Chính trị - Xã hội

Mẹ và con gái nhọc nhằn chèo thuyền mưu sinh ở động Phong Nha

Minh Tuấn 18/08/2022 - 09:46 PM
Khoảng 30 phút du khách tham quan hang động, thưởng thức bao nhiêu điều kỳ thú, tuyệt đẹp của thiên nhiên thì cũng là bấy nhiêu thời gian người lái thuyền ra sức chèo lái ngược dòng nước, cố gắng để tránh mắc cạn, tránh va nhau giữa rất nhiều thuyền di chuyển vào mùa cao điểm.

Nhiều du khách đến động Phong Nha ở Quảng Bình khá bất ngờ khi  thấy hầu hết những người chèo thuyền đưa du khách vào tham quan động là phụ nữ. 

Điều kiện ánh sáng bên trong động yếu, không như ngoài trời, có thể thấy đây là một công việc không dễ dàng và thực sự vất vả đối với người phụ nữ. 

Trong khi du khách thưởng thức những tuyệt tác thiên nhiên trong động Phong Nha thì chị Liễu, người lái thuyền ra sức lèo lái ngược dòng

Trong khi du khách thưởng thức những tuyệt tác thiên nhiên trong động Phong Nha thì chị Liễu ra sức chèo lái con thuyền ngược dòng

Chị Hoàng Thị Liễu, ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, là một trong số những người chèo thuyền đưa du khách thăm quan động Phong Nha. Chị làm công việc này đã được 6 năm. Nhà chị Liễu cách động Phong Nha 8 cây số, mỗi khi đến lượt chở khách thì chị rời nhà từ 6h sáng đến điểm tập kết rồi bắt đầu đưa khách vào tham quan hang động.

Chị Liễu kể chị có 5 người con, hiện giờ chị còn đang nuôi 3 con ăn học. Con gái thứ tư và út tranh thủ thay nhau đi phụ mẹ lái thuyền.

Chị cho biết vì đây là một công việc mang tính thời vụ, thất thường, chỉ kiếm tiền được trong khoảng thời gian 3 tháng hè, còn các mùa khác thì gần như không có khách tham quan, nhất là những tháng mùa lũ, hoàn toàn vắng khách. Do đó, người làm nghề lái thuyền phần nhiều là phụ nữ, đàn ông trong gia đình thường chọn công việc khác ổn định hơn để kiếm sống.

Chị Liễu và con gái chuẩn bị cho thuyền xuất bến, đưa du khách trở về điểm tập kết

Chị Liễu và con gái chuẩn bị cho thuyền xuất bến, đưa du khách trở về điểm tập kết

Số lượng thuyền tham gia đưa khách nhiều, nên các thành viên phải chờ đến lượt để chạy. Vào ngày cuối tuần, đông khách nhất thì mỗi ngày chị Liễu chở được 1 chuyến, còn thông thường thì khoảng 3 ngày được 1 chuyến.

Mỗi chuyến đưa khách vào thăm quan, chị được trả 550 ngàn đồng, trừ tiền bến bãi, thuế và dầu thì chị còn lại từ 300 đến 350 ngàn đồng. Vào mùa du lịch, trung bình mỗi tháng chị kiếm được 1 triệu rưỡi đến 2 triệu đồng.

Chiếc thuyền chị Liễu đang chở khách trị giá 70 triệu đồng, trong đó tiền gia đình chị tích góp được 30 triệu, còn lại 40 triệu đồng được Hội LHPN địa phương hỗ trợ cho vay. Để được nhận vào lái thuyền đưa du khách, chị Liễu phải học qua một khóa 3 tháng, lấy chứng nhận lái thuyền, chi phí khoảng 4 triệu đồng. Sau 3 năm thì phải học lại.

Con gái chị Liễu đang học cấp II tranh thủ ngày nghỉ giúp mẹ chèo thuyền đưa du khách

Con gái chị Liễu đang học cấp II tranh thủ ngày nghỉ giúp mẹ chèo thuyền đưa du khách

Chị Liễu cho biết vất vả nhất là những lúc trời mưa, do dòng nước từ phía bên Lào dội về, nên nước trong động chảy mạnh. Vào động thì nguyên tắc vẫn phải chèo tay, không nổ máy, nhưng khi nước chảy thì vất vả hơn rất nhiều, để tránh va chạm và ùn tắc thuyền trong hang.

Bằng những động tác thuần thục và mạnh mẽ, chỉ Liễu đứng trước mũi, chèo và chống, trong khi con gái phía sau giữ lái. Nhìn hai mẹ con ra sức chèo chống con thuyền để mưu sinh như thể họ đang lèo lái cuộc sống của chính mình và gia đình.

Con thuyền rồi cũng ra đến cửa hang ngập tràn ánh sáng và nắng chan hòa. Còn cuộc sống người lái thuyền, liệu có  được thêm nhiều ngày tươi sáng, đỡ vất vả nhọc nhằn hơn.

Chiếc thuyền chị dùng để mưu sinh được mua từ phần tiền tích góp được cùng với số tiền cho vay từ Hội Phụ nữ địa phương

Chiếc thuyền chị Liễu dùng để mưu sinh được mua từ phần tiền tích góp được cùng với số tiền cho vay từ Hội LHPN địa phương

Minh Tuấn (thực hiện)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn