Lớp học sân chùa của học sinh đồng bào Raglai

10/07/2022 10:30

Từ lâu nay, chùa Long Cát, thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, không chỉ là nơi tu học, địa chỉ cứu đói của đồng bào Raglai, mà còn là nơi để hơn một trăm em học sinh nghèo hiếu học đến để nuôi con chữ mỗi khi chiều về.

Lớp học sân chùa của học sinh đồng bào Raglai - Ảnh 1.

Ni sư Thích nữ Đức Thịnh và các em học sinh người Raglai.

Lớp học cho học sinh nghèo

Ni sư Thích nữ Đức Thịnh, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông tỉnh Ninh Thuận, Phó ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo huyện Thuận Bắc, trụ trì chùa Long Cát đã mở lớp học tình thương được ngót 22 năm. Ở vùng đất này, những phụ huynh đồng bào Raglai đưa con đến lớp học tình thương đều có hoàn cảnh khó khăn, cái ăn phải chạy bữa hàng ngày, cái mặc cũng không đủ ấm. Thế nên, với họ, con cái được học chữ miễn phí là điều may mắn.

“Con học lớp 1, mình chở con đi học để con biết chữ. Biết chữ thì sẽ không bị ăn hiếp. Mình vui lắm chớ vì con nó có chỗ học, chớ mình học lớp 3 là nghỉ rồi, đâu biết gì mà dạy cho con”, chị Chamaléa Thị Triệu, 23 tuổi, có con học ở lớp tình thương chùa Long Cát cho biết.

Vì để con biết chữ mà ngày nào chị cũng làm rẫy về sớm, để chở con đến lớp học tình thương. “Đói bụng một bữa, hai bữa không chết. Chứ đói chữ là khổ, là chết thiệt luôn đấy chứ. Vì mình khổ quá rồi mình biết”, chị Triệu nói.

Chamaléa Thị Hoàng Linh, học lớp 4B Trường Tiểu học Công Hải bộc bạch: “Học ở chùa rất vui, có thầy (Ni sư), có cô giáo và các bạn. Ở nhà không ai biết chữ để dạy cho con hết”. Cùng đến chùa học chữ, Eaxích Thị Luyến, lớp 4 nói rằng: “Con thấy các bạn đi học, con cũng xin ba mẹ cho đi học. Có chữ không bị cười, đến chùa có cơm ăn không đói bụng, có người chơi cùng nữa”.

Từ ngày mở lớp, các em chưa bao giờ gián đoạn ngày học nào theo lịch báo giảng. Lớp dù chỉ có một, hay hai em đến học, giáo viên vẫn dạy. “Không để các em đến lớp rồi đi về chỉ vì lớp vắng bạn. Mình muốn tạo sự nề nếp và nguyên tắc cho các em, để các em hiểu lớp học này vì các em mà lập ra, để nuôi con chữ”, Ni sư Đức Thịnh cho biết.

Điều đặc biệt, ở lớp học dưới sân chùa này, ngoài học chữ, các em còn được học những bài học về câu chuyện tình người. Một tháng, để duy trì lớp học tình thương cho các em học từ lớp 1 cho đến lớp 5 xuyên suốt như thế này, ngoài tiền hỗ trợ xăng xe cho giáo viên 5 triệu đồng mỗi tháng, chùa còn phải chi thêm nhiều khoản khác.

Lớp học sân chùa của học sinh đồng bào Raglai - Ảnh 2.

Lớp học tình thương chùa Long Cát.

Ở lớp học tình thương này, các em được lo từ quyển vở, quyển sách, cây bút, chiếc áo trắng, đến chuyện cái ăn ấm bụng trước khi vào lớp. Cây bút hết mực, các em cầm vào thưa sư để được đổi cây bút mới; quyển tập vừa hết trang, các em chạy vào phòng Ni sư gõ cửa xin quyển tập trắng mới. “Chỉ sợ một ngày nào đó không có sức để duy trì lớp học cho các em, ngoài ra khó khăn gì cũng không ngại”, Ni sư Đức Thịnh nói.

Thầy Nguyễn Văn Hiển, giáo viên Trường Tiểu học Công Hải, người đã gắn bó lớp học từ năm 2010, lúc thầy mới ra trường, chia sẻ: “Vì thương Ni sư và thương nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, không đi học ở trường được, phải đi chăn bò, làm thuê lại rất thích học. Khi Ni sư mở lớp dạy ban đêm, mình muốn góp một phần trách nhiệm cho quê hương mình, muốn dạy cho các em biết chữ để các em có cuộc sống tốt hơn”. Đồng hành xuyên suốt với lớp học tình thương, dạy xong ở trường chính quy, chiều thầy ráng thêm hai tiếng đến đây dạy cho các em, dù trời mưa cũng không nghỉ, dù đôi khi dạy cả ngày ở trường đã rất mệt.

“Tôi quý Ni sư ở tấm lòng, luôn dốc hết sức cho các em nên luôn dành thời gian đồng hành. Có nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn, ban ngày phải đi chăn bò, không học ở trường. Ni sư đem các em về lớp tình thương học vào buổi chiều tối, chăm các em đầy đủ, cho sách vở, mua quần áo, tặng quà khích lệ, động viên nên các em hứng thú đi học. Nhờ vậy các em mới biết chữ, đời các em mới bớt khổ đi rất nhiều”, cô Lê Thị Kim Phương, giáo viên Trường Tiểu học Công Hải, người đã gắn bó với lớp hơn 20 năm qua tâm sự.

Học trò góp củi đến chùa nuôi con chữ

Ni sư Thích nữ Đức Thịnh thương các em học sinh thế nào thì các em và phụ huynh đồng bào cũng thương Ni sư như vậy. Nhà có trái bầu, trái bí, trái ngô hay rau rừng, phụ huynh cũng chở đến chùa cúng dường.

Bên hông chùa là vại củi, từng bó chất chồng lên nhau. Mỗi bó củi là của một em học sinh mang đến để nhà chùa nấu cơm cho ăn. Cô Pi Năng Thị Lanh, thôn Ba Hồ, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, 56 tuổi công quả ở chùa, nấu cơm cho các em bộc bạch: “Ít khi chùa nấu ga, nấu củi để đỡ tốn tiền. Nấu củi cực nhiều nhưng phải tiết kiệm chứ biết làm sao”.

Lớp học sân chùa của học sinh đồng bào Raglai - Ảnh 3.

Các em được ăn cơm trước khi vào lớp.

“Thương đồng bào dân tộc, trong lúc mình mới về chùa, gạo thóc khó khăn, chùa trồng ngô để ăn. Mình nói họ mai nhổ cỏ ngô, bà con mình ai rảnh xin xuống phụ. Hôm sau, sáng sớm có hơn 40 người đã tới làm nhưng trả tiền không ai chịu lấy. Họ kêu nhà chùa làm gì có tiền, sư làm gì có tiền. Sự chân chất làm mình quý nên muốn làm nhiều hơn cho đồng bào”, Ni sư Đức Thịnh bộc bạch về lý do dành nhiều tình cảm cho đồng bào nơi đây.

Ni sư kể lúc được bổ nhiệm về Thuận Bắc, Phật tử thân thiết ở TP.HCM và TP.Phan Rang - Tháp Chàm đã khóc rất nhiều vì khi đó, vùng đất này còn rất nhiều khó khăn. Nhưng Ni sư đã nghĩ Phật bổ nhiệm nơi đâu thì làm Phật sự nơi đó, không có gì phải buồn hay nản, nên bước qua được mỗi khi có thử thách, làm được nhiều việc cho người đồng bào. Tối Chủ nhật nào, tại chùa Long Cát cũng có 40 đến 50 người đồng bào đến chùa tu học, niệm Phật và phát tâm cố gắng làm tốt năm giới đã quy y Tam bảo.

“Người đồng bào họ cũng muốn tu nhưng họ không biết tiếng Việt, không tụng kinh được. Nhưng họ niệm Phật tốt nên ngày Chủ nhật, mình không tụng kinh mà niệm Phật, để Phật tử đồng bào tham gia được”, Ni sư cho biết.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn