Mái đầu xanh ngã xuống, mái tóc bạc đau đáu kiếm tìm

25/07/2021 11:13
Đội Quy tập mộ liệt sĩ cùng thân nhân liệt sĩ xem tọa độ trên bản đồ, xác định vị trí, khu vực tìm kiếm. Ảnh minh họa: Minh Nguyễn

Đội Quy tập mộ liệt sĩ cùng thân nhân liệt sĩ xem tọa độ trên bản đồ, xác định vị trí, khu vực tìm kiếm. Ảnh minh họa: Minh Nguyễn

Gần 5 thập kỷ qua, người nhà tôi vẫn miệt mài tìm kiếm hài cốt của bác cả. Khát khao tìm được phần mộ của bác vẫn là nỗi niềm đau đáu khôn nguôi của cả đại gia đình tôi.

Mẹ tôi là con út trong một gia đình có 7 người con. Năm tiễn bác cả lên đường ra trận, mẹ tôi mới lên 3. Mọi câu chuyện về bác, mấy anh chị em trong nhà đều phải nghe qua lời ông bà ngoại kể.

Bác tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một lần, khi đang đi vận chuyển gạo cùng đồng đội, bác bị giặc phục kích tại chân núi Cô Tô, tỉnh An Giang, bác và đồng đội quyết chống trả. Cuối cùng, bác bị thương nặng và hy sinh ngay tại chân núi.

Mái đầu xanh ngã xuống, mái tóc bạc đau đáu kiếm tìm - Ảnh 1.

Nghĩa trang quê nhà mỗi dịp 27/7 ấm dần lên bởi những ánh nến của lòng tri ân

Trước khi nhập ngũ, bác đang học ngành Y tại tỉnh nhà. Chưa hoàn thành xong việc học, năm 1972, giấy gọi đã gửi đến tận nhà. Ông ngoại tôi khi ấy là cán bộ xã, phải dằn lòng mà nói: "Giấy đã gọi, kể cả đang học cũng phải gác lại để lên đường con ạ".

Gác lại tình cảm riêng, bà ngoại tôi cũng đành ngậm ngùi khăn gói, sắp xếp đồ đạc cho bác cả lên đường. Sau này, tôi vẫn nhớ như in lời bà kể lại: "Lúc ấy, bà biết cho bác đi là 9 mất, 1 còn, nhưng không thể nào làm khác được".

Chưa tròn 2 năm kể từ ngày nhập ngũ, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của bác. Đến giờ mọi người vẫn hay kể lại rằng giây phút ấy cả nhà chân đứng không vững, mắt nhòe đi khi đọc dòng chữ "Giấy báo tử" đi kèm thông tin rõ ràng, chính xác về bác cả nhà tôi.

Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Hai từ "chiến tranh" chỉ còn được nghe trong sách vở, đài báo và một vài câu chuyện người lớn kể lại. Nhưng tôi biết, chẳng phải với riêng gia đình tôi, mà mọi gia đình có con đi nhập ngũ trên mảnh đất hình chữ S này, khoảnh khắc đau lòng nhất, khó trụ vững nhất là khi biết mình sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội được chào đón người thân trở về sum họp.

Tôi vẫn thường nghĩ, mọi khó khăn trên đời đều có thể trải qua, nhưng quả thực, chẳng có nỗi đau nào giằng xé con người ta hơn khi những người thân yêu của nhau lại ở 2 thế giới âm dương cách biệt. Với gia đình tôi, nỗi đau ấy chưa lúc nào nguôi ngoai vì đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của bác cả.

Mái đầu xanh ngã xuống, mái tóc bạc đau đáu kiếm tìm - Ảnh 2.

Đoàn thanh niên địa phương thường đến dọn dẹp mộ ở nghĩa trang quê nhà trước ngày Thương binh liệt sĩ 27/7

Ông bà ngoại tôi vì tuổi cao sức yếu, giờ cũng đã mồ yên, mả đẹp. Trước khi mất, ông bà chỉ mong tìm được phần mộ của con. Nhiều năm qua, gia đình tôi cũng đi tìm phần bộ của bác nhưng những chuyến đi của các bác và anh chị vào An Giang đều trở về trong vô vọng.

Tôi biết, bác không phải liệt sĩ duy nhất còn thất lạc phần mộ. Nhiều mái đầu xanh đã ngã xuống nơi đâu đó trên chiến trường ác liệt và gia đình họ cùng các cơ quan chức năng vẫn đang ngày đêm dốc sức kiếm tìm, mong một ngày nào đó hy vọng sẽ gõ cửa.

Thuở học cấp 2, trường tôi nằm gần nghĩa trang liệt sĩ. Từ chiều 26/7, tôi và một số nhóm bạn trong trường đã được phân công ra đó dọn dẹp, nhặt cỏ phần mộ của các liệt sĩ. Dù chẳng quen biết họ, nhưng tôi tin thế hệ chúng tôi dù có người thân hy sinh hay không, cũng sẽ không bao giờ quên công ơn mà những người đã xanh cỏ ở đây dành cho Tổ quốc.

Khoác trên mình chiếc áo trắng đồng phục và khăn quàng đỏ thắm trên vai, lớp trẻ chúng tôi sau khi dọn dẹp, quét tước nghĩa trang, sẽ thắp lên phần mộ của các bậc cha anh mỗi người một nén nhang, đặt kèm một bông hoa cúc hoặc hoa ly.

Mái đầu xanh ngã xuống, mái tóc bạc đau đáu kiếm tìm - Ảnh 3.

Những ngọn nến tỏa sáng trong đêm cùng bông cúc trắng thắp lên lòng tri ân của người còn sống tới các liệt sĩ đã ngã xuống vì non sông đất nước

Ngày này, người ta đến đây nhiều hơn. Ai nấy đều mang hoa, hương, hoặc nến trắng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người con đã hy sinh để bảo vệ đất nước. Có họ, mới có chúng tôi ngày hôm nay. Họ ngã xuống, chúng tôi mới được đứng hiện diện ở đây.

Cỏ được tỉa tót gọn gàng, bia mộ hiện lên rõ ràng tên tuổi "vàng" của các liệt sĩ dựng hiên ngang trong bầu không khí trầm mặc, hòa lẫn mùi hương khói lan tỏa trong chiều hạ. Nghĩa trang ngày này cứ ấm dần lên bởi tấm lòng thế hệ đi sau.

Dịp này, cán bộ địa phương cũng có những món quà nhỏ gửi tặng đến các gia đình có người thân là thương binh, liệt sĩ đã có công với Cách mạng. Họ đến thăm hỏi, động viên, trao nhau những lời cảm kích từ tận đáy lòng.

Nến trắng thường được thắp từ chập tối. Gia đình các liệt sĩ có phần mộ ở đây sẽ tập trung đông đủ, cùng nhau chắp tay cầu nguyện, thắp lên ánh sáng của lòng tri ân, kính trọng. Tôi cũng mang trong mình thứ xúc cảm biết ơn từ tận sâu thẳm cõi lòng, nhưng có gì đó buốt nhói nơi tâm can. Có lẽ, bởi trên cả sự tri ân đến những người đã ngã xuống, tôi nhớ đến người bác dù chưa một lần gặp mặt, xót xa khi bác chưa được về quy tụ với tổ tiên và đồng đội quê nhà.

Ngày 27/7, cả nhà thường ngồi đoàn tụ, làm mâm cơm, hoa trái, nén hương để dâng lên bác, rồi cùng kể lại những câu chuyện từ thuở bác còn chưa đeo balo ra chiến trận trong niềm thương nhớ, xúc động. Bác tôi ra đi khi mái tóc còn xanh, các bác thứ trong nhà tóc cũng bạc dần, chỉ mong sao sớm tìm được người anh nằm xuống nơi chiến trận vì sự thống nhất Tổ quốc hôm nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.