Luôn yêu thương và chia sẻ để gìn giữ hạnh phúc gia đình

26/08/2021 07:25
Chị SaLy Mad (bìa phải) cùng những người thân trong gia đình

Chị SaLy Mad (bìa phải) cùng những người thân trong gia đình

Hơn 20 năm sống chung dưới một mái nhà, bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình của anh Mohamed JA và chị SaLy Mah (dân tộc Chăm, ngụ phường 7, quận 6, TPHCM) là luôn yêu thương, chia sẻ mỗi ngày và bình đẳng với nhau trong vấn đề tài chính gia đình.

Chủ động hơn trong tài chính gia đình

Những ngày này, khi TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội, các thành viên trong gia đình anh Mohamed JA (51 tuổi) và chị SaLy Mah (50 tuổi) đều hạn chế ra đường tối đa nhằm góp phần phòng chống dịch Covid-19. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng đây cũng được xem là thời gian đáng quý khi mọi người được ở gần bên nhau nhiều hơn. Vì thế mà trong căn nhà lúc nào cũng ngập tràn niềm vui, tiếng cười.

Chị SaLy Mah cho biết, chị và anh Mohamed JA về sống chung dưới một mái nhà đến nay cũng đã hơn 20 năm. Vợ chồng chị đã có với nhau hai cô con gái, cháu đầu năm nay 20 tuổi và con gái út 13 tuổi. "Trước đây, vợ chồng cũng thường dành thời gian đưa các cháu đi chơi, hai đứa nhỏ cũng thường về An Giang chơi trong dịp hè. Bây giờ tình hình dịch bệnh thì phải ở nhà, tôi cũng chăm sóc mẹ nên vài năm nay ít đi đây đi đó hơn", chị SaLy Mah tâm sự.

Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị SaLy Mah cho biết, bản thân rất hạnh phúc khi chồng rất thông cảm và chia sẻ với chị và các con trong cuộc sống. Theo chị, để gia đình luôn đầm ấm, vui vẻ thì quan trọng nhất vợ chồng phải luôn chia sẻ, tâm sự với nhau mọi điều trong cuộc sống hàng ngày.

Gia đình người Chăm: Chia sẻ mỗi ngày, bình đẳng trong tài chính - Ảnh 1.

Chị SaLy Mah cùng con gái

"Để cuộc sống vui vẻ thì vợ chồng cũng phải chia sẻ, nhường nhịn nhau. Nếu thích, hay không thích điều gì cũng phải thẳng thắn với nhau. Thường thì mọi người cùng chia sẻ với nhau trong bữa cơm gia đình. Nếu có nỗi buồn hay niềm vui trong cuộc sống, tôi đều chia sẻ với chồng", chị SaLy Mah nói.

Trong vấn đề nuôi dạy con cái, vợ chồng chị đều thống nhất và cố gắng hình thành tính tự giác cho các con trong học tập và cả các vấn đề khác. Cả vợ chồng không quá đặt nặng áp lực, thành tích học tập cho các con. Cố gắng dạy các con những điều tốt đẹp và các kĩ năng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, anh chị cũng luôn chia sẻ để các con nỗ lực, cố gắng làm những điều mình thích, nhất là xác định được mục tiêu, niềm đam mê trong tương lai của bản thân.

Cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò của người phụ nữ và đàn ông trong gia đình người Chăm cũng đã có những thay đổi đáng kể so với trước đây. Chị SaLy Mah chia sẻ, trước đây, vấn đề tài chính trong gia đình thường do người đàn ông nắm giữ, quyết định.

Gia đình người Chăm: Chia sẻ mỗi ngày, bình đẳng trong tài chính - Ảnh 2.

Ngoài việc chăm sóc cho gia đình, chị chị SaLy Mah còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc này đã dần thay đổi, khi cả vợ và chồng để trở nên bình đẳng với nhau trong vấn đề tài chính. Việc quản lý tiền và chi tiêu trong gia đình có sự tham gia, trao đổi của cả vợ chồng, nhất là đối với các khoản chi tiêu quan trọng. Theo chị SaLy Mad, điều này đã giúp người phụ nữ thoải mái, chủ động hơn trong chi tiêu, cân đối được tài chính của gia đình.

Nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội

Không chỉ chăm lo cho hạnh phúc gia đình, trong nhiều năm qua, chị SaLy Mah còn tham gia nhiệt tình vào công tác xã hội tại địa phương. Hiện tại chị đang tham gia vào Ban Chấp hành Hội LHPN phường 7 (quận 6, TPHCM) và còn là thành viên trong các tổ chức, đoàn thể khác. Với hoạt động sôi nổi và những thành tích đã đạt được, chị đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội LHPN TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Đặc biệt, trong thời gian qua, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với vai trò của mình, chị SaLy Mah đã nhiệt tình tham gia vào công tác hỗ trợ cuộc sống cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là cho cộng đồng người Chăm sinh sống trên địa bàn. Do sâu sát địa bàn nên chị nắm rõ được từng hoàn cảnh cụ thể của người dân, qua đó có những đề xuất, hỗ trợ kịp thời; trong đó có hỗ trợ về lương thực thực phẩm và y tế.

Theo chị SaLy Mah, trước đây, sau khi lập gia đình, những phụ nữ Chăm hầu như chỉ ở nhà, làm nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có không ít chị em đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Theo chị, có được điều đó là do chị em nhận thấy được những kết quả tốt đẹp khi tham gia vào các tổ chức đoàn thể, phong trào.

Gia đình người Chăm: Chia sẻ mỗi ngày, bình đẳng trong tài chính - Ảnh 3.

Chị em phụ nữ người Chăm sinh hoạt trong dịp Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Chị SaLy Mad kể, lúc đầu khi kêu gọi các chị em tham gia hoạt động xã hội hay các chương trình kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)… rất khó khăn. Nhưng chị đã động viên, chia sẻ với các chị em, để thu hút phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội.

Bên cạnh đó, chính người đàn ông cũng động viên, khuyến khích vợ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng. "Ban đầu cũng rất nhiều chông gai. Nhưng rồi mình cứ kiên nhẫn vận động, chia sẻ để các chị nhận thấy được lợi ích khi tham gia vào các hoạt động. Chị em nào cần giúp đỡ gì thì sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ. Vì thế mà các chị em ngày càng tham gia nhiệt tình hơn", chị SaLy Mah cho biết.

Theo chị SaLy Mah, nhiều lúc làm công tác phong trào, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay cũng thấy vất vả, nguy hiểm. Nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh của những người dân khó khăn, nhất là người trong cộng đồng Chăm cần giúp đỡ thì chị lại cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa.

"Tình hình dịch bệnh phức tạp cũng nguy hiểm chứ, cũng lo ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng càng khó khăn thì mình phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp đỡ, chia sẻ với người dân. Góp sức giúp cho người dân, cộng đồng người Chăm vượt qua được giai đoạn đầy chông gai này", chị SaLy Mah chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn