Mẹ sẽ làm những điều tốt nhất cho con

14/06/2021 23:02
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở hành lang chung cư tôi vẫn gặp chị mỗi buổi chờ con học nói. Con trai chị có vẻ mặt sáng ngời và thánh thiện của một thiên thần nhưng bị tự kỷ nhẹ. “Bồ biết không, hơn 4 tuổi rồi mà con mình không biết cái bàn, cái ghế. Con bồ biết không?”. Khi tôi gật đầu, mắt chị ngời lên: “Trời ơi, vậy là mừng quá”.

Nhà chị tuốt Bình Chánh (TPHCM), mất 40 phút để chạy xe đến đây đưa đón con để các thầy cô chuyên biệt can thiệp. Điều khiến tôi xót lòng là chị vẫn chưa hết thời gian ở cữ. Đứa sau chưa đầy tháng, chị đã dậy đưa đón đứa trước chỉ vì: "Con mình còn nhỏ, mình không yên tâm nhờ ai đưa đón một chặng đường xa. Ba nó thì bận công việc không về sớm được. Hơn nữa, nhìn xung quanh bạn sẽ thấy toàn các mẹ đưa đón con vì chỉ mẹ mới đủ kiên nhẫn đưa đón, chờ đợi vậy thôi. Mình mất công với con thì con cũng sẽ hiểu, thương mình mà tiến bộ". Nói vậy nhưng cả tôi lẫn chị đều hiểu, để một em bé 4 tuổi tự kỷ hiểu và biết thương mẹ có lẽ là quá xa vời.

Cùng với chị, những bà mẹ đưa con tới lớp học này đều có con có những vấn đề về tâm lý. Đứa tự kỷ, đứa tăng động, đứa chậm nói… Nhưng nhìn gương mặt các mẹ vẫn háo hức mong đợi một sự đổi thay như thể chỉ ngày nay, ngày mai thôi, các cô cậu nhóc đặc biệt kia sẽ khác. Họ không nói với nhau về những điều tiêu cực, buồn lòng mà chỉ nói về tích cực. Chị nói với tôi rằng: "Bồ biết không, con mình tuy nó vậy nhưng mình biết chắc các thầy cô và mình yêu thương, dạy dỗ nó nhất định nó sẽ biết, nó sẽ khác. Có rất nhiều bà mẹ khổ tâm hơn mình nhiều. Bồ à, nhiều người họ không may mắn sinh ra những đứa con khuyết tật hoặc con cái gặp tai nạn… Mình nghĩ đến họ mà rớt nước mắt, mà nghĩ mình còn may mắn lắm".

Khi tôi hỏi, sao chị không kiếm lớp học nào gần nhà hơn để hai mẹ con đỡ cực khi phải đi xa, nhất là khi chị đang "ở cữ"? Chị nói, các lớp khác, con không tiến bộ bằng lớp này. Xa chút có sao đâu, ở cữ thì cũng có sao đâu khi con mình tiến bộ. Chẳng bao giờ có chuyện mẹ lại nản lòng khi làm một điều gì đó cho con và chắc chắn mẹ nào cũng sẽ làm những điều tốt nhất cho con.

Mẹ sẽ làm những điều tốt nhất cho con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ câu chuyện của chị, tôi lại nhớ tới hai mẹ con mà tôi vẫn gặp trong cái nắng quái xế chiều, ở con đường ven ngoại thành. Cậu nhỏ thường bê một thau nhựa cũ xỉn chứa đầy các loại cua đồng, ốc bươu, ốc gạo… Bên cạnh cậu có một "trợ lý" đặc biệt. Chị tầm 30 tuổi, đầu tóc chẳng mấy khi thẳng thớm. Chị thường ngồi ngoác miệng ngáp không thèm đưa tay che ý tứ. Cậu nhóc gọi người ấy là Mẹ. Cả hai hầu như ít đối thoại gì với nhau, chỉ nhìn nhau và cười trừu mến.

Có hôm tôi ghé lúc hai mẹ con cậu đang ngồi ăn chung một bịch bánh tráng trộn. Mẹ một miếng, con một miếng. Cả hai cùng cười tươi rạng rỡ. Nụ cười cả hai đều hồn nhiên như trẻ thơ. Dĩ nhiên chẳng ai lạ nụ cười như con nít của chị, khi mà chị vẫn bị mọi người xung quanh gọi là Thanh "khùng". Sau vài hôm mua hàng, khi đã trở thành khách quen của cậu nhóc. Cậu nhóc bắt đầu khoe với tôi những thành tích của mẹ cậu: "Mẹ em tuy khùng thiệt nhưng mò cua bắt ốc "siêu" lắm nha. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ buổi sáng em đi học là mẹ bắt được đầy nhóc cả chậu lẫn bao. Cả em và mẹ sống nhờ vào lũ cua lũ ốc đó". Tôi thấy cay mắt vì nhìn mắt cậu nhóc ấy, tôi thấy một niềm tự hào rất chân thật.

Bà bán dừa nước bên cạnh kể thêm cho tôi, bà biết chị Thanh "khùng" khùng từ lúc bé xíu. Nhà nghèo, không được đi học nên càng khùng dữ. Dậy thì, đám trai công trường gần nhà chị vẫn thường ghé nhà xin nước uống. Chẳng biết ông nào xin nước để lại hậu quả khiến cái bụng to uỳnh ra. Ba mẹ Thanh "khùng" không truy ra được hung thủ, đành dắt con gái đi ra bệnh viện xử lý. Nhưng khùng luôn biết trốn mỗi lần bị cả nhà bắt đi viện. Cuối cùng đứa nhỏ cũng ra đời. Ba mẹ Thanh mất trong một tai nạn khi thằng nhỏ mới hơn 1 tuổi, ai cũng ái ngại lo chị không biết nuôi con. Ai dè thằng nhỏ vẫn lớn, vẫn khôn, lâu lâu mới thấy chị ôm con nhờ hàng xóm chở đi bác sĩ. Ai cho miếng gì ăn được, Thanh cũng dấm dúi mang về cho con, không ăn uống dọc dường như thời "còn son". Thấy con nít đến tuổi đi mẫu giáo, vào lớp 1, Thanh cũng biết ôm con đến trường gửi nhờ. Đổi lại, năm nào thằng nhóc đi học cũng được giấy khen, lễ phép, lại còn biết giúp mẹ kiếm tiền từ rất sớm… 

***

Phần mình, tôi cũng như nhiều người mẹ trẻ khác, đã hơn vài lần lên mạng tìm những cách nuôi dạy con mình bằng cách nào đó tốt nhất, hợp lý nhất. Vì thế, những từ khóa nuôi con kiểu Nhật, kiểu Do Thái… cho hàng triệu kết quả chỉ trong 0,11 giây. Nhưng thực ra, có rất nhiều người mẹ trong cuộc sống tôi gặp (chứ không phải là công cụ tìm kiếm trên mạng) chỉ cho tôi rằng: Chính LÒNG MẸ sẽ là kim chỉ nam chính xác nhất những điều tốt nhất mà mẹ có thể dành cho con.

Muôn đời rồi, vẫn vậy: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời lòng mẹ vẫn yêu con" (Thơ Chế Lan Viên).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.