa, một nơi tuy nguy hiểm về ranh giới giữa sự sống và chết nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười, một nơi dù có xa lạ đến mấy rồi cũng thân nhau…

Dù đã hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về nhưng thầy Chung Chí Tâm, tu sĩ Công giáo tại Tu Viện La San Đức Minh (Q3, TPHCM), vẫn vẹn nguyên cảm xúc trân trọng và yêu thương với đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức, TPHCM).

Thầy Chung Chí Tâm viết: Có một nơi tình người được lan tỏa, một nơi tuy nguy hiểm về ranh giới giữa sự sống và chết nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười, một nơi dù có xa lạ đến mấy rồi cũng thân nhau… Đó là Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức, TPHCM). Đây là nơi tôi có 1 tháng làm tình nguyện viên. Tình cảm của những người nơi đây, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp và sự ngưỡng mộ cao cả.

Những ngày đầu tham gia công tác hỗ trợ cho bệnh viện, tôi nhìn thấy mọi người mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Chúng tôi chỉ nhận ra nhau qua dáng đi, cặp mắt và những dòng chữ ghi trên lưng "bác sĩ A, điều dưỡng B". Những cái tên đó gắn bó cùng chúng tôi trong suốt một tháng.

Nhớ lại hôm đầu tiên vô phòng bệnh, thấy bệnh nhân sắp ngưng thở, các y, bác sĩ tập trung lại để làm công tác cấp cứu cho bệnh nhân, người thì lấy bình oxy, người thì lấy các dụng cụ y tế khác. Riêng chúng tôi, những tình nguyện viên mới vào chỉ biết đứng quan sát, cầu nguyện. Lúc đó, trong lòng lo sợ họ sẽ chết. May mắn thay, mọi cố gắng của các y, bác sĩ đã được đền đáp, ca bệnh đó qua được cơn nguy kịch.

Lời yêu thương của một tu sĩ Công giáo gửi đến y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19  - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên Công giáo lên đường tham gia chống dịch tại các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến

Các anh chị tiếp tục công việc đang làm dang dở rồi bất chợt nghe tiếng gọi. Thế là công tác cấp cứu lại diễn ra. Thế nhưng, cũng có lúc họ phải bó tay trước căn bệnh quái ác. Tôi cảm nhận rõ sự hụt hẫng trong đôi mắt của các y, bác sĩ khi không thể giành lại sự sống cho bệnh nhân. Mỗi khi có bệnh nhân nguy kịch là các anh chị đều nói chúng tôi đọc kinh cầu nguyện cho bệnh nhân. Vì mọi người hiểu lúc đó chỉ còn có cầu nguyện là tốt nhất.

Trong khoa tôi làm nhiệm vụ, có nhiều y, bác sĩ của Bệnh viện nhân dân Gia Định là người Công giáo nên gặp chúng tôi cứ gật đầu "chào thầy, chào sơ", rồi từ đó tất cả mọi người dù theo đạo Công giáo hay không cũng đều gật đầu chào chúng tôi như thế. Khi chúng tôi làm việc lâu mà chưa ra ngoài nghỉ ngơi, các y, bác sĩ, điều dưỡng lại bảo "ra nghỉ đi thầy, ra nghỉ đi sơ" và điệp khúc đó vẫn lặp đi lặp lại trong mỗi ca trực. Họ lo cho chúng tôi làm việc quá sức. Còn chúng tôi thì muốn giúp họ thêm một chút nữa. Chúng tôi rất trân quý tình cảm của họ đã dành cho chúng tôi.

Gặp gỡ, tiếp xúc lâu ngày dần dà quen thân từ lúc nào không hay. Độ tuổi chúng tôi chênh lệch nhau không nhiều nên tình bạn dễ nảy nở, từ những con người xa lạ bỗng trở nên quen thân. Có lẽ, ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh ấy, người ta dễ yêu thương và trân quý nhau. Ở đó, không có sự ganh đua, tranh giành được mất. Ở đó cần sự quan tâm, động viên, an ủi, sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn. Công việc tuy mệt nhọc, vất vả nhưng tình người vẫn lan tỏa trong tiếng cười.

Lời yêu thương của một tu sĩ Công giáo gửi y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Tu sĩ Công giáo chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện điều trị Covid-19

Ở bệnh viện, chúng tôi có một khu ngồi chờ giao ca. Mỗi khi chuẩn bị vào ca mới hay ca trực trước đi ra đều đến đó để ngồi nghỉ, dùng cơm, uống nước. Lúc đầu, bệnh viện có nhiều mạnh thường quân gửi tặng nước uống đóng chai, sữa, trái cây và nhiều thứ khác. Rồi dịch bệnh kéo dài, những thứ trên cũng dần hạn hẹp. Chủ yếu chỉ còn nước uống đóng thùng. Vậy nên, mỗi khi đến ca trực, tôi đều ôm theo thùng sữa hoặc thùng nước uống đóng chai, mang để tủ lạnh. Hết ca trực thì mọi người cùng uống mà không biết nó từ đâu mà có. Chúng tôi coi nhau là anh chị em, là gia đình nên có gì cũng san sẻ.

Tôi nhớ lần cùng 2 điều dưỡng đi thăm một chị điều dưỡng khác bị nhiễm Covid-19. Khi lên thăm thì chị ấy mừng lắm, mấy anh chị thăm hỏi chuyện trò động viên nhau vượt qua. Nhờ xin đi theo, nên từ đó tôi biết đường đi thăm bệnh nhân ở các khoa khác mỗi khi rảnh.

Trước khi chúng tôi kết thúc đợt 1 trở về, có một chị điều dưỡng bị nhiễm bệnh. Thế là chúng tôi làm vệ sinh phòng cho chị ấy điều trị. Chị ấy vừa cảm thấy ngại, vừa cảm động khi các thầy, các sơ đi giúp đỡ ngược lại mình. Có lẽ nhờ vậy chị đã sớm khỏi bệnh và giờ đây đã quay trở lại làm việc.

Lời yêu thương của một tu sĩ Công giáo gửi y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Tấm hình kỷ niệm nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh NVCC

Ngày cuối cùng làm việc nơi đó, tôi đến bên các anh chị điều dưỡng, y, bác sĩ nói lời chia tay. Gắn bó với nhau ở nơi ranh giới sống chết này chắc hẳn để lại trong mỗi người nhiều kỷ niệm. Nhiều người nghẹn ngào nói lời chia tay với nhiều cầu chúc "Các thầy, các sơ đi về bình an, hẹn gặp lại". Sau cùng, chụp với nhau tấm hình kỷ niệm còn thiếu nhiều gương mặt thân thương.

Dấu chỉ để nhận ra con cái của Chúa là "anh em yêu thương nhau", nơi đây tôi đã nhận ra chúng tôi là anh chị em của nhau bởi dấu chỉ tình thương. Xin cám ơn tình yêu của anh chị điều dưỡng, y, bác sĩ đối với bệnh nhân, tình yêu và sự quý trọng của anh chị đối với chúng tôi. Mong cơn dịch bệnh chấm dứt để các y, bác sĩ được trở về cùng gia đình, mọi người trở về với cuộc sống bình thường mới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn