Lớp học chữ ấm tình quân - dân ở cao nguyên đá

LỚP HỌC CHỮ ẤM TÌNH QUÂN - DÂN Ở CAO NGUYÊN ĐÁ

Gần 3 tháng kể từ ngày tham gia lớp học xoá mù chữ, đến nay chị Giàng Thị Máy (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã có thể ghép vần đơn giản. Đó là hành trình nỗ lực của cả thầy và trò trong hành trình đi tìm con chữ để thay đổi cuộc đời cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lớp học đặc biệt

Giàng Thị Máy sinh ra và lớn lên ở xã Sủng Là - nơi người ta vẫn gọi là "bông hoa rực rỡ giữa cao nguyên đá" với những ruộng ngô xanh mướt, những dải hoa tam giác mạch phủ khắp các triền đồi, những mái nhà tường trình nhỏ nhắn. Như phần lớn những cô gái khác, Máy lấy chồng từ sớm, chẳng được học hành nhiều, lại sinh con khi chưa trưởng thành, cuộc sống của cô quanh quẩn ở vòng tròn của sự đói nghèo và lạc hậu.

Những ngày đầu hè, khách du lịch đến Hà Giang bắt đầu nhiều hơn. Vì vậy, một nhóm phụ nữ ở xã, trong đó có Máy, tập hợp tại điểm dừng chân để bán những món hàng là sản vật địa phương. Gặp Máy vào cuối chiều, cô đang thoăn thoắt dọn hàng cùng mấy đứa con, vừa làm vừa nhắc chúng khẩn trương để tối còn đến lớp học.

Những đứa trẻ tranh thủ "mưu sinh" trong dịp hè tại điểm tham quan phim trường Chuyện của Pao (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn)

Máy cho biết, cô được bầu làm lớp trưởng của lớp xóa mù chữ tại xã, lớp đã mở được hơn 2 tháng nay. Cứ mỗi buổi tối, Máy sẽ đến Nhà văn hóa thôn mở cửa sớm để chờ các "thầy", tập hợp chị em và các cháu nhỏ cùng nhau tập đọc tập viết tại một lớp học đặc biệt. 

"Ngày xưa, mình cũng được đi học nhưng học có mấy lớp thôi à, lâu rồi không nhớ gì nữa. Bây giờ cán bộ mở lớp đến động viên đi học cái chữ, còn biết mà ra ngoài kia bán hàng và nói với khách du lịch" - Máy chia sẻ bằng vốn tiếng phổ thông ít ỏi.

Gần 19 giờ, Nhà văn hóa thôn Lũng Cẩm (xã Sủng Là) bắt đầu nhộn nhịp tiếng nói cười. Các học sinh tại lớp xóa mù chữ là hội viên, phụ nữ và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, trong đó có 2 cháu là con đỡ đầu của Hội LHPN huyện Đồng Văn. Mọi người tranh thủ hỏi han nhau, lớn bé cùng ôn bài rất rôm rả. 19 giờ kém 5 phút, 2 thầy giáo là bộ đội biên phòng cửa khẩu Phó Bảng có mặt. Vừa dừng xe, các thầy nhanh chóng di chuyển vào phía trong, không quên cầm cho đám trẻ con theo mẹ tới lớp ít bánh kẹo và dặn chúng chơi ngoan trong lúc mẹ học bài.

Đúng giờ (19h), lớp học bắt đầu điểm danh. "Hôm nay, lớp vắng 1 bạn do trời mưa lầy đường không đi học được, đã gọi điện xin phép thầy giáo. 15 bạn còn lại chúng ta ôn tập vần có chữ b, d, đ, ơ nhé" - "thầy" Nguyễn Hữu Quyết bắt đầu buổi học. "A... dờ a da..., o... bờ o bo huyền bò, da bò"... cứ thế, phía trên có một thầy giáo giảng dạy mặt chữ và cách phát âm, phía dưới một thầy giáo cẩn thận đi từng bàn uốn nắn học sinh viết từng nét chữ

Hà Giang: Lớp học chữ ấm tình quân - dân - Ảnh 3.

Thượng úy Nguyễn Hữu Quyết trở thành giáo viên tại lớp học xóa mù chữ xã Sùng Là (huyện Đồng Văn)

Hà Giang: Lớp học chữ ấm tình quân - dân - Ảnh 4.

Chị Giàng Thị Máy (giữa) được bầu làm lớp trưởng, thường đôn đốc nhắc nhở chị em tham gia lớp học cùng cán bộ Hội LHPN cấp trên

Theo chia sẻ của bà Vương Thị Xuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn (Hà Giang), kể từ ngày 17/4/2023, Hội LHPN huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Phó Bảng (huyện Đồng Văn) tổ chức lớp học xóa mù chữ cho bà con tại xã Sủng Là. Trong nhiều năm qua, tình trạng chị em và các cháu nhỏ tái mù chữ hoặc không theo kịp chương trình học trên lớp diễn ra rất nhiều.

Hội LHPN huyện mong muốn sau 6 tháng học, chị em có thể giao tiếp cơ bản và biết làm tính cộng trừ để phục vụ ngay cho việc bán hàng ở điểm du lịch. Khi đời sống cải thiện rồi, chị em sẽ bảo nhau và ý thức được sự quan trọng của kiến thức mà tiếp tục cho con cái đến trường.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn (Hà Giang) Vương Thị Xuyến

Công cuộc tổ chức lớp học cũng không hề dễ dàng. Bà Vàng Thị Cầu - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn - cho biết, để làm thí điểm mô hình lớp xóa mù chữ xã Sủng Là, Hội LHPN huyện đã đi vận động kinh phí từ các mạnh thường quân, sau đó động viên, khuyến khích hội viên, phụ nữ và các cháu nhỏ tham gia học tập. Tại địa điểm học là nhà văn hóa thôn Lũng Cẩm, Hội sẽ chuẩn bị từ sách vở, bảng viết, đóng tiền điện hàng tháng cho thôn và đặc biệt, chuẩn bị cho các chị em và các con mỗi người một chiếc đèn pin để thuận lợi đi lại khi mặt trời xuống núi.

"Để khuyến khích bà con đi học, khâu dân vận là quan trọng nhất. Mình trang bị cho họ từ những chi tiết nhỏ, động viên và chỉ ra những lợi ích của việc học gắn với thực tế cuộc sống cho bà con. Có như vậy, chúng tôi mới có thể duy trì lớp học với sĩ số ổn định như thế này", Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn cho hay.

Những thành quả ấm lòng

Vừa kiên nhẫn chỉ dạy cho học sinh, Thượng úy Nguyễn Hữu Quyết (Đồn Biên phòng Phó Bảng) vừa chia sẻ, lần đầu đứng lớp, người lính trẻ không khỏi bối rối và hơi "run" khi được Chỉ huy đơn vị và Hội LHPN huyện giao phó nhiệm vụ. Thượng úy Nguyễn Hữu Quyết cho biết: "Một tuần, chúng tôi sẽ dạy học từ 3-5 buổi không kể mưa gió. Mình cũng nghiên cứu nhiều tài liệu, tham khảo kinh nghiệm của một số thầy cô "cắm bản" và chuẩn bị một giáo án riêng để dạy học tại lớp đặc biệt này".

Để công tác dạy và học có hiệu quả, lớp có tới 2 thầy giáo cùng tham gia giảng bài. "Thầy" Phương cũng là bộ đội biên phòng, đồng thời là người đồng bào tại mảnh đất Đồng Văn, vậy nên thầy đảm nhận nhiệm vụ "thông ngôn", vừa kèm cặp thêm cho các học viên lớn tuổi, vừa là người truyền cảm hứng thực tế nhất cho những đứa trẻ noi gương để vươn lên trong học tập.

"Thầy" Phương (bìa trái) là một chiến sĩ biên phòng người dân tộc Mông tham gia giảng dạy nhằm truyền cảm hứng cho các em nhỏ quyết tâm học chữ

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng cùng chương trình học thiết thực của Hội LHPN huyện và Đồn Biên phòng Phó Bảng, sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay nhiều học viên trong lớp đã tiến bộ rõ rệt. Giàng Thị Máy cho biết, bản thân chị hiện nay đã ghép được các vần đơn. Các phép tính cộng trừ phạm vi nhỏ chị đã thành thạo.

Các em nhỏ tuy có phần rụt rè nhưng khả năng tiếp thu có nhanh hơn so với các cô, các mẹ. Em Vàng Thị L. (11 tuổi) tâm sự, nhà em có tới 8 chị em gái, bố đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có mẹ và bà nội đã lớn tuổi. Vì vậy hàng ngày mấy chị em chủ yếu theo mẹ đi bán hàng, làm thuê, trồng ngô, ai cho gì ăn nấy, tối đến về nhà cũng chỉ có mèn mén với rau ăn qua bữa. "Nhà cháu không có tiền đi học" - L. rụt rè. Để L. tham gia lớp học này, cán bộ Hội phụ nữ phải động viên gia đình rất nhiều. Thành quả bước đầu khiến cô bé rất háo hức đến lớp.

Nhìn những gương mặt ngượng ngùng, những đôi tay cầm bút còn nguệch ngoạc, "thầy" Quyết bảo cả thanh xuân làm lính, cũng trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc buồn vui nhưng có lẽ cảm xúc hồi hộp khi lần đầu được đứng trên bục giảng là ấn tượng khó phai trong quân ngũ của "thầy". Còn với thầy "Phương", phải được tận mắt nhìn sự ân cần và kiên nhẫn của thầy khi hướng dẫn bọn trẻ viết đi viết lại một nét chữ, người ta mới hiểu được khát vọng thay đổi và sự mong mỏi vào thể hệ trẻ của những người đồng bào lớn lao biết nhường nào. 

Bà Vàng Thị Cầu - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn (bìa phải) động viên chị em tại lớp học

Dự kiến lớp học sẽ kết thúc sau 6 tháng. Bà Vương Thị Xuyến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn - cho biết: "Nhìn thấy sự tiến bộ của các cháu, đặc biệt là những chị em lớn tuổi vẫn kiên nhẫn ngồi học, chúng tôi rất xúc động. Tôi hy vọng mô hình này có thể nhân rộng, có thêm nhiều cơ quan tổ chức khác cùng đồng hành để ngày càng nhiều hội viên, phụ nữ và các trẻ em là người DTTS trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn, các con đỡ đầu của Hội được tham gia học tập, có cơ hội thay đổi cuộc sống thông qua tri thức".

Buổi học kết thúc lúc 21 giờ nhưng có vẻ chẳng ai muốn đứng dậy đi về. Các chị vẫn cố nán lại hỏi thầy bài vở, các cháu vui vẻ chuyện trò với chúng bạn sau một ngày dài lao động cùng cha mẹ. Phía dưới lớp, đám nhỏ theo mẹ đi học cũng ê a đố vui nhau tập đọc theo bài học thầy vừa dạy trên lớp.

Những hình ảnh giản dị thân thương đã lâu không còn thấy ở nơi phố thị nhưng ở miền biên viễn của Tổ quốc như Hà Giang, nơi cuộc sống của đồng bào DTTS vẫn còn nghèo đói và ảnh hưởng bởi những hủ tục lạc hậu thì đây là hy vọng, là một hành động cụ thể khác cho mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", là những nỗi trăn trở về tương lai của phụ nữ và trẻ em mà những người làm công tác xã hội mong mỏi có thể đổi thay thông qua tri thức.


Thu Hà
08/07/2023 00:00