Từ đứa trẻ mới bắt đầu biết nói tới những người già gần đất xa trời, ai cũng gọi sơ Đặng Thị Nụ bằng cái tên trìu mến là “Mẹ Nụ”. Người mẹ đặc biệt này đã cưu mang, chăm sóc hơn 30 mảnh đời bất hạnh (trẻ em mồ côi và phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa) trong suốt hơn 10 năm qua.

"Mẹ Nụ" và Mái ấm Têrêsa (còn gọi là Mái ấm Sơ Nụ)


"Mẹ Nụ" nguyện suốt đời nâng đỡ trẻ mồ côi, phụ nữ không nơi nương tựa


Từ đứa trẻ mới bắt đầu biết nói tới những người già gần đất xa trời, ai cũng gọi sơ Đặng Thị Nụ bằng cái tên trìu mến là "Mẹ Nụ". Người mẹ đặc biệt này đã cưu mang, chăm sóc hơn 30 mảnh đời bất hạnh (trẻ em mồ côi và phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa) trong suốt hơn 10 năm qua.


Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

Sơ Đặng Thị Nụ, ở Giáo họ Thụ Ðiền thuộc Giáo xứ Tràng Quan (xã Ðông Ðộng, huyện Ðông Hưng, Thái Bình). Sơ Nụ sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Hưng Hà (Thái Bình). Tuy cảnh nhà khó khăn nhưng ai trong số những anh chị em của sơ cũng đều ham học, có tới 6/9 người đều được ăn học tới cao đẳng - đại học, có ngành nghề. Sơ Nụ là người con áp út cũng được học đại học, tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học ở một trường đại học tại TP HCM.

Sơ Nụ chia sẻ: "Ai cũng mang trong mình một lý tưởng sống, một hướng đi riêng". Qua sự tìm hiểu và cân nhắc kỹ càng, năm 20 tuổi (1991), sơ Nụ đã quyết định sống theo tinh thần của Chúa Kitô trong Đạo Công giáo và học chuyên ngành Xã hội học nhằm phục vụ con người trong các công tác thiện nguyện.

Vì lẽ trên, trong thời gian ngồi trên ghế đại học đã góp phần nung nấu trong tâm sơ Nụ một ngọn lửa tình yêu dành cho người bất hạnh, đặc biệt là phụ nữ độc thân cô đơn không nơi nương tựa, những phụ nữ bị bạo hành, bỏ rơi, những trẻ mồ côi không người nâng đỡ.... 

"Tôi muốn làm chân tay cho người tàn phế, làm đôi mắt cho người đui mù, làm tai nghe cho người bị điếc, làm miệng cho người không nói được, làm tiếng kêu cho người chịu bất công", sơ Nụ bày tỏ.

“Mẹ Nụ” nguyện suốt đời nâng đỡ những kiếp người mồ côi, không nơi nương tựa - Ảnh 2.

Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì tìm kiếm một công việc ổn định như bạn bè, sơ Nụ đã quyết định trở về quê nhà (tỉnh Thái Bình) mở các lớp dạy nghề may miễn phí (trước khi học đại học sơ Nụ là chủ một tiệm may) cho phụ nữ nghèo các vùng nông thôn ở huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng – tạo công việc, thu nhập ổn định cho hàng trăm người.

Sau khi những lớp này đã ổn định, với mong muốn chăm sóc những thân phận yếu thế hơn, năm 2009, sơ Nụ bắt đầu len lỏi tìm đến những ngôi nhà ảm đạm heo hút của những mảnh đời tàn phế không còn người thân, bại liệt cô đơn không tự lo cho mình được để phục vụ giúp họ. Khi đó, dù trong tay chưa có gì cả, nhưng ước mơ về một mái ấm tình thương, nơi quy tụ những mảnh đời bất hạnh vẫn luôn đau đáu trong tim sơ Nụ.

“Mẹ Nụ” nguyện suốt đời nâng đỡ những kiếp người mồ côi, không nơi nương tựa - Ảnh 3.

Sơ Nụ len lỏi đến những ngôi nhà có những mảnh đời tàn phế, chăm sóc cho họ

Mái ấm tình thương dành cho những người bất hạnh

Vào cuối năm 2010, sơ Nụ được linh mục xứ Giáo xứ Tràng Quan và mọi thành phần trong Giáo họ Thụ Điền xin về phục vụ giúp đỡ họ giáo. Về đây, sơ Nụ bày tỏ song song với việc phục vụ họ giáo, sơ muốn có một nếp nhà nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. 

Ý nguyện được mọi người ủng hộ, đồng ý cho sơ mượn một miếng đất là cái ao tù của họ đạo. Vận động các mạnh thường quân đóng góp, một thời gian sau, sơ Nụ đã xây dựng khu nhà đơn sơ rộng gần 100m2 để sinh hoạt và làm việc bác ái.

“Mẹ Nụ” nguyện suốt đời nâng đỡ những kiếp người mồ côi, không nơi nương tựa - Ảnh 4.

Khu nhà đơn sơ dành cho những người bất hạnh được sơ Nụ vận động xây dựng ở mộc góc nhỏ của Nhà thờ Giáo xứ Tràng Quan

Nơi đây được gọi là mái ấm tình thương, có tên đầy đủ là Mái ấm Têrêsa (hay còn gọi là Mái ấm Sơ Nụ), hoạt động theo linh đạo của Mẹ Têrêsa Calcutta (người phụ nữ được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979).

Tiếng lành lan tỏa, chỉ ít lâu khi mái ấm được thành lập, đã có nhiều người biết đến và liên hệ. Họ giới thiệu tới mái ấm cho những mảnh đời khó khăn từ khắp nơi trên cả nước như ở Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa và thậm chí cả trong miền Nam. 

Kể từ khi thành lập đến nay, mái ấm đã cưu mang 34 mảnh đời bất hạnh, trong đó có 16 phụ nữ độc thân, cô đơn, bại liệt, tâm thần, khuyết tật ở độ tuổi 40 - 100 tuổi (hiện nay 6 người đã qua đời).

“Mẹ Nụ” nguyện suốt đời nâng đỡ những kiếp người mồ côi, không nơi nương tựa - Ảnh 5.

Sơ Nụ chăm sóc những phụ nữ cô đơn, không nơi nương tựa tại Mái ấm

Trong số những người phụ nữ ở đây, mỗi người có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau. "Cụ già 100 tuổi mới mất là một trong số đó, cụ về mái ấm cách đây 7 năm. Trước đó, bao nhiêu năm trời cụ không có nhà cửa, phải đi lang thang ngủ ngoài đường, ở chợ. Khi được mọi người giới thiệu về đây, cụ có nói với tôi, "Dì ơi, từ nay dì dừng có cho tôi đi đâu nữa nhé!", sơ Nụ kể.

Một trường hợp khác, một cụ 85 tuổi được giới thiệu từ Hà Nội về. Trước đây gia đình cụ vốn thuộc lớp người giàu có của đất Kinh kỳ, nhưng sau những biến cố gia đình, cụ và con trai không còn gì khác ngoài một túp lều – vốn trước là nơi ở của công nhân xây dựng. Trong lần con trai (60 tuổi) ra Bờ Hồ câu cá trộm, khu lều bị cháy, cụ bị mù nên không biết gì nhưng rất may anh con trai nghe tiếng tri hô về kịp, cứu cụ. Sau sự vụ này, cụ được Ban Bác ái Xã hội, Tổng Giáo phận Hà Nội giới thiệu đến với Mái ấm của sơ Nụ.

"Trước đây cụ sống sung túc nhưng giờ lại bi đát. Trong cảnh đó, tuy mình cưu mang, giúp đỡ cụ nhưng nhiều khi cụ cũng chửi mình, đối xử với mình tệ lắm. Dẫu vậy, chị em chúng tôi vẫn nhẫn lại, an ủi nhau như thế mới là bác ái. Thực ra, mình cũng cảm thấy thương cụ nhiều hơn là trách cụ", sơ Nụ giãi bày.

Sơ Nụ chăm sóc, dạy học cho các trẻ mồ côi trong Mái ấm

Trẻ mồ côi học tập, vui chơi tại Mái ấm

Số còn lại là các trẻ mồ côi, hoàn cảnh gia đình khó khăn từ 3 - 18 tuổi, tại đây, các cháu đều được đi học như trẻ bình thường. "Có cháu mẹ không bình thường, đi ra đường chẳng may mang bầu, khi đẻ xong không nuôi được. Có cháu tuy mẹ bình thường nhưng sinh con không được bao lâu thì bỏ nhà, để con cho bà ngoại nuôi…", sơ Nụ nhớ lại.

Trong số đó, một cháu hiện đang học năm cuối bậc bổ thông, còn một cháu đang học năm cuối đại học. Ngoài việc học ở trường lớp, các cháu còn được sơ Nụ dạy âm nhạc (đánh đàn piano, hát), làm việc nhà, dạy nghề may và chăm sóc cho các cụ già trong mái ấm. Tuy khác biệt nhau về độ tuổi và hoàn cảnh nhưng nhìn chung những mảnh đời ở đây đều có một điểm chung, đó là tấm lòng chân thành đối với sơ Nụ. Tất cả đều trìu mến gọi sơ bằng "Mẹ Nụ".

"Mẹ đối xử với cháu như mẹ ruột. Mẹ luôn quan tâm đến cháu, giúp đỡ cháu rất nhiều mặt về tâm lý, học hành và những bài học ở bên ngoài. Kỷ niệm sâu sắc nhất là lúc cháu bị bệnh nặng, cháu rất hoảng sợ nhưng có mẹ ở bên an ủi âu yếm nên cháu sớm lấy lại được tâm trạng bình an", cháu Nguyễn Thị Vi (15 tuổi), học sinh lớp 9 chia sẻ.

“Mẹ Nụ” nguyện suốt đời nâng đỡ những kiếp người mồ côi, không nơi nương tựa - Ảnh 9.

Cháu Nguyễn Thị Vi đọc báo PNVN

Để có thể duy trì mái ấm, sơ Nụ thường nhận hàng về may, và nhận bật lửa công ty về để các trẻ lắp ráp kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những lúc hết tiền, hết gạo, những lúc này sơ sẽ đi quyên góp từ các nhà hảo tâm, các hộ dân, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Xúc động trước tấm lòng của sơ Nụ và xót thương cho những số phận tại đây, nên thi thoảng những người dân hoặc nhóm tổ chức thiện nguyện đến ủng hộ lương thực thực phẩm (gạo, rau, thịt….), hoặc bằng tiền mặt (50.000 đồng, 100.000 đồng), thậm chí có người ủng hộ 1.000.000 đồng.

Ghi nhận hoạt động nhân ái trên, tại Hội nghị Điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã khen thưởng sơ Đặng Thị Nụ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này.

“Mẹ Nụ” nguyện suốt đời nâng đỡ những kiếp người mồ côi, không nơi nương tựa - Ảnh 10.

Sợ Nụ được Hội LHPN tỉnh Thái Bình trao Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Thi đua yêu nước 2015 - 2020

Những năm gần đây, mái ấm ngày càng được nhiều biết đến và ngày càng có nhiều mảnh đời bất hạnh đến đây hơn. Trong điều kiện vật chất thiếu thốn, sơ Nụ phải cơi nới thêm phòng, dựng thêm mái tôn ở ngoài sân để cho các cụ già và cháu nhỏ có chỗ ngủ nghỉ. 

"Ở đây chật chội quá, không đủ chỗ để bếp núc, không có chỗ nào để đựng đồ sinh hoạt, hầu hết mọi người phải ngủ ở ngoài sân, rất là tội nghiệp. Vì vậy, điều tôi trăn trở nhất bây giờ là làm sao có một chỗ đất rộng rãi để các cụ già và các cháu ở đây được sinh hoạt tử tế hơn", sơ Nụ bày tỏ.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ của quý độc giả tới mái ấm tình thương xin liên hệ tới số điện thoại của Sơ Nụ: 0346777226, số tài khoản: 0211000009850, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thái Bình, chủ tài khoản: Đặng Thị Nụ.

Thực hiện: Trường Hùng